'Ma trận' phụ phí và dịch vụ tăng thu bủa vây người dân

Một số hãng hàng không triển khai thêm dịch vụ thu phí để ưu tiên làm thủ tục nhanh, Grab thu phụ phí nắng nóng, giá nguyên liệu giảm nhưng thức ăn chăn nuôi vẫn tăng, xăng giảm nhưng hàng hóa chưa giảm… đang là những vấn đề gây nóng dư luận trong những ngày vừa qua. Khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm bức xúc vì không rõ căn cứ gì để doanh nghiệp đưa ra mức giá và phụ phí trên.

Theo đó, một số hãng hàng không như Vietjet, Bamboo Airways… vừa triển khai dịch vụ thu thêm 100.000 - 140.000 đồng tùy chuyến đối với khách muốn làm thủ tục nhanh ở Sân bay Tân Sơn Nhất.

Những khoản phụ phí, dịch vụ lạ

Được đánh giá là sự lựa chọn thêm cho khách song dịch vụ thu phí check in nhanh lại gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng như vậy là có sự phân biệt, thậm chí không công bằng với khách hàng. Bởi cùng một loại vé, những lúc đông khách, một bên phải chờ đợi cả giờ, một bên được ưu tiên phục vụ sau khi đóng thêm phí.

Hành khách muốn làm thủ tục nhanh sẽ phải trả thêm phí dịch vụ.

Hành khách muốn làm thủ tục nhanh sẽ phải trả thêm phí dịch vụ.

Trao đổi trên truyền thông, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đang cho rà soát lại các quy định để đánh giá việc thu phí làm thủ tục nhanh này đúng hay sai. Hiện tại chưa có quy định nào nói về dịch vụ thu phí làm thủ tục.

Chia sẻ với VnBusiness về vấn đề này, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, cho biết việc quy định phí và lệ phí cần phải thực hiện Luật Phí và lệ phí, riêng đối với cước vận chuyển hàng không thì cũng do nhà nước quy định. Theo đó, Nhà nước quy định giá trần vé máy bay. Vừa qua, giá xăng dầu tăng cao, một số hãng hàng không xin thu thêm phụ phí nhiên liệu. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã bác bỏ đề nghị này vì tăng phụ phí thực chất là tăng giá vé máy bay của hành khách.

Quay trở lại câu chuyện hiện nay trong bối cảnh nhu cầu đi lại lớn, sân bay đông nghẹt khách hàng chờ đợi để làm thủ tục check in, ông Long cho rằng việc một số hãng hàng không triển khai dịch vụ ưu tiên làm thủ tục nhanh có trả phí là "vẽ ra" để tăng nguồn thu, khách hàng có tiền sẽ được ưu tiên. Như vậy, vô hình trung sẽ xảy ra sự bất công bằng giữa hành khách phải xếp hàng chờ đợi và hành khách được làm thủ tục nhanh.

PGS.TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, ông không bàn đến chuyện sai hay đúng, tuy nhiên điều băn khoăn nhất là trong thời kỳ công nghiệp 4.0, tại sao các hãng không ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng check in nhanh nhất, thay vì chỉ ưu tiên cho người chịu trả tiền thêm. Chưa kể nếu đa phần hành khách chấp nhận bỏ thêm tiền để check in nhanh thì khi đó sẽ là khoản phụ thu bắt buộc chứ không phải là sự lựa chọn. Trong khi đó, một trong những mục tiêu mà ngành dịch vụ hướng đến là làm hài lòng khách hàng.

Trước đó, dư luận cũng bức xúc khi Grab áp dụng thu thêm phụ phí nắng nóng tại các địa phương với mức 5.000 đồng/mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng với dịch vụ GrabExpress. Sở dĩ người sử dụng dịch vụ bất bình vì trong bối cảnh bão giá như hiện nay, quyết định thu thêm phí của Grab dựa trên căn cứ nào? Thời tiết thế nào được xem là nắng nóng, xác định thời tiết đầu hay cuối chuyến đi để tính phí khách hàng, số tiền thu về sẽ được chia như thế nào cho tài xế…

Muôn lý do để kìm giá hàng hóa

Không chỉ phát sinh chuyện một số DN triển khai phụ phí, dịch vụ mới để tăng thu, mà hiện nay còn có tình trạng giá nguyên liệu giảm nhưng giá thành sản phẩm vẫn tăng. Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), bắt đầu từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, ghi nhận thị trường cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng.

Cụ thể, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg (giảm 0.4%); DDGS 10.500 đồng/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg (giảm 0,3%). Dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm thêm.

Tuy nhiên ghi nhận trên thị trường, lần gần đây nhất là từ ngày 1/7, nhiều DN điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 300 - 400 đồng/kg như Kyodo Sojitz, CJ Vina Agri, Emivest Feedmill, GreenFeed.... Như vậy, giá thức ăn chăn nuôi (cám) tăng liên tiếp 16 lần kể từ tháng 11/2020 đến nay, đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 6 lần, vượt quá sức chịu của hộ chăn nuôi.

Cùng với đó, một trong những vấn đề hiện nay là giá xăng đã được hạ nhiệt nhưng giá hàng hóa dường như vẫn đứng yên. Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, có tình trạng thời gian gần đây một số vật tư nhiên liệu đã xuống giá. Việc này đủ cơ sở để tác động đến giá hàng hóa. Song thực tế là giá lại không giảm như kỳ vọng của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh này, ông Thịnh nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước để tính toán xác định chính xác tỷ lệ tăng - giảm giá hàng hóa của thị trường theo sự tăng - giảm của giá nguyên nhiên liệu đầu vào. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) phải là người kiểm tra giám sát mức độ tăng giá hàng hóa của từng lĩnh vực, từ đó xác định đầu vào sản xuất của DN tăng lên bao nhiêu, xác định giá thành sản xuất cũng như mức giá bán cho phù hợp.

Về vấn đề liên quan tới giá xăng dầu, ông Ngô Trí Long cũng cho rằng đây đã thành quy luật bất thành văn khi xăng lên, cước vận tải, hàng hóa tăng, nhưng khi giảm thì nhỏ giọt. Muốn giá hàng hóa giảm theo giá xăng, ông Long đưa ra 3 yếu tố là phải sự cạnh tranh để giảm giá hàng hóa, dịch vụ nhưng trong bối cảnh hiện nay "lòng vả cũng như lòng sung", ít DN nào muốn hạ giá thành để giảm lợi nhuận, doanh thu. Thứ hai là muốn kéo giảm giá hàng hóa thì cơ quan chức năng phải vào cuộc để tạo áp lực. Và cuối cùng là sự phản đối của người tiêu dùng đối với những hành vi cố neo giá cao để trục lợi khi giá xăng dầu giảm xuống.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Trong 6 tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, tác động đan xen. Những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…. có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ từ đó gây áp lực lớn lên mặt bằng giá. Vì vậy, các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, khuyến khích tiêu dùng tại chỗ đối với một số mặt hàng để giảm chi phí vận chuyển.

PGS.TS. Nguyễn Đức Độ

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

Thực tế việc giá xăng dầu giảm mà giá hàng hóa chưa giảm ngay cũng không thể trách DN vì cần có độ trễ để điều chỉnh giá hàng hóa, bởi biến động giá xăng dầu hiện còn khó lường. Chưa kể giá xăng dầu được điều chỉnh theo quy định 10 ngày một lần, vì vậy DN luôn có tâm lý quan sát xem giá xăng dầu đã giảm sâu, bền vững hay chưa thì mới điều chỉnh giá hàng hóa. Một khi giá xăng được điều chỉnh theo cơ chế thị trường thì lúc đó chúng ta mới có thể mong muốn hàng hóa giảm ngay. Tuy nhiên, về văn hóa kinh doanh, nếu cứ giữ giá đắt thì mình sẽ không cạnh tranh được với đối thủ khác. Đây cũng là điều mà mỗi DN cần lưu ý để điều chỉnh giá hàng hóa cho phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Dương

Trưởng Ban Kinh tế Tổng hợp (Viện CIEM)

Trước tình trạng tăng/giảm bất tương xứng giữa giá xăng dầu và mặt bằng giá thị trường. Nếu Chính phủ và Quốc hội tiếp tục cân nhắc chính sách giảm thuế với xăng dầu để bình ổn thị trường, không gây thêm áp lực cho DN giữa lúc khó khăn bủa vây như hiện nay thì cần cân nhắc việc ra quyết sách nhanh chóng. Xăng dầu tăng giá sẽ khiến hàng hóa tăng giá ngay lập tức. Tuy nhiên khi xăng dầu xuống giá, có thể các mặt hàng khác sẽ không xuống tương ứng. Do vậy, giảm giá xăng dầu càng nhanh thì càng có hiệu quả sớm trong việc kiểm soát lạm phát.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ma-tran-phu-phi-va-dich-vu-tang-thu-bua-vay-nguoi-dan-1086805.html