Mái ấm của trẻ khuyết tật

Buổi sáng học chữ, buổi chiều các em được dạy may, thêu, kết cườm… Ngày qua ngày, các em không may bị thiểu năng trí tuệ tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 được các thầy giáo, cô giáo dạy dỗ, bao bọc bằng sự yêu thương như với người thân của mình…

Chiều cuối tuần, chúng tôi theo một đoàn từ thiện đến Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật quận 4. Thấy có người lạ vào lớp, các em lễ phép chào hỏi với những cách riêng.

Phó Giám đốc Trung tâm Trương Thị Lợi, người trực tiếp theo dõi và quản lý chương trình của lớp, cho biết: “Những ngày đầu không được vậy đâu. Thấy người lạ, các em hét la, chạy trốn, thậm chí cào cấu thầy, cô giáo; có em lại im thin thít”. Bà Lợi cho biết thêm: “Các em theo học ở đây đều trong tình trạng trí tuệ chậm phát triển, kém khả năng vận động, bị hội chứng down và câm, điếc. Do vậy, chúng tôi vừa điều trị bệnh tật, vừa tổ chức dạy chữ, dạy nghề, tăng cường sức khỏe, nâng cao nhận thức cho các em qua hoạt động vui chơi, giải trí. Các em được học và tập luyện bằng các thiết bị công nghệ cao, hỗ trợ phục hồi chức năng, chẳng hạn, dạy thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu bằng tay và điệu bộ, nét mặt cơ thể) bằng giáo trình tương tác điện tử…”.

Trung tâm này là cơ sở từ thiện, hoạt động hoàn toàn miễn phí, do Thượng tọa Thích Từ Giang, Viện chủ Linh Quang tịnh xá thành lập từ năm 1989. Lúc đầu có 40 em, hiện nay trung tâm có 80 em. Các em đều là trẻ khuyết tật ở thành phố và các tỉnh lân cận, nhưng phần đông là ở quận 4. Buổi sáng, trung tâm dạy chữ, buổi chiều dạy may, thêu, kết cườm, làm hoa thủy tinh, làm chổi ni-lông…

Quan sát từ bên ngoài, chúng tôi cảm nhận được phần nào nỗi vất vả của thầy, cô giáo ở đây. Có lớp, các bé ê a tập đọc; có lớp thì giáo viên phải cầm tay từng bé nắn nót con chữ. Học sinh tại trung tâm được chia thành sáu lớp với ba cấp độ. Tùy theo khả năng nhận thức của các bé mà có những bài học phù hợp như tập viết, tập đọc, làm toán, vẽ, kỹ năng tự lực…

Mỗi thầy, cô giáo đến với trung tâm có cơ duyên khác nhau, nhưng đều bằng sự yêu thương, mong muốn sẻ chia bất hạnh của các em. Cô Đỗ Thị Nga, người phục vụ tại trung tâm từ những ngày đầu thành lập, cho biết: “Trước đây tôi là bảo mẫu ở trường mẫu giáo gần trung tâm này. Khi được biết sẽ có một trung tâm nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật, hoạt động miễn phí để chia sẻ gánh nặng với các gia đình và xã hội, tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định xin nghỉ ở trường để hỗ trợ trung tâm, góp một phần công sức để chăm lo, giúp đỡ các em”.

Năm nay, cô Nga đã 66 tuổi nhưng luôn tâm huyết với công việc, cô đang đảm nhận lớp cấp độ 3, lớp khó nhất của trung tâm này. Những ngày đầu, cô Nga phải đến từng hộ có trẻ bị khuyết tật để động viên các em đi học. Có khoảng thời gian, cô Nga nghỉ dạy để ở nhà trông đứa cháu nội mới sinh. Khi cháu đủ tuổi vào mẫu giáo, cô xin trở lại giảng dạy vì nhớ các bé. Lắm lúc mệt mỏi vì những căn bệnh tuổi già, nhưng cô vẫn chưa nghĩ đến việc chia tay các em.

Một số em “ra trường”, tìm được việc làm là phần thưởng lớn nhất đối với cô Nga và những người tận tụy dạy dỗ các em ở trung tâm này…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33386702-mai-am-cua-tre-khuyet-tat.html