Lý do thực Mỹ rời UNESCO: Nợ cộng dồn 600 triệu USD?

Mỹ rời khỏi UNESCO khi Washington vẫn còn nợ khoảng 500 triệu USD, không có quyền bỏ phiếu và đã cắt viện trợ.

Mỹ đang nợ UNESCO 600 triệu USD

Báo cáo chi tiết của Bộ Ngoại giao Mỹ về quyết định rời khỏi tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đề cập tới một số lý do mà Mỹ buộc phải đưa ra lựa chọn này.

Bên cạnh quan điểm cho rằng, UNESCO đã thiên vị bằng cách ủng hộ một bên trong cuộc tranh luận về chủ quyền quốc gia Palestines và cáo buộc và thiếu sự cải cách cần thiết trong hoạt động thì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập lo ngại về khoản tài chính mà Mỹ còn nợ tổ chức này.

Mỹ đã từ chối khoản tài trợ cho UNESCO từ năm 2011, đồng thời tự ghi phiếu nợ cho mình

Mỹ bắt đầu ghi nợ ở UNESCO từ năm 2011, khi chính quyền Tổng thống Barack Obama cắt hầu hết tài trợ vì UNESCO chấp nhận tư cách thành viên của Palestine.

Với sự đóng góp lớn vào ngân sách của UNESCO (khoảng 22%), quyết định cắt tài trợ của Mỹ cũng đồng thời ghi phiếu nợ cho chính quyền Mỹ.

Ước tính mỗi năm, số tiền Mỹ đổ vào UNESCO là khoảng 80 triệu USD, theo The Washington Post.

Suốt 6 năm qua, con số tới nay đã lên tới ngưỡng gần 600 triệu USD.

Trong khi đó, tới năm 2013, vì cắt nguồn tài chính vào tổ chức, UNESCO đã hủy quyền bỏ phiếu của Mỹ.

Từ đó đến nay, dù không còn quyền bỏ phiếu nhưng Mỹ vẫn duy trì tồn tại ở UNESCO và tích cực vận động sau hậu trường.

Chưa kể, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ phải đóng góp quá nhiều cho các tổ chức của Liên Hiệp Quốc: 22% cho quỹ thường xuyên của LHQ và 28% cho tổ chức gìn giữ hòa bình của LHQ..

Với việc không còn tài trợ, không còn quyền bỏ phiếu, lại tiếp tục tăng thêm nợ dồn, chẳng có quyết định nào kinh tế hơn là rút khỏi tổ chức (!?).

Như vậy, việc Mỹ rút khỏi UNESCO cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới các hoạt động cũng như uy tín của tổ chức này.

Thực tế, quyết định rút khỏi UNESCO của ông Trump chỉ một lần nữa gợi lại quan hệ lâu nay vốn không êm đềm giữa Mỹ với tổ chức này.

Không tài trợ, không được quyền bỏ phiếu, Mỹ ở lại UNESCO chỉ thêm nặng nợ!

Năm 1983, chính phủ Tổng thống Ronald Reagan cũng từng rút khỏi UNESCO vì cho rằng tổ chức này chính trị hóa, ngả về phía Liên Xô.

Đến năm 2002, chính phủ Tổng thống George W. Bush đưa nước Mỹ trở lại, tranh thủ ủng hộ từ cộng đồng thế giới cho cuộc chiến ở Iraq.

Đồng minh không ủng hộ, Nga-Trung Quốc có cơ hội lấn sân

Thay vì quyết định là một thành viên, việc Mỹ lựa chọn trở thành một nhà quan sát tại UNESCO sau năm 2018 đã tự biến vị thế của họ trong tổ chức và trong các hoạt động quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể.

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO, Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã bày tỏ hối tiếc trước việc Mỹ quyết định rút khỏi UNESCO, nhất là trong bối cảnh sự ủng hộ từ cơ quan này trên trường quốc tế đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Đại sứ Pháp tại LHQ cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình, khẳng định UNESCO thúc đẩy và tôn vinh các giá trị có ý nghĩa với nước Mỹ và sự tham gia của Washington trong tổ chức này là quan trọng.

Tổng giám đốc mới của UNESCO là cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp. Ảnh: REUTERS

Về phía Anh, hôm 12/10, một nngười phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh rằng, Chính phủ Anh vẫn sẽ tiếp tục duy trì tư cách thành viên UNESCO và hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong những công việc quan trọng của cơ quan này, dù Mỹ đã quyết định rút khỏi.

Phía Nga đã bày tỏ lấy làm đáng tiếc trước quyết định của Mỹ nhưng đồng tình rằng UNESCO thời gian qua đã bị chính trị hóa.

Thông cáo được phát đi từ Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng.

"Chúng tôi chia sẻ mối lo ngại chung của nhiều quốc gia rằng hoạt động của UNESCO thời gian gần đây có dấu hiệu bị chính trị hóa" - thông báo nêu.

Tờ SNMP của Hồng Kông (Trung Quốc) thì cho rằng, chuyện Mỹ ra đi có thể sẽ giúp tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong UNESCO.

Thời gian qua Trung Quốc vận động rất tích cực cho các di sản của mình. Hiện Trung Quốc chỉ đứng sau Ý về số di sản thế giới được UNESCO công nhận (52) và đang nỗ lực vươn lên vị trí thứ nhất. Mỹ có 10 di sản văn hóa, 12 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ly-do-thuc-my-roi-unesco-no-cong-don-600-trieu-usd-3345055/