Lý do EU nên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á

“Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài phân tích lý giải tại sao Liên minh châu Âu (EU) nên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Lý do EU nên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á. Ảnh: EPA

Theo tác giả, ngày 12/3/2017, Hội đồng thống đốc AIIB đã quyết định mở rộng thành viên từ 57 lên 70. Bổ sung mới bao gồm ba thành viên châu Âu bao gồm Bỉ, Hungary và Ireland. Cho đến nay, 17 nước thành viên EU đã tham gia hoặc nộp đơn xin tham gia AIIB.

Theo Chủ tịch AIIB Jin Liqun, đây là một dấu hiệu cho thấy AIIB ngày càng có sức hút như một tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu. AIIB đang đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực tiếp cận cộng đồng. Ngày 1/4/2017, ngân hàng này đã ký một biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Phát triển Mới của Nhóm BRICS về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Cuộc họp thường niên lần thứ hai của Hội đồng thống đốc vào tháng 6 tới ở Hàn Quốc sẽ thu hút hơn 1.500 đại biểu đến từ các nước thành viên của AIIB, các tổ chức đối tác cũng như các tổ chức xã hội dân sự.

Trong vòng chưa đầy hai năm kể từ khi chính thức thành lập, ngân hàng AIIB đã cố gắng chứng tỏ mình là một lựa chọn thay thế phù hợp và nghiêm túc cho các tổ chức tài chính quốc tế của phương Tây, cụ thể là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Sức hấp dẫn ngày càng tăng của AIIB bắt nguồn từ việc Trung Quốc muốn thúc đẩy nó như một tổ chức có khả năng cải cách và bổ sung cho lĩnh vực quản trị kinh tế toàn cầu vốn được hệ thống Bretton Woods thúc đẩy sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Rõ ràng, quyết định khởi động AIIB là do Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển ngày càng thất vọng khi họ chỉ đóng vai trò ngoại biên trong hệ thống tài chính quốc tế hiện hành.

Lý giải tại sao một số nước thành viên EU quyết định tham gia AIIB: Thứ nhất, Trung Quốc muốn chứng tỏ vai trò trong các tổ chức đa phương. Trung Quốc còn xa mới vượt qua Mỹ về ưu thế kinh tế toàn cầu, nhưng AIIB chỉ là một trong nhiều sáng kiến do Trung Quốc hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, EU và các nước thành viên của khối này ngày càng nhận ra sự cần thiết phải thực dụng, coi Trung Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng, đặc biệt trong các sáng kiến kinh tế đa phương mới chẳng hạn như AIIB.

Dù vậy, AIIB có thể chồng chéo với các sáng kiến khác của EU như Kế hoạch Juncker - bản kế hoạch đầu tư ước tính có giá trị hơn 300 tỷ euro với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế không thể không nhận thấy vai trò bá chủ của Trung Quốc trong AIIB, với 29,8% cổ phần có quyền biểu quyết và 34,6% số tiền đầu tư vào ngân hàng này của Trung Quốc.

Tuy nhiên, AIIB đã tuyên bố có ý định hợp tác với các ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu khác như WB, ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).

Theo bài viết, EU nên củng cố sự đồng thuận để đối phó với Trung Quốc, trong khi tăng cường vai trò của mình trong các sáng kiến khu vực và thể chế toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo. EU cần phải ưu tiên cho lợi ích của mình ở cấp độ toàn cầu, và đấu tranh ngăn chặn chiến lược và chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc muốn chi phối lục địa châu Âu.

Trung Quốc và EU cũng nên tiếp tục hợp tác nhằm vượt qua những khác biệt xung quanh các chiến lược đầu tư của họ trong lĩnh vực quản trị kinh tế toàn cầu.

Theo bài viết, AIIB cho thấy đây là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm đưa ra các giải pháp thay thế trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, đồng thời thúc đẩy một chính sách đối ngoại chủ động hơn ở cấp độ quốc tế. EU và các nước thành viên của khối không nên đánh giá thấp những lợi ích kinh tế và tài chính khi tham gia chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ly-do-eu-nen-tham-gia-ngan-hang-dau-tu-co-so-ha-tang-chau-a/44748.html