Lý do cần gia hạn thời gian thực hiện Nghị quyết 54

Cần cho TP.HCM chủ động nhiều hơn trong các lĩnh vực tài chính - ngân sách, quy hoạch - đất đai…

Tuần qua, trong diễn tiến của kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XV, Chính phủ kiến nghị QH cho phép kéo dài thời gian thí điểm Nghị quyết (NQ) 54 cho TP.HCM đến ngày 31-12-2023 và cơ quan thẩm tra cũng đã đồng ý.

Báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH về vấn đề này.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (ĐBQH TP.HCM):

TP cần có ba chữ “Đ”: Đúng - Đủ - Đồng bộ

Tôi nhất trí với đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP theo NQ 54 của QH. Tuy nhiên, tôi đề nghị một số nội dung: Thứ nhất, trong thời gian còn lại TP được thí điểm, trong NQ của QH tại kỳ họp này cần có những chỉ đạo, định hướng tạo điều kiện để TP thực hiện thuận lợi các vấn đề còn nhiều vướng mắc.

Đặc biệt, một số vấn đề như tài sản công của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP hiện có số lượng rất nhiều nhưng sử dụng không đúng mục đích. TP cũng gặp khó khăn khi làm việc với các cơ quan có liên quan đến nội dung này. Vì vậy, QH cần giao Chính phủ hỗ trợ giải quyết những vấn đề cấp bách để phát huy nguồn lực cho TP.

Về góp ý cho TP xây dựng NQ mới thay thế NQ 54, theo tôi thì cơ chế đặc thù của TP cần có ba chữ “Đ”: Đúng - Đủ - Đồng bộ. “Đúng” có nghĩa là địa phương đề xuất nhưng trung ương cũng phải quan tâm để chấp thuận đúng lĩnh vực, đúng cái mà địa phương cần.

Thứ hai, “đủ” có nghĩa là đủ độ. Nghĩa là bên cạnh việc trung ương cho TP cơ chế đặc thù phải đi kèm với tính chủ động nhất định. Chẳng hạn như lĩnh vực tài chính - ngân sách, quy hoạch - đất đai cần cho TP chủ động nhiều hơn để tránh tình trạng “tôi cho anh tăng ga nhưng tôi đạp thắng”.

Chữ “Đ” thứ ba chính là sự đồng bộ. Ví dụ như đất đai, nhà cửa thì phải cho tự chủ về quy hoạch, bộ máy tổ chức cán bộ thì cũng phải cho một số tự chủ kèm theo về tài chính - ngân sách. Hay TP.HCM phát triển theo hướng kinh tế số thì cũng phải cho tự chủ về hội nhập và mở cửa…

Liên quan đến nội dung của NQ mới, bên cạnh đề xuất trong các lĩnh vực tài chính - ngân sách, đất đai - quy hoạch, bộ máy - biên chế, tôi đề xuất thêm về khoa học công nghệ - kinh tế số; hội nhập - mở cửa… Đây sẽ là khung để từ đó TP có đề xuất, kiến nghị cụ thể. Các lĩnh vực phải có sự hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra hiệu quả cao nhất.

TS HOÀNG VĂN CƯỜNG (ĐBQH TP Hà Nội):

Người dân, doanh nghiệp đồng tình

Các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM theo NQ 54 là chính sách quốc gia rất cần thiết và kịp thời với sự phát triển của TP.HCM. Tiếc là khi triển khai NQ này trong năm năm thì có gần ba năm TP chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Vì vậy, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mà Chính phủ đã nêu rất rõ trong báo cáo tổng kết thực hiện NQ 54.

Trong bối cảnh dịch bệnh thì chúng ta không thể tăng thuế, phí để tăng nguồn thu. Đến nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, đời sống kinh tế - xã hội của TP cũng như cả nước đã phục hồi gần như bình thường. Mong rằng năm 2023, mọi thứ trở lại bình thường thì mọi chính sách về thuế, phí có thể triển khai áp dụng để giúp TP tăng nguồn thu bên cạnh nguồn thu từ các lĩnh vực khác như đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp, bán tài sản công của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP…

Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 tạo thuận lợi cho TP.HCM giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, ngân sách…Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 tạo thuận lợi cho TP.HCM giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, ngân sách…Ảnh: HOÀNG GIANG

Thời gian qua, việc thực hiện những chính sách thí điểm theo NQ 54 của TP.HCM dù chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng cũng không có tác dụng ngược, tức là cũng không để lại hậu quả gì đáng lo ngại. Vì vậy, TP kéo dài thêm thì cũng không ảnh hưởng gì, do vậy việc kéo dài thời gian thực hiện thí điểm NQ 54 thêm một năm là có cơ sở.

Tôi ủng hộ và thống nhất với kiến nghị của TP.HCM. Tôi cho rằng sau một năm TP vừa tiếp tục thực hiện NQ vừa tổng kết một cách đầy đủ, khách quan với kỳ vọng chính sách có hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Sau đó, các vấn đề thí điểm sẽ được luật hóa để áp dụng một cách ổn định, lâu dài.

Để thực hiện tốt tinh thần NQ 54, tôi cho rằng TP phải vận dụng cao nhất nội lực của mình, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành trung ương. Điều quan trọng nhất là trong thời gian được gia hạn, TP phải vừa tập trung thực hiện tốt các nội dung của NQ 54 vừa phải xây dựng dự thảo nội dung NQ mới thay thế sâu sát từ thực tiễn của TP. Qua đó, NQ mới phải vừa đúng vừa trúng để thật sự là những chính sách đòn bẩy giúp TP phát triển xứng tầm hơn.

GS-TS NGUYỄN THIỆN NHÂN (ĐBQH TP.HCM):

Cần có chỉ đạo về bán nhà đất công ở TP.HCM

Mục tiêu của NQ 54 là hằng năm tạo nguồn thu từ 40.000 đến 50.000 tỉ đồng cho TP từ nhiều nguồn. Trong đó có việc TP được hưởng 50% tiền sử dụng đất từ việc bán các tài sản công của các cơ quan, tổ chức trung ương trên địa bàn TP.

Trong báo cáo tổng kết của Chính phủ, hiện có hơn 2.000 địa chỉ nhà đất công thuộc quản lý của các cơ quan trung ương, trong đó có nhiều tài sản hiện sử dụng không đúng mục đích. Nếu sử dụng hiệu quả thì sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn, trong đó TP được hưởng 50% tiền sử dụng đất từ việc bán các tài sản này cũng sẽ là nguồn thu rất đáng kể.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được cơ quan quản lý các tài sản này chú ý đúng mức. TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Vì vậy, nếu QH đồng ý cho TP thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo NQ 54 thêm một năm nữa thì kiến nghị Chính phủ cùng với các lĩnh vực khác, vấn đề này cần được quan tâm chỉ đạo để việc triển khai có chuyển biến hơn.•

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-can-gia-han-thoi-gian-thuc-hien-nghi-quyet-54-post704563.html