Lý do Bộ Công an tiếp tục đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an tiếp tục đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Đại diện Cục CSGT cho rằng, việc kiểm soát chặt nồng độ cồn đã góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Liên quan đến việc Bộ Công an tiếp tục đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh- Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, rượu, bia có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của con người.

"Theo thống kê, hơn 43 nghìn phạm nhân đang chấp hành án phạt tù ở nước ta thì có đến hơn 22 nghìn phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia.

Trong đó, hơn 50% vụ án giết người, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu, bia; hơn 30% các vụ bạo lực gia đình đều liên quan đến sử dụng rượu, bia", Thượng tá Hồng Minh đưa ra dẫn chứng.

Đội CSGT đường bộ số 6 xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội). Ảnh: Đình Hiếu

Đội CSGT đường bộ số 6 xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội). Ảnh: Đình Hiếu

Thượng tá Hồng Minh cho rằng, từ các con số thống kê trên cho thấy, việc kiểm soát nồng độ cồn không chỉ có ý nghĩa đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà còn có ý nghĩa rất sâu sắc đối với xã hội.

Vị đại diện Cục CSGT cho biết thêm, những số liệu liên quan đến tai nạn giao thông mà nguyên nhân do sử dụng rượu, bia là rất lớn.

Cụ thể, từ năm 2018 - 2023, tổng số nạn nhân bị tai nạn giao thông đến cấp cứu và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là hơn 2,7 triệu người (hơn 420.000 nạn nhân liên quan đến rượu, bia), trong đó số nạn nhân bị chấn thương sọ não lên đến hơn 381.000 người (hơn 70.000 người liên quan đến rượu, bia).

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông(Cục CSGT). Ảnh: Đình Hiếu

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông(Cục CSGT). Ảnh: Đình Hiếu

"Văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều điểm đặc thù. Mọi người hay đổ cho văn hóa khi bất kỳ cuộc vui nào cũng đều lấy rượu, bia làm câu chuyện. Khi bắt đầu uống mà nói rằng uống đến chừng này thì dừng lại vì còn lái xe thì rất khó, trong khi uống nhiều sẽ không kiểm soát được hành vi", Thượng tá Hồng Minh lập luận.

Thượng tá Hồng Minh khẳng định, Bộ Công an tiếp tục đề xuất giữ phương án cấm tuyệt đối việc tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia.

"Quy định cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia từ giữa năm 2019 và áp dụng đến nay.

Từ thời điểm áp dụng đã góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, người dân, người tham gia giao thông đã từng bước xây dựng được văn hóa đã uống rượu bia thì không lái xe", Thượng tá Hồng Minh nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm có 9 Chương, 89 Điều. Trong đó, khoản 1 Điều 9 của dự thảo luật này, nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đình Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-bo-cong-an-tiep-tuc-de-xuat-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-2281941.html