Malaysia phát hiện thêm nhiều ca COVID-19 nhiễm dòng phụ XBB.1.16

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

* Thái Lan khuyến khích người dân tiêm phòng cúm và COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 24/2, Bộ trưởng Y tế Malaysia, TS Zaliha Mustafa cho biết nước này đã phát hiện thêm 12 ca COVID-19 nhiễm dòng biến thể phụ XBB.1.16 (Arcturus) của virus SARS-CoV-2.

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Zaliha cho biết thêm kể từ ngày 2/4, biến thể phụ đã được phát hiện ở 31 quốc gia bao gồm cả Malaysia. Tại nước này, có 6 trường hợp được phát hiện ở Sarawak, 4 trường hợp ở Selangor và 2 trường hợp ở Kuala Lumpur.

Bộ trưởng Zaliha dẫn báo cáo đánh giá rủi ro toàn cầu cho biết nguy cơ lây nhiễm và các ca bệnh do nhiễm dòng phụ XBB1.16 thấp hơn XBB.1.5. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Malaysia khẳng định tình hình đã được kiểm soát. Dòng phụ XBB.1.16 (còn được biết đến là Arcturus) lần đầu tiên được phát hiện ở Malaysia vào tháng 3. Dòng này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại là biến thể đáng quan tâm (VOI) vào ngày 17/4.

Ngoài ra, TS Zaliha cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở Malaysia đã giảm trong tuần trước xuống còn 4.817 ca, từ mức 5.149 ca của tuần trước đó.

Cho đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 18.319 ca COVID-19 do nhiễm các biến thể cần quan tâm (VOC) và VOI trong khi các dòng phụ của biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế nhất về số ca bệnh.

Bộ trưởng Y tế Malaysia kêu gọi những người chưa tiêm liều tăng cường hãy tiêm càng sớm càng tốt và thực hành nghiêm quy định về xét nghiệm, báo cáo, cách ly và hỗ trợ y tế nếu mắc bệnh.

* Bộ Y tế Thái Lan khuyến nghị những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người già và những người có bệnh lý nền, cũng như nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, nên tiêm phòng cả hai bệnh cúm và COVID-19.

Trong khi đó, một nhà virus học hàng đầu Thái Lan cũng kêu gọi người dân thực hiện tiêm mũi tăng cường phòng COVID-19. Trên trang Facebook cá nhân, Giáo sư Yong Poovorawan, người đứng đầu Trung tâm Xuất sắc về Virus học Lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn, cho biết việc tiêm vắc xin COVID-19 nên được thực hiện hàng năm, tương tự như tiêm phòng cúm. Ông Yong nhấn mạnh việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể ngăn người bệnh phát triển các triệu chứng nghiêm trọng, phải nhập viện và tử vong, đặc biệt là ở những bệnh nhân thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Giáo sư Yong nhận định các đợt bùng phát dịch bệnh thường bắt đầu vào đầu mùa mưa hoặc đầu năm học mới, vì vậy, thời điểm tiêm nhắc lại thích hợp là từ tháng 5 đến tháng 6.

Theo Trung tâm Di truyền Y học thuộc Bệnh viện Ramathibodi, khoảng 52% trường hợp mắc COVID-19 mới ở Thái Lan là do chủng phụ XBB của biến thể Omicron gây ra. Các chủng phụ của biến thể XBB được cho là nguyên nhân làm gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 gần đây trên toàn cầu, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải phân loại lại chủng phụ XBB.1.16 từ “biến thể đang được theo dõi” thành “biến thể quan tâm”.

Trung tâm Di truyền y học đang phát triển một bộ xét nghiệm nhằm vào biến thể phụ XBB bằng thông qua phương pháp sử dụng công nghệ tạo kiểu gen mảng khối. Các nhà khoa học cũng đang làm việc để cải thiện bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 hiện nay để có thể xác định chủng phụ nào đứng sau sự lây nhiễm của bệnh nhân. Theo phân tích của trung tâm về bộ gen XBB.1.16, biến thể phụ này sẽ trở thành dòng phụ chiếm ưu thế ở Thái Lan trong vài tháng tới.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/297886/malaysia-phat-hien-them-nhieu-ca-covid-19-nhiem-dong-phu-xbb-1-16.html