Lý do nào giúp Vĩnh Phúc đạt Top 5 PCI 2021?

Sau nhiều năm 'tụt hạng', năm 2021, Vĩnh Phúc đã trở lại Top 5 địa phương dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) .

Chia sẻ về hành trình chinh phục Top 5 PCI năm 2021 của tỉnh Vĩnh Phúc với phóng viên, ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đó là một chặng đường vô cùng khó khăn và nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất trong triển khai thực hiện cải thiện chỉ số PCI đó chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức.

“Vì đôi khi, công chức chỉ nghĩ hoàn thành nhiệm vụ là xong, nhưng để phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân thì đôi khi không chỉ đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ, mà cần hiểu tận gốc vấn đề là gì, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách thể chế để tạo ra sự thông thoáng trong thủ tục, hài lòng về thời gian, chi phí, đó mới là quan trọng” – ông Lê Duy Thành khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (đứng giữa) nhận kỷ niệm chương Top 5 PCI năm 2021

Một khó khăn nữa trong “hành trình” chinh phục Top 5 PCI của địa phương, đó là, cả 4 lần dịch Covid-19 xảy đến trong 2 năm qua, thì cả 4 lần Covid-19 đều “ghé” qua tỉnh Vĩnh Phúc đầu tiên, điều đó tạo ra những khó khăn rất lớn đối với chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, tuy nhiên, với nhận thức, doanh nghiệp có vị trí cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, họ không chỉ tạo ra giá trị gia tăng, tăng trưởng, mà còn là nhân tố tạo ra sự phồn thịnh, phát triển của một quốc gia, một địa phương.

Chính bởi lẽ đó, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy, cần phải có trách nhiệm lớn trong việc duy trì, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động.

Để cải thiện chỉ số PCI, năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt ra mục tiêu “3 tốt”, gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản hóa về thủ tục.

Chẳng hạn, tỉnh cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách xuống dưới 115 giờ/ năm.

Biểu đồ tổng hợp kết quả chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2021

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp, đặc biệt, hệ thống đường dây nóng của tỉnh được thiết lập và vận hành hiệu quả với 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư đang hoạt động cũng như đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

“Vĩnh Phúc cũng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập và phát huy vai trò hiệu quả của Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2021, Tổ giúp việc đã tổng hợp được 97 nhóm ý kiến từ các doanh nghiệp trong tỉnh và trực tiếp hướng dẫn các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh” – ông Lê Duy Thành thông tin.

Trong năm 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh UBND Vĩnh Phúc đã thực hiện 8 cuộc khảo sát lớn, trong đó có 5 cuộc khảo sát online để thu thập, phản hồi về những khó khăn của doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa, tiếp cận thông tin tín dụng, lao động và tìm kiếm giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 bùng phát.

Những nỗ lực này đã giúp Vĩnh Phúc cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần như: Chi phí thời gian (xếp thứ 3 cả nước); Chi phí không chính thức (xếp thứ 3 cả nước); cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận đất đai đứng vị trí thứ 7 .

Đặc biệt, 93,9% doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cán bộ giải quyết thủ tục hành chính làm việc hiệu quả (cao thứ 6 toàn quốc) và 89,5% doanh nghiệp đồng ý rằng, nhìn chung thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương ngắn hơn so với quy định.

Kết quả trên đã giúp PCI của Vĩnh Phúc đã có một bước tiến ngoạn mục, từ vị trí 29/63 tỉnh, thành phố vào năm 2020 với mức điểm 63,94 điểm đã vươn lên vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố vào năm 2021 với 69,69 điểm.

Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì và cải thiện chỉ số PCI

Coi sự trở lại Top 5 là phần thưởng lớn mà cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư dành cho chính quyền địa phương sau một thời gian dài nỗ lực, song ông Lê Duy Thành cũng cho rằng, năm 2022 lãnh đạo địa phương cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì và cải thiện chỉ số PCI thông qua tiếp tục cải thiện chất lượng điều hành nhằm phục vụ và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2022, Vĩnh Phúc sẽ quan tâm đặc biệt đến chỉ số minh bạch. Bởi theo ông Lê Duy Thành: "minh bạch thể chế và hướng dẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp để họ tiếp cận, đồng hành cùng chình quyền trong chấp hành thể chế sẽ là điều quan trọng nhất, và quyết định đến các chỉ số thành phần khác”.

Bên cạnh minh bạch, một chỉ số nữa cũng được Vĩnh Phúc quan tâm trong năm nay, đó là sự năng động của chính quyền. Bởi nhờ có sự năng động, chính quyền sẽ hiểu và quan tâm đến doanh nghiệp nhiều hơn, từ đó quyết liệt vào cuộc để đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa Vĩnh Phúc đi lên trong cải thiện chỉ số PCI nói riêng và cải thiện tăng trưởng kinh tế nói chung.

Trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục dành sự quan tâm cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó tạo ra những chính sách bứt phá cho khu vực doanh nghiệp này phát triển, tăng khả năng cạnh tranh.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ly-do-nao-giup-vinh-phuc-dat-top-5-pci-2021-176585.html