'Mai Vàng tri ân' thăm, tặng quà nhà văn Đỗ Chu, GS Đào Trọng Thi

Ngày 22-2, chương trình 'Mai Vàng tri ân' do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm và tặng quà nhà văn Đỗ Chu cùng GS Đào Trọng Thi

Tại buổi gặp gỡ, Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao phần quà "Mai Vàng tri ân" trị giá 20 triệu đồng tới nhà văn Đỗ Chu.

Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (thứ hai từ trái qua), trao phần quà "Mai Vàng tri ân" tới nhà văn Đỗ Chu. Ảnh: Quốc Anh

Xúc động nhận món quà của chương trình, nhà văn Đỗ Chu chia sẻ ông rất hạnh phúc khi nhận món quà tinh thần và vật chất quý giá trong dịp đầu năm mới. Đây là niềm vui, niềm động viên lớn đối với các văn nghệ sĩ, trí thức, đặc biệt là những người cao tuổi.

Nhà văn Đỗ Chu tặng tác phẩm của mình đến tiến sĩ Tô Đình Tuân. Ảnh: Quốc Anh

Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh năm 1944 tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Những truyện ngắn đầu tiên được Đỗ Chu viết từ khi ông đang học phổ thông. "Ao làng", "Thung lũng cò", "Hương cỏ mật", "Mùa cá bột" đã đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội vào hai năm 1962-1963. Hai mươi tuổi ông đã được nhiều người biết đến với các tùy bút và truyện ngắn nổi tiếng đương thời.

Những năm chống Mỹ, cứu nước, nhà văn từng là lính cao xạ thuộc quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1975, ông chuyển ngành sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn được đồng nghiệp khâm phục vì có một trí tưởng tượng nhanh nhạy cùng sức lao động bền bỉ, ý thức trách nhiệm cao với từng con chữ, từng dòng viết.

Nhà văn Đỗ Chu chia sẻ ông rất hạnh phúc khi nhận món quà tinh thần và vật chất quý giá trong dịp đầu năm mới. Ảnh: Quốc Anh

Tác phẩm chính của Đỗ Chu gồm có: Hương cỏ mật (tập truyện ngắn, 1963), Phù sa (tập truyện ngắn, 1966), Tháng Hai (tập truyện ngắn, 1969), Trung du (truyện ngắn, 1967), Gió qua thung lũng (truyện ngắn, 1971), Vòm trời quen thuộc (truyện ngắn, 1969), Đám cháy trước mặt (truyện ngắn, 1970), Những chân trời của các anh (tùy bút), Tắm cho ông (truyện ngắn, 1989), Một loài chim trên sóng (truyện ngắn, 2001), Đỗ Chu truyện ngắn tuyển tập (2003), Tản mạn trước đèn (2004), Lão mai (truyện ngắn).

Phần lớn tác phẩm của ông đều lấy đề tài từ các làng quê, đạo lý của con người và phong tục tập quán dân tộc... Về mảng tùy bút ở Việt Nam, tài năng của ông được đánh giá là chỉ sau Nguyễn Tuân. Trong những tản mạn của mình, Đỗ Chu dựng lên chân dung đời sống, chân dung bạn bè, những kỷ niệm văn nghệ…

Nhà văn nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2002), Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2004 cho tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm "Một loài chim trên sóng", "Tản mạn trước đèn".

Tiến sĩ Tô Đình Tuân tặng quà của chương trình "Mai vàng tri ân" đến GS Đào Trọng Thi. Ảnh: Quốc Anh

Đến thăm GS Đào Trọng Thi, tiến sĩ Tô Đình Tuân cho hay với thông điệp là không quên những thế hệ đi trước đã cống hiến cho xã hội, bốn năm qua, chương trình "Mai vàng tri ân", trước đó là "Mai vàng nhân ái", của Báo Người Lao Động đã thăm, tặng quà, tri ân nhiều nhân sĩ, trí thức, những người có đóng góp nổi bật cho đất nước.

Cảm ơn chương trình đã đến thăm nhân dịp đầu năm mới, GS Đào Trọng Thi chúc mừng Báo Người Lao Động trong năm qua vừa qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ông bày tỏ mong muốn Báo Người Lao Động tiếp tục khẳng định vị trí trong lòng độc giả, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, mang thêm nhiều thông tin thiết thực, ý nghĩa đến với độc giả.

TS Tô Đình Tuân tặng quà của Báo Người Lao Động tới GS Đào Trọng Thi. Ảnh: Quốc Anh

GS Đào Trọng Thi sinh năm 1951, tại xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Được chọn đi học đại học, sau đó là tiến sĩ và tiến sĩ khoa học tại Liên Xô (cũ), GS đã đạt những thành tựu trong nghiên cứu toán học. Năm 1985, ông được ghi danh vào Từ điển Bách khoa Toàn thư Toán học Liên Xô với tư cách là một chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực Bài Plateau nhiều chiều.

Năm 1991, khi tròn 40 tuổi, ông được đặc cách phong học hàm GS (không qua Phó GS), trở thành một trong những GS trẻ nhất của ngành toán học và của giới khoa học Việt Nam lúc đó. Trong nhiều năm, vừa là một nhà khoa học, vừa là một cán bộ giảng dạy, GS-TSKH Đào Trọng Thi đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Giáo sư cũng rất tích cực quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ.

Năm 1992, ông được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở tuổi 41. Rồi năm 1993, khi ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định của Chính phủ, ông được phân công đảm nhiệm chức trách của Phó giám đốc ĐHQGHN kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Năm 2001 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc ĐHQGHN. Ông đã công bố gần 40 công trình khoa học tại các tạp chí toán học có uy tín trong nước và quốc tế.

GS Đào Trọng Thi được đánh giá là một nhà quản lý sắc sảo, có tầm tư duy chiến lược, luôn nhạy bén với những yếu tố mới, xu hướng mới, có khả năng đưa ra những quyết định nhanh và chính xác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sự thành công trong nhiều quyết sách của ĐHQGHN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoàn thiện mô hình một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và công nghệ chất lượng cao ở Việt Nam đều có phần đóng góp rất quan trọng của nhà lãnh đạo tâm huyết này.

Ông là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (Việt Nam) từ 2007-2016.

Yến Anh. Ảnh: Quốc Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mai-vang-tri-an-tham-tang-qua-nha-van-do-chu-gs-dao-trong-thi-196240222153143256.htm