Malaysia: Giáo dục là chìa khóa để đối phó bệnh thừa cân ở trẻ em đến năm 2035

Các chuyên gia y tế cho biết, chính phủ Malaysia cần thúc đẩy cuộc cách mạng về thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục để đối phó với tình trạng béo phì nghiêm trọng ở nước này.

Cuộc khảo sát toàn cầu dự đoán cứ 3 trẻ lại có 2 trẻ bị thừa cân ở Malaysia vào năm 2035. Thống kê dựa trên thông báo của Liên đoàn Béo phì Thế giới vào tuần trước.

Các quán ăn và nhà hàng đường phố ở Jalan Alor, Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Getty Images

Các quán ăn và nhà hàng đường phố ở Jalan Alor, Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Getty Images

Dữ liệu mới nhất cho thấy tình trạng béo phì sẽ gia tăng trên toàn cầu trong thời gian tới, cho dù Tổ chức Y tế Thế giới đã phát động chiến dịch ngăn chặn tình trạng béo phì cách đây một thập kỷ.

Tình trạng béo phì ở người trưởng thành gia tăng đã trở thành một vấn đề lớn ở Malaysia và các nước láng giềng. 7 trong số 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lọt vào danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì tăng nhanh nhất. Danh sách đó bao gồm Lào, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Campuchia và Malaysia.

Ở Malaysia, các giải pháp được đề xuất đối phó với tình trạng béo phì bao gồm việc hạn chế giờ hoạt động của các nhà hàng mamak cực kỳ nổi tiếng thường mở cửa 24 giờ/ngày. Mamak là các quầy ăn uống chuyên về ẩm thực Hồi giáo, du khách có thể dễ dàng tìm thấy ở Malaysia.

Tuy nhiên, theo Azizan Abdul Aziz, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, quy định nghiêm khắc như vậy sẽ không giải quyết được nguyên nhân cơ bản của tình trạng này khi những thói quen của người dân hầu hết đã hình thành từ thời thơ ấu.

"Giáo dục phải là trọng tâm chính, trong đó tập trung vào các chương trình cộng đồng. Chúng ta chưa làm đủ trong lĩnh vực này. Các chiến dịch nâng cao nhận thức của chính phủ chưa đủ hiệu quả để tác động đến thay đổi hành vi hoặc lối sống của người dân", ông Azizan nói với This Week in Asia.

Giáo dục thay đổi hành vi và lối sống tích cực hơn

Cũng theo ông Azizan, việc tham gia các môn thể thao hoặc tập thể dục cần được nhấn mạnh hoặc khuyến khích ngay từ khi còn nhỏ ở trường học để hình thành thói quen của trẻ và trở thành một phần lối sống duy trì tích cực ở tuổi trưởng thành.

Trong tháng 4, Hiệp hội Người tiêu dùng Penang đã đưa ra đề xuất đối phó với béo phì bằng cách đóng cửa các nhà hàng mamak có mặt khắp đất nước. Tuy nhiên, người dân Malaysia đã chỉ trích đề xuất này. Họ cho rằng các quán ăn này phục vụ nhu cầu của nhiều người.

Nhà hàng Mamak được coi là văn hóa ẩm thực của Malaysia, phục vụ tất cả mọi người từ những người làm ca muộn và sinh viên đại học đang gấp rút hoàn thành luận văn cho đến những người hâm mộ bóng đá muốn xem trực tiếp các trận đấu của các đội bóng Premier League yêu thích.

"Tôi có thể đến quán rượu để xem Liverpool thi đấu, nhưng điều đó có thể tốn kém và một số bạn bè của tôi không uống rượu. Mamak là lựa chọn dễ dàng nhất cho tất cả chúng tôi," Giám đốc bán hàng K Kumar, 26 tuổi, nói thêm.

Vào năm 2022, cuộc khảo sát về bệnh tật và sức khỏe quốc gia của Malaysia (NHMS) cho thấy 30,5% trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì là do thói quen ăn uống kém và hành vi ít vận động, phần lớn là do thời gian sử dụng điện thoại và máy tính thay thế hoạt động thể chất. .

Chính phủ Malaysia trước đây đã phát động các chiến dịch sống lành mạnh để giải quyết tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm (NCD) đang gia tăng ở nước này như bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường, vốn dĩ gây ra gánh nặng ngày càng lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Năm 2019, chính phủ đã áp đặt "thuế đường" đánh thuế 40 sen (0,08 USD)/ lít đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ đồ uống có hàm lượng calo cao. Thủ tướng Anwar Ibrahim đã yêu cầu tăng thuế lên 50 sen/ lít trong ngân sách năm 2024.

Trong Sách Trắng trình lên Quốc hội năm ngoái, Bộ Y tế Malaysia cũng xác định béo phì là nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ mắc bệnh NCD ở nước này. Người ta ước tính rằng khoảng 98% dân số trưởng thành ở Malaysia có ít nhất một yếu tố nguy cơ NCD.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Y tế Dzulkefly Ahmad cũng khẳng định nhận thức về sức khỏe kém của người dân Malaysia đang là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng.

"Phải nhớ rằng thói quen ăn uống không tốt và thiếu hoạt động thể chất là hai nguyên nhân chính gây ra béo phì. Mỗi cá nhân nên chịu trách nhiệm về thói quen ăn uống và lối sống", ông Dzulkefly nói.

Những hạn chế được đề xuất đối với các nhà hàng mamak đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ người Malaysia trên mạng xã hội. Hầu hết mọi người đều cho rằng ai cũng đều có quyền tự do lựa chọn.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ một lối sống lành mạnh hơn. Nhưng mọi người sẽ vẫn ăn đồ ăn vặt nếu đã là thói quen. Tự do ngôn luận, tự do lựa chọn thực phẩm. Mamak đã là một phần văn hóa của chúng ta. Hãy giáo dục, [đừng] khẳng định kiểu kiểm soát", một tài khoản trên Facebook bình luận về vấn đề này./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/malaysia-giao-duc-la-chia-khoa-de-doi-pho-benh-thua-can-o-tre-em-den-nam-2035-20240513155448894.htm