Mai Sơn phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mai Sơn đã gắn phát triển chăn nuôi gia súc với đầu tư xây dựng hầm khí biogas, vừa tiết kiệm được chi phí nhiên liệu và xử lý được chất thải chăn nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Mô hình hầm khí sinh học biogas của hộ gia đình ở bản Cơi Quỳnh, xã Chiềng Mai.

Mô hình hầm khí sinh học biogas của hộ gia đình ở bản Cơi Quỳnh, xã Chiềng Mai.

Mô hình hầm khí sinh học biogas của gia đình chị Trần Thị Xuân, bản Cơi Quỳnh (Chiềng Mai) đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay đã giảm hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường. Chị Xuân cho biết: Gia đình tôi nuôi 40 con lợn; trước đây, chất thải chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường, khu chuồng trại xây dựng ở xa nhà, nhưng mùi hôi thối, ruồi, muỗi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình và các hộ xung quanh. Sau khi được cán bộ khuyến nông xã tuyên truyền và tham quan một số mô hình trên địa bàn, tôi đã đăng ký xây dựng hầm biogas 9m3, tổng kinh phí 13 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng từ dự án, còn lại gia đình tự bỏ vốn hơn 10 triệu. Từ khi xây dựng mô hình, môi trường không còn mùi hôi khó chịu như trước. Tất cả nguồn phân chuồng được đẩy thẳng ra hầm ủ có nắp đậy rồi sinh ra khí đốt để sử dụng cho việc nấu ăn, mỗi tháng tiết kiệm được 150.000 tiền mua gas, còn nước thải để tưới rau.

Tìm hiểu tại xã Nà Bó, xã có hơn 300 hộ nuôi lợn thịt, trong đó có 5 hộ nuôi từ 40-100 con, hơn 80 hộ nuôi từ 10 con trở lên. Ông Hoàng Hữu Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh, tăng cường khả năng đề kháng cho vật nuôi, hằng năm, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học mới vào sản xuất và chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học biogas để khử mùi và tăng cường hiệu quả xử lý nguồn chất thải trong chăn nuôi. Nhờ vậy, toàn xã hiện có hơn 85% các hộ chăn nuôi từ 10 con lợn thịt trở lên và 50% các hộ nuôi nhỏ lẻ đã sử dụng hầm khí biogas. Qua đó, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ lan truyền dịch bệnh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe của người dân. Hiện, xã đã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện Mai Sơn hiện có hơn 2.300 hộ chăn nuôi gia trại, trang trại, trong đó, chủ yếu là chăn nuôi lợn và trang trại, gia trại tổng hợp vừa và nhỏ, với 115.000 con lợn trên 2 tháng tuổi và gần 40.000 con trâu, bò. Trước đây, các hộ sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón ruộng, nhưng lượng chất thải lớn, nên bà con thường thải ra ao, hồ, cống rãnh... gây ô nhiễm môi trường. Hơn 10 năm nay, huyện Mai Sơn được Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ xây dựng hầm khí sinh học biogas cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với các xã vận động những hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây dựng hầm khí sinh học biogas. Tùy điều kiện và quy mô chăn nuôi, mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình đối với các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; 3 triệu đồng/công trình đối với các đối tượng khác, số còn lại các hộ chăn nuôi tự đóng góp.

Trong quá trình triển khai, ngoài được hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm, người dân còn được tập huấn kỹ thuật sử dụng, vận hành công trình. Chăn nuôi càng phát triển, nhu cầu xây dựng mô hình khí sinh học và chuyển giao các kỹ thuật sử dụng hầm biogas càng lớn. Hiện nay, ngoài sử dụng hầm biogas xây bể theo cách truyền thống, người dân đã tiếp cận và sử dụng hầm biogas bằng nhựa composite, với ưu điểm thiết kế, thi công đơn giản, độ bền cao, dễ dàng di chuyển, kết cấu chắc, không bị rò rỉ nước và khí do được tăng cường keo chống thấm, loại hầm biogas này đảm bảo an toàn và hiệu quả bảo vệ môi trường. Tính từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp và người dân tự bỏ vốn đầu tư, toàn huyện đã xây dựng được hơn 300 hầm biogas, tập trung ở các xã: Cò Nòi, Hát Lót, Chiềng Mung, Chiềng Mai, Chiềng Ban, Chiềng Lương, Chiềng Mai, Nà Bó và thị trấn Hát Lót. Trên địa bàn huyện đang có hơn 1.200 bể biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Có thể thấy việc triển khai thực hiện các mô hình hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi và thu hồi khí sinh học phục vụ sinh hoạt trên địa bàn huyện Mai Sơn đang từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng nguồn năng lượng xanh làm khí đốt. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-phat-trien-chan-nuoi-voi-bao-ve-moi-truong-30953