'Má nuôi' của những người lính Biên phòng xứ biển Thăng Bình

Ở xứ biển Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có những ngôi nhà, những người dân đã trở nên thân thuộc với người lính Biên phòng. Nhà của má Hồng là một trong số đó. Ngôi nhà nhỏ của má là nơi lưu dấu và chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam trong những ngày gian khó.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Minh tới thăm, nghe má Hồng kể chuyện một thời gian khó. Ảnh: Nguyễn Bích

“Má Hồng” là cách gọi thân thương mà nhiều thế hệ cán bộ Đồn Biên phòng Bình Minh, BĐBP Quảng Nam dành cho bà Phạm Thị Hồng, ở thôn Vịnh Giang, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình. Má Hồng năm nay gần 70 tuổi, nói chuyện sôi nổi, cởi mở khiến tôi có thiện cảm ngay từ lần gặp đầu tiên. Má hay giúp đỡ bộ đội nên cán bộ, chiến sĩ từng công tác ở Đồn Biên phòng Bình Minh đều nhớ và quý trọng.

Đồn Biên phòng Bình Minh quản lý địa bàn 4 xã Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam và Bình Minh. Thời xưa, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn quản lý rộng, vì vậy, Đồn Biên phòng Bình Minh phải tổ chức các tổ công tác địa bàn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đều phải dựa vào dân và nhờ dân. Má Hồng thấu hiểu khó khăn, vất vả của BĐBP nên luôn nhiệt tình giúp đỡ những người lính quân hàm xanh. Ngôi nhà nhỏ của má bên ven đường trở thành tổ công tác địa bàn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Minh từ những năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lúc đông nhất lên tới 18 người.

Má Hồng kể: “Hồi đó, cuộc sống nghèo khó, cơ cực nhưng cái nghĩa, cái tình rất nặng. Ngày xưa không có đường xe như bây giờ, đều phải đi bộ. Xung quanh đây toàn là động cát không à. Cực nhất là những ngày nắng, cát nóng bỏng chân. Anh em Biên phòng vào tới nhà tôi mặt mũi ai cũng đỏ lựng vì nóng, nhìn tội lắm. Tôi thương anh em như người thân của mình, nhà có thứ gì là nấu thứ đó cho anh em ăn. Thiếu thốn đủ bề, nhiều bữa, tôi và anh em chiến sĩ chỉ có ngọn rau lang chấm mắm cáy ăn với cá khô...”.

Cũng theo lời kể của má Hồng, những năm sau giải phóng, thống nhất đất nước, tình hình vượt biển ra nước ngoài rất phức tạp, cán bộ Biên phòng phải đi trực cả đêm trên biển, ngăn chặn tàu thuyền vượt biên. Thương BĐBP, má Hồng không chỉ cho anh em trên đồn mượn nhà ở, mà còn là “tai”, “mắt” của BĐBP. Chính nhờ thông tin do má Hồng nắm từ nhân dân, Đồn Biên phòng Bình Minh đã kịp thời ngăn chặn một vụ vượt biên trái phép trên biển.

“Cán bộ Biên phòng rất vất vả, ngày đêm lăn lộn địa bàn, bám dân, giữ dân, hướng dẫn bà con chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tôi rất thương anh em, lo cứ đi lại, làm việc suốt đêm ngày như thế, không có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng sẽ đau ốm nên mời anh em về nhà ăn nghỉ cho trọn vẹn. Ngày đó, nhà tôi vẫn còn lụp xụp, làm bằng tranh tre, giấy phên nhưng lúc nào cũng mở cửa đón anh em vào. Nhiều đêm, anh em đi bắt các đối tượng vượt biển trái phép đi ra nước ngoài, tôi không ngủ được, thức chờ đến khi anh em về đông đủ mới yên tâm chợp mắt” - má Hồng tâm sự.

Thượng tá Phạm Văn Hồng, nguyên cán bộ Đồn Biên phòng Bình Minh cho hay: “Má Hồng là người sống nhiệt tình, trách nhiệm và thân thiết với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Minh. Anh em đi công tác đều vào nhà má ở, nhờ má lo phần cơm nước”. Trong trí nhớ của Thượng tá Hồng và nhiều người lính khác, mối thân tình giữa má Hồng và những người lính BĐBP được xây dựng từ tình cảm chân thành, sự thấu hiểu và chia sẻ, giúp đỡ nhau trong những lúc vất vả, khó khăn. Má Hồng chia sẻ: “Từ ngôi nhà tranh tre ban đầu, đến nay, tôi đã trải qua 8 lần sửa và làm nhà mới. Toàn bộ đều do anh em Biên phòng lo làm hết”. Ngôi nhà má ở hiện tại cũng là do BĐBP Quảng Nam hỗ trợ sửa lại khang trang từ năm 2020.

Dẫn chúng tôi xuống nhà bếp, má Hồng vui vẻ chia sẻ: “Mấy chục năm nay, tôi sống một mình. Tôi luôn giữ tinh thần lạc quan nên cuộc sống luôn êm ả, vui vẻ và hạnh phúc”. Má Hồng nói rồi cười sảng khoái. Nhìn nét mặt má lúc nào cũng tươi vui nhưng ít ai biết rằng, cuộc sống của má cũng có những niềm riêng. Để trang trải cuộc sống, ở tuổi hiện tại, má vẫn làm nước mắm, cá khô để bán.

Má kể: “Trước đây, còn khỏe, tôi thường gánh hàng đi khoảng 40km lên chợ huyện Phú Ninh bán. Tôi đi từ hơn 2 giờ sáng đến khoảng 7 giờ là tới nơi. Tôi ở lại đó một ngày đến sáng hôm sau mới về. Một tháng tôi đi 3-4 chuyến. Khi bước sang tuổi xế chiều, mỗi tháng, tôi chỉ gánh hàng đi một chuyến. Bây giờ, sức tôi không thể gánh hàng đi như thế nữa, tôi chỉ bán cho bà con xung quanh. Thu nhập chỉ vừa đủ ăn, nếu chẳng may bị ốm đau thì cũng rất kẹt”.

Hiện tại, ngôi nhà nhỏ của má vẫn là “điểm hẹn” của những người lính Biên phòng Quảng Nam mỗi khi có dịp về Thăng Bình công tác. Với những đóng góp của mình, má Hồng đã được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” vì đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng BĐBP; Chính ủy BĐBP Quảng Nam tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới và xây dựng BĐBP.

Má Hồng không nhớ rõ có bao nhiêu người lính Biên phòng đã từng ở nhà mình, nhưng má biết rõ những người lính vẫn luôn nhớ về má, bởi: “Thỉnh thoảng, anh em vẫn tới thăm, tặng quà cho tôi. Không những vậy, những người lính bây giờ công tác ở xa cũng luôn nhớ và gọi điện hỏi thăm, động viên tôi. Điều đó giúp cho tôi có thêm niềm tin yêu, phấn khởi để sống vui, sống khỏe mỗi ngày".

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotma-nuoiquot-cua-nhung-nguoi-linh-bien-phong-xu-bien-thang-binh-post471841.html