'Mai' của Trấn Thành

Gần đây, Trấn Thành với tư cách là một nhà sản xuất phim, kiêm đạo diễn, anh đã rất thành công khi ra mắt liên tục 3 bộ phim thị trường ăn khách 'Bố già', 'Nhà bà Nữ' và mới đây nhất là 'Mai'. Trấn Thành tâm huyết với điện ảnh có lẽ bởi đây chính là cái nôi nghệ thuật sinh ra anh - một nghệ sĩ được đào tạo bài bản về diễn xuất.

Trấn Thành là một nghệ sĩ đa năng và tài danh thuộc vào hàng hiếm của Showbiz Việt. Không chỉ là một MC hoạt ngôn, thông minh, kỹ năng dẫn dắt chương trình xuất sắc, anh còn là một diễn viên, hài kịch, ca hát, sáng tác, biên kịch và đạo diễn đắt show, đông đảo fan hâm mộ. Ở lĩnh vực nào Trấn Thành cũng gặt hái được những thành công. Chính vì vậy mà sức hút của Trấn Thành đối với công chúng rất lớn, đến mức anh được mệnh danh là “cần câu rating” cho các chương trình nghệ thuật có anh tham gia.

Gần đây, Trấn Thành với tư cách là một nhà sản xuất phim, kiêm đạo diễn, anh đã rất thành công khi ra mắt liên tục 3 bộ phim thị trường ăn khách “Bố già”, “Nhà bà Nữ” và mới đây nhất là “Mai”. Trấn Thành tâm huyết với điện ảnh có lẽ bởi đây chính là cái nôi nghệ thuật sinh ra anh - một nghệ sĩ được đào tạo bài bản về diễn xuất. Các bộ phim của Trấn Thành ra rạp đều tạo được cơn sốt phòng vé và mang lại doanh thu khủng và đưa anh lên vị trí đầu bảng của phim Việt chiếu rạp hiện nay.

Phim “Mai” của Trấn Thành ra rạp Tết Giáp Thìn vẫn là dòng phim thị trường mang tính giải trí.

Trấn Thành chia sẻ hướng đi của mình trong lĩnh vực điện ảnh là anh sản xuất phim giải trí, thị trường, tiếp cận được đối tượng khán giả rõ ràng. Anh hoạch định được các chiến lược làm phim bài bản, từ khâu kịch bản, sản xuất, tới cách làm maketing, quảng bá phim, định hướng đối tượng khách hàng nên phim của anh ra rạp rất thành công. Dù có nhiều tranh cãi về các bộ phim anh sản xuất, song khi Trấn Thành khẳng định phim anh làm là dòng thị trường, tính giải trí nhiều thì khán giả cũng bớt săm soi và mổ xẻ các tác phẩm của anh.

Nhưng một tác phẩm khi đã đến với công chúng, sẽ không tránh khỏi những phê bình bàn luận. Ban đầu, khi truyền thông phim “Mai” bung tỏa, tôi đã nghĩ “Mai” có thể sẽ là một cái gì đó khác biệt của Trấn Thành. “Mai” hay hơn “Nhà bà Nữ” nhưng không sâu sắc và có nhiều thông điệp điển hình như “Bố già”. Ở “Mai” vẫn là thể thoại phim quen thuộc khai thác đời sống thị dân ở thành phố. Ở đó, khán giả tìm thấy những góc khuất thân phận con người chứa đựng những bi kịch của đời sống thị thành. Ở đó chất chứa bao mảnh đời, bao niềm vui, nỗi buồn, thậm chí cả thất vọng đổ vỡ.

Trấn Thành chưa vượt qua được cái bóng của “Bố già”, hoặc có thể anh chả dại gì mà mở đường mới khi lối cũ đang cho anh bội thu. Khán giả khi xem “Mai” đầu phim đã gặp lại cái bối cảnh quen thuộc trong ở cả “Bố già” và “Nhà bà Nữ”. Đó là câu chuyện diễn ra ở trong một ngõ hẹp, một khu phố rất bé, hay một xóm trọ tồi tàn với những con người thị dân ở tầng lớp thấp, người lao động. Bối cảnh quen thuộc, cốt truyện, nhân vật chính lặp lại, đều là cuộc loay hoay kiếm tìm bản thân, khẳng định bản thân, vượt qua những khó khăn, định kiến thậm chí những bi kịch gia đình, khiến cho tôi có cảm giác Trấn Thành vẫn loanh quanh chưa thoát ra được cái bóng của chính mình.

Trấn Thành đã không có những đột phá mới mẻ để dựng một bối cảnh mới câu chuyện mới. Cộng thêm những nhân vật hàng xóm “xấu bụng”, “lắm mồm” “ưa đưa chuyện” được Trấn Thành khai thác triệt để ở cả 3 phim và trong tiểu phẩm “Hẻm cụt” phát trên Youtube của anh làm cho người xem càng thấy nhàm. Lối xây dựng nhân vật hàng xóm “nhân cách hóa” cường điệu quá đà trong phim làm cho khán giả thêm những “lấn cấn khó chịu” thấy phim có lúc lố, không chân thật.

Điều ghi nhận ở phim “Mai” khá hơn “Nhà bà Nữ” vì Trấn Thành đã biết lắng nghe khán giả, sửa sai và loại bỏ được phần lớn những “hạt sạn” các lời thoại xô bồ, bỗ bã, thiếu văn hóa làm cho bộ phim kém sang. Thành công nhất của Mai là có một Phương Anh Đào với diễn xuất nội tâm tuyệt vời để vào tròn vai nhân vật nữ chính của phim. Nếu không có một Phương Anh Đào với lối diễn nội tâm sâu sắc, tiết chế và dồn nén, dâng cao trào và vỡ òa cảm xúc ở những trường đoạn thì phim "Mai" chắc chắn không thể kéo được khán giả đến rạp với nhiều cảm xúc như vậy.

Tuy nhiên, ở phim "Mai", nhân vật Sâu khá mờ nhạt. Tuấn Trần là một diễn viên nhập vai tốt, ở “Bố già” anh diễn rõ nét, khắc họa được nhân vật điển hình, đại diện cho những người trẻ có những vấn đề với phụ huynh do cách biệt tuổi tác, thế hệ nhưng trên tất cả vẫn là tình yêu thương, niềm tin và hy vọng của người con đối với cha mình. Ở “Mai”, nhân vật Sâu có tính cách và số phận theo mô tuýp vừa cũ, vừa nhàm, sến súa, cuối cùng vẫn không vượt qua được rào cản bên hiếu - bên tình đã chọn hiếu mà phụ tình. Xây dựng tính cách của Sâu không rõ ràng ngoài những màn nước mắt. Ở phim “Mai” Sâu không có đất diễn, và người xem nhớ Sâu có lẽ chỉ là những cảnh nóng 18+. Ngay cả câu chuyện số phận của nhân vật chính là Mai cũng rất cũ. Tóm lại: ''Mai'' của Trấn Thành kể một câu chuyện phim cũ, nội dung cũ và an toàn. Thông điệp phim đưa ra cũng đậm chất ngôn tình: “Cảm ơn vì đã không đợi em”. Không đợi nhau, buông bỏ nhau, cho nhau tự do cũng là một cách yêu thương họ.

Tôi đã nghĩ tại sao Trấn Thành không mạo hiểm hơn, không chọn một cái kết phim khù khoằm hơn, chất hơn, lạ hơn, thậm chí đẩy bi kịch đi xa hơn và dám đưa ra một thông điệp có thể ngạo ngược hơn. Con người chúng ta vẫn đi tìm tình yêu như tìm một ảo ảnh. Và tìm được tình yêu thì chắc gì nuôi giữ được tình yêu vì bản chất của tình yêu là một “con thú” khó lường.

Chưa kể, cách chuyển tình huống càng về cuối phim càng ''kịch'' và bất hợp lý. Tôi khá thất vọng với màn gia đình Sâu đi điều tra thân phận của Mai, để rồi mở một cuộc ''truy tố'' quá khứ đáng thương của Mai rất lố và kịch. Ngay đấy là màn cho tiền đầy tính hạ nhục thiếu thực tế. Mẹ Sâu từng thân quý Mai, cách cho tiền ở người đàn bà thuộc giới thượng lưu không lẽ lại kém duyên đến thế.

Tình tiết cuối cùng ở kết phim cũng không hợp lí khi Trấn Thành để khoảng thời gian 4 năm xa cách, Sâu không đi tìm Mai, Mai cũng chả mảy may liên lạc lại với Sâu cho đến khi gặp lại và chia tay lần cuối. Mai đã nói “cảm ơn vì anh đã không đợi em”, nhưng khi lên xe ô tô cô lại không ngăn nổi những giọt nước mắt đau khổ và tiếc nuối. Nếu còn yêu Sâu, Mai khi đã thành đạt sẵn sàng bươn bả mọi rào cản để đi tìm Sâu chứ, và ngược lại. Sao cuộc đời ngắn ngủi, thời gian của người đàn bà 40 không còn nhiều, sao phải đợi một cách vô tri để rồi nhận ra sự thật cũng vô tri nốt. Nếu cảnh kết phim, hãy để Mai đã thành đạt đi tìm Sâu để hiện thực tình yêu của mình thì gặp lại Sâu và vợ bầu trong căn nhà đẹp của mẹ. Lúc đấy câu nói ''cảm ơn vì đã không đợi em'' sẽ đắc địa hơn chứ, tình huống đó càng hay và đau đớn hơn nhiều là cảnh huống gặp nhau vô tri như ở cuối phim.

Trấn Thành nếu tiếp tục với niềm đam mê điện ảnh, ngoài những thành công anh đã gây dựng được, anh hoàn toàn đủ tài năng để có thể bước lên những nấc thang mới, tìm kiếm và đầu tư kịch bản thật sâu, đột phá và có thông điệp mạnh, không nằm mãi trong cái ngưỡng an toàn nữa. “Mai” của Trấn Thành thiếu đi sự mạo hiểm. Các thông điệp trong phim của Trấn Thành mờ nhạt, chưa đủ độ “ép phê”. Nếu chỉ dừng lại ở dòng phim thị trường thì Trấn Thành đã thành công rồi. Còn nếu muốn đi xa hơn nữa, để tạo dựng nên những tác phẩm điện ảnh nặng kí, đã đến lúc anh có thể dũng cảm không loanh quanh với thị trường nữa để đầu tư những bộ phim có sức nặng hơn chăng.

Cái hay nhất, được nhất của “Mai” nhờ ở 2 vai diễn nặng kí mà Phương Anh Đào và Trấn Thành hóa thân. Mai diễn sâu, kiệm lời, dồn nén, cuốn hút, ngôn ngữ cơ thể quá sâu sắc. Trấn Thành trong nhân vật ông bố nợ nần thua bạc không xuất hiện nhiều, không nhiều thoại, nhưng từ dáng hình, gương mặt, ánh nhìn. Từ ngôn ngữ hình thể thô đậm, đôi mắt trắng dã đờ đẫn không có sinh khí của Trấn Thành đã khắc họa đậm nét một chân dung ông bố vô liêm sỉ, vì cờ bạc, cá độ mà mất hết nhân cách, mất hết lương tri, mất hết tình người, sẵn sàng bán con gái ruột của mình nhiều lần để lấy tiền, vì tiền. Một ông bố bẩn thỉu nhớp nhúa và hạ đẳng biết bao khi lập cập cầm những đồng tiền mồ hôi nước mắt của con đi trả nợ. Trong đời thực không thiếu gì những ông bố như phim "Mai" và cái giỏi của Trấn Thành là đã đưa cuộc đời vào phim, chính anh đã khắc họa nhân vật điển hình một cách xuất sắc.

Nhưng một điểm trừ kém sang cho nhân vật chính là cô hàng xóm do TikToker Ngọc Mắt to vào vai. Nhân vật cô hàng xóm này hay, chọn nhân vật chưa từng đóng phim vào vai diễn không phải là chuyện hiếm. Nhưng mời một TickToker nổi tiếng với phát ngôn chợ búa, nói năng văng tục trên mạng xã hội, hình ảnh không đẹp, thậm chí lệch lạc cho giới trẻ thì lại là vấn đề. Các nhân vật trong phim sẽ mãi là những hình ảnh đẹp để sống cùng tác phẩm.

Tôi lại nhớ đến nhân vật Lê Văn Lộc vào vai chính trong phim "Xích lô" của Trần Anh Hùng. Lộc cũng là một chàng trai đạp xích lô, lao động thủ công ngoài đời, chưa từng biết tới diễn xuất là gì. Anh chỉ bén duyên với điện ảnh một lần duy nhất rồi mất tăm trong đời sống này. Nhưng cuộc đời của Lộc, số phận đẹp thuần khiết của Lộc nhiều người kiếm tìm và có những cảm xúc đặc biệt. Còn TikToker Ngọc Mắt To nên để cô ấy sống và nổi tiếng tự do trên mạng xã hội theo cách “xù xì” chợ búa của cô ấy, hơn là trở thành một hình ảnh, một nhân vật của công chúng. Cô ấy sải bước trên thảm đỏ ra mắt phim, sánh vai cùng Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Hồng Đào làm cho phim của Trấn Thành cứ mãi mãi có gì đó kém sang.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mai-cua-tran-thanh-i723183/