'Ma tốc độ', 'quan tài bay' từ góc nhìn người trong cuộc

'Ma tốc độ', hay 'quan tài bay' là biệt danh gợi cảm giác rùng mình mà người dân thường gọi để chỉ những chiếc xe vận tải khách chạy trên đường với tốc độ 'bàn thờ'.

Vậy ở góc độ tài xế và quản lý nhà xe, họ nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Có góc khuất nào phía sau thực trạng đó? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với anh La Văn Thán-lái xe khách giường nằm chạy tuyến Hà Nội – TP.HCM thuộc công ty vận tải Hiền Phước và một số người trong cuộc.

Tài xế La Văn Thán thuộc công ty vận tải Hiền Phước chạy tuyến Hà Nội-Sài Gòn cho rằng, đa số hiện tượng chạy đua, tranh giành khách xảy ra ở các tuyến tỉnh lộ ngắn.

PV: Chào anh Thái, em nhận thấy hiện nay, anh em tài xế chở khách có xu hướng đi nhanh hơn để xoay tua lượt đi. Đấy có phải lý do để thông cảm cho việc chạy quá tốc độ?

Anh La Văn Thán: Cái này thì đường gần, tài xế người ta quay vòng, chạy bơi đua để đón khách thì mình không nói. Còn đường dài thì bên mình không chạy nhanh như thế, chạy nhanh thì không có khách, không có hàng.

Đa số đường dài thì chạy đúng tốc độ theo đúng quy định công ty. Tài xế nào chạy quá thì phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn giao thông.

PV: Cự ly ngắn như anh nói là khoảng bao nhiêu cây?

Anh La Văn Thán: Cự ly ngắn thường Hà Nội-Ninh Bình, Hà Nội-Thanh Hóa thì đua bơi tranh giành khách. Còn đường dài thì không như thế, cung đường đến giờ chạy thì đi bình thường. Thường đường dài sắp xếp thời gian, lịch trình, không vội vàng gì cả.

PV: Anh thấy sao về hiện tượng một số bác tài chủ quan, quen đường, chạy nhanh khi gặp sự cố thì khó xử lý?

Anh La Văn Thán: Trong quá trình chạy, thường tài xế lâu năm thành thạo các cung đường thì đôi khi chủ quan. Nhưng với tài xế kinh nghiệm thì luôn ý thức đảm bảo an toàn giao thông, nó ảnh hưởng trực tiếp, tài xế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện nhà xe Hào Hương chạy tuyến Hà Nội-Thanh Hóa nhận định, có những nguyên nhân khách quan dẫn đến tài xế chạy quá tốc độ

Mà đã là tài xế thì phải có ý thức chấp hành luật giao thông. Tai nạn thảm khốc, nặng nề thường là tuyến đường gần.

PV: Để điều chỉnh hành vi, nắn họ lại khỏi tâm lý vội vàng, đua tranh, theo anh có sự giám sát nào hiệu quả?

Anh La Văn Thán: Xe tư nhân thì các doanh nghiệp nên có sự quản lý chặt với tài xế. Trước khi giao xe, phải căn dặn tài xế đảm bảo an toàn, chạy bất cứ cung đường nào thì cần ý thức, nếu xảy ra tai nạn, thì tài xế chịu đầu tiên.

PV: Hệ thống giám sát hành trình thì sao?

Anh La Văn Thán: Cái camera giám sát rồi hộp đen hành trình theo quy định ấy, thì theo mình các tuyến đường cũng hầu hết có camera giám sát tốc độ rồi thì cũng có sự giám sát tốt. Các doanh nghiệp khi ký hợp đồng đều dặn dò: vi phạm sẽ xử phạt chính tài xế, không phải là để tài xế mất tiền, mà là giúp họ nâng cao ý thức.

PV: Cảm ơn anh.

Cũng như anh Thán, anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện nhà xe Hào Hương chạy tuyến Hà Nội-Thanh Hóa nhận định, có những nguyên nhân khách quan dẫn đến tài xế chạy quá tốc độ.

PV: Chào anh Tuấn, anh có thể chia sẻ nguyên nhân nào khiến một số tài xế hiện nay đi nhanh hơn giới hạn vận tốc cho phép?

Anh Nguyễn Anh Tuấn: Nói thật là đường sá, hạ tầng ở mình chưa đạt chuẩn theo đúng như lộ trình nhà nước cấp ra. Có những cung đường có thể chạy 70-80km/h nhưng nó bị tắc. Thành ra các bác tài muốn tranh thủ thời gian, hành khách lại muốn về đúng giờ, thì trên các tuyến đường thoáng có thể là quen đường thì đi quá tốc độ… Đấy là cái không ai mong muốn, không ai khuyến khích.

PV: Người ta hay gọi là đường thoáng, mát chân ga…?

Anh Nguyễn Anh Tuấn: Đúng rồi, đấy là cái chủ quan nó kéo lại. Còn ở góc độ đại diện cho một doanh nghiệp vận tải, anh muốn các lái xe, phụ xe luôn nghiêm chỉnh chấp hành quy định. Nếu có gì xảy ra thì ảnh hưởng tới tài xế, rồi doanh nghiệp. Lương tài xế giờ có 9-10 triệu/tháng.

Qua ứng dụng điện thoại, các doanh nghiệp hiện có thể biết được tài xế chạy xe với tốc độ thế nào theo thời gian thực. Bên cạnh ý thức tự giác của tài xế, rất cần giám sát từ đơn vị chủ quản

Lỗi quá tốc độ 10km/h đã bị phạt 8-9 triệu rồi còn bị tước bằng lái 2 tháng, là bạn ấy phải nghỉ 2 tháng ở nhà không có công việc luôn.

PV: Ngoài nhắc nhở thì anh có hình thức giám sát tài xế nào?

Anh Nguyễn Anh Tuấn: Đây, mình có phần mềm GPS kiểm tra hàng ngày, có ứng dụng mở định vị lên, thấy bạn nào đi quá tốc độ thì gọi điện nhắc nhở kịp thời ngay. Ví dụ có vấn đề việc gia đình, hoặc có lúc bạn ấy quên, xao nhãng.

Hiện tại máy anh đang cài GPRS, có thể xem xe nào đang chạy trên đường, xe này đang chuẩn bị vào bến. Anh có thể kiểm tra được xe số 12 này tài xế đang chạy thế nào.

Đây nó đo được luôn tốc độ lái xe là bao nhiêu. Anh có thể gọi cho lái xe về tuyến đường giới hạn bao nhiêu km/h. Thực ra đây là hình thức nhắc nhở, quan điểm của anh là để phòng bị thôi. Tài xế vẫn phải ý thức tự giác là chính.

PV: Còn vấn đề sức khỏe tài xế liệu có ảnh hưởng tới hành vi vi phạm tốc độ?

Anh Nguyễn Anh Tuấn: Quan điểm của anh là các tuyến ngắn từ 300 cây đổ lại, có thể du di cho lái xe dừng đỗ nghỉ ngơi 10-15 phút rồi đi tiếp. Còn trên 300 cây thì chúng ta cần cho phép nghỉ, thậm chí bắt buộc nghỉ trong vòng 2-3 tiếng, hoặc chợp mắt 1 tiếng thôi họ cũng sảng khoái hơn.

Có nhiều yếu tố gây căng thẳng lắm, như có tài xế đi trước gây ức chế, hành khách trên xe phục vụ không chu đáo cũng áp lực, rồi đang chạy có việc gia đình kéo vào nhiều vấn đề lắm. Chạy liên tục quá thời gian cần phải nghỉ ngơi là cần thiết nhất cho lái xe.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Chu Đức/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ma-toc-do-quan-tai-bay-tu-goc-nhin-nguoi-trong-cuoc-post1056321.vov