Malaysia mua vắc xin Pfizer cho trẻ, Indonesia giảm giá xét nghiệm PCR

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh. Ảnh minh họa. AFP/TTXVN

Ngày 29/10, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nước này sẽ xúc tiến mua vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm chung cho trẻ em, sau khi ủy ban cố vấn của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị sử dụng vắc xin này cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Trong khuyến nghị, ủy ban trên cho biết lợi ích của loại vắc xin này nhiều hơn rủi ro. Hiện FDA chưa đưa ra quyết định về việc này.

Trong một bình luận trên mạng Twitter, ông Jamaluddin cho biết có những lựa chọn khác, như vắc xin của công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc), cũng sẽ được cân nhắc sử dụng để đảm bảo trường học mở cửa an toàn trở lại.

Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ Malaysia, khoảng 62% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tại Indonesia, chính phủ tiếp tục giảm giá xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) trong nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19. Thông tư của Bộ Y tế Indonesia cho biết kể từ ngày 27/10, giá trần xét nghiệm PCR được ấn định ở mức 275.000 Rupiah (19,4 USD) đối với các tỉnh và thành phố thuộc đảo Java và Bali, và 300.000 Rupiah đối với các địa phương còn lại.

Tổng cục trưởng Dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Indonesia, ông Abdul Kadir cho biết việc giảm giá xét nghiệm từ mức trần 495.000-550.000 Rupiah được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo.

Trước đó, Bộ Y tế Indonesia đã phối hợp với Cơ quan Giám sát tài chính và phát triển (BPKP) tiến hành đánh giá tổng quan các chi phí đầu vào xét nghiệm PCR, bao gồm chi phí dịch vụ, nhân lực, thuốc thử và vật tư tiêu hao, cũng như chi phí quản lý và các chi phí khác.

Bộ đã giao các cơ quan quản lý y tế cấp huyện, thành phố giám sát thực thi thông tư mới, theo đó, các cơ sở vi phạm sẽ bị phạt tiền, tạm ngừng hoạt động, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh.

Campuchia ngày 28/10 đã cho phép tất cả các bảo tàng, rạp chiếu phim và các cơ sở biểu diễn nghệ thuật tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại từ ngày 30/10 sau một thời gian dài phải đóng cửa vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia tuyên bố những cơ sở này phải tuân thủ nghiêm túc những quy định phòng, ngừa dịch bệnh do bộ này và Bộ Y tế đưa ra. Theo quy định, khán giả phải xuất trình thẻ chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, đeo khẩu trang đúng cách, kiểm tra thân nhiệt và rửa tay trước khi vào những địa điểm trên, đồng thời phải thực hiện giãn cách. Các phòng chiếu phim hay cơ sở biểu diễn nghệ thuật chỉ được hoạt động với 50% số ghế.

Quyết định trên được đưa ra sau khi hầu hết người dân Campuchia đã tiêm chủng và số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Tại Myanmar, Ủy ban trung ương về phòng ngừa, kiểm soát và điều trị COVID-19 nước này ngày 28/10 thông báo Myanmar sẽ mở cửa trở lại các trường học trên cả nước vào tháng 11. Theo thông báo của ủy ban trên, tất cả các cơ sở giáo dục cơ bản, trong đó có cả trường tư thục và trường Phật giáo, sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 1/11.

Riêng các trường học tại 46 thành phố nhỏ tại 9 khu vực và bang vẫn phải đóng cửa do dịch bệnh tiếp tục lây lan tại những vùng này. Quyết định này được đưa ra dựa trên tỉ lệ số ca nhiễm mới tính trên 100.000 người trong vòng 14 ngày qua. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, Myanmar đã phải tái đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước kể từ đầu tháng 7.

Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh tại Đức đang khiến giới chức y tế nước này lo ngại nguy cơ số ca nhập viện trong các khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) sẽ tăng trở lại. Số liệu từ Bộ Y tế Đức ngày 28/10 cho biết nước này ghi nhận 28.037 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ, tăng gần 12.000 ca so với một tuần trước đó ghi nhận 16.077 ca.

Đức cũng ghi nhận thêm 126 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất kể từ tháng Sáu vừa qua. Tỉ lệ mắc COVID-19 cũng tăng lên 130,2 ca/100.000 người trong ngày 28/10, cao hơn mức 118 ca/100.000 người ghi nhận ngày 27/10 và 85,6 ca/100.000 người một tuần trước đó. Giới chức y tế cảnh báo tình trạng quá tải có thể xảy ra ở các bệnh viện, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm phòng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Bệnh viện Đức, Gerald Gaß, cho biết các bệnh viện "đang trong tình trạng nghiêm trọng”. Theo ông Gaß, số lượng bệnh nhân nhập viện do COVID-19 đã tăng đáng kể trong vòng một tuần. Trong số 1.768 bệnh nhân được điều trị tại ICU trên khắp nước Đức trong ngày 27/10, đa số là những người chưa được tiêm chủng.

Viện Robert Koch (RKI) ngày 27/10 cũng đã ghi nhận tỉ lệ nhập viện trong bảy ngày là 3,07/100.000 dân, tăng so với 2,13/100.000 dân một tuần trước đó. RKI khẳng định nếu xu hướng này tiếp tục, Đức sẽ có 3.000 bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt trở lại chỉ sau hai tuần.

Cũng tại châu Âu, Ireland cùng ngày 28/10 ghi nhận 2.605 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng Một năm nay. Về số ca tử vong do COVID-19, trong tuần tính đến ngày 27/10, Ireland có 67 người không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong lên 5.436 ca.

Ireland đã nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống COVID-19, theo đó dỡ bỏ quy định giới hạn số người tham gia các sự kiện ngoài trời cũng như quy định hạn chế số người tham dự lễ cưới và sự kiện tôn giáo, trong khi các câu lạc bộ giải trí ban đêm đã được mở cửa trở lại lần đầu tiên sau gần 20 tháng phải đóng cửa.

Hiện Ireland vẫn duy trì một số biện pháp hạn chế như người dân muốn vào các nhà hàng, quán bar hay câu lạc bộ giải trí ban đêm cần xuất trình giấy thông hành COVID-19, bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín và khi tham gia phương tiện giao thông công cộng, đồng thời phải thực hiện giãn cách tại những nơi đông người.

Giới chức y tế Ireland quan ngại về áp lực đối với hệ thống chăm sóc y tế của nước này khi số ca nhiễm mới tăng cao. Tại các bệnh viện do nhà nước quản lý ở Ireland chỉ có 206 giường bệnh chăm sóc đặc biệt. Do đó, nếu số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ngày càng gia tăng vào mùa đông này, số giường bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt không đủ để điều trị cho cả bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân khác.

Cùng ngày 28/10, Chính phủ Anh thông báo nước này ghi nhận thêm 39.842 ca mắc mới COVID-19, theo đó trong tuần tính đến ngày 28/10, số ca mắc mới tại Anh giảm 9,8% so với tuần trước đó. Anh cũng ghi nhận thêm 165 ca tử vong do COVID-19, theo đó số người không qua khỏi trong tuần tăng 16,2% so với tuần trước đó.

Tính đến hết ngày 27/10, Anh đã tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho 49,84 triệu người dân nước này, trong đó 45,63 triệu người đã tiêm đủ hai mũi.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/266816/malaysia-mua-vac-xin-pfizer-cho-tre-indonesia-giam-gia-xet-nghiem-pcr.html