Lưu ý khi lựa chọn ngữ liệu môn Văn

Xây dựng ngân hàng ngữ liệu phục vụ kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ngày càng trở nên cần thiết.

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội).

Theo thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Ngữ văn tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh), kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng trong giáo dục. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn có thay đổi lớn về hình thức và cấu trúc của đề kiểm tra nhằm đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất học sinh.

Điểm đổi mới lớn nhất trong kiểm tra môn Ngữ văn là ngữ liệu nằm ngoài chương trình, sách giáo khoa.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006, ngữ liệu trong đề kiểm tra Ngữ văn nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa. Tức nội dung kiểm tra đều là phần kiến thức thuộc các văn bản mà học sinh đã được học, đã được thầy cô luyện đi luyện lại nhiều lần. Học sinh chỉ cần học thuộc hoặc ghi nhớ máy móc là có thể làm được bài.

Còn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phần ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, việc kiểm tra đánh giá sẽ không còn là ghi nhớ máy móc, là học thuộc lòng mà học sinh cần biết huy động các kĩ năng, tri thức được học vận dụng để giải quyết các yêu cầu trong đề bài.

Vì vậy, việc xây dựng ngân hàng ngữ liệu cho kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn là một hoạt động cần thiết.

Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Phương Bắc đồng thời cho biết, khó khăn trong xây dựng ngân hàng ngữ liệu là nguồn tư liệu trên internet khó kiểm soát tính chính xác và bản quyền. Văn bản nước ngoài có nhiều bản dịch cũng là khó khăn khi lựa chọn. Nguồn ngữ liệu cho bồi dưỡng học sinh giỏi còn hạn chế…

Chia sẻ kinh nghiệm trong lựa chọn ngữ liệu Ngữ văn, cô Vũ Thị Tuyết Mai, giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) nhấn mạnh đầu tiên đến tính giáo dục đạo đức cho học sinh, không lấy ngữ liệu thuộc các vấn đề xã hội liên quan đến các quan điểm ngược chiều.

Cách tìm ngữ liệu thường theo phương thức biểu đạt chính, ví dụ: tự sự, nghị luận, biểu cảm… Khi tìm ngữ liệu cần xác định được mục tiêu của bài đọc hiểu. Ngữ liệu phải tích hợp để kiểm tra học sinh kiến thức về tiếng Việt; đa dạng nhưng cũng cần bám sát chương trình, nội dung kiến thức mà học sinh đang học.

Đặc biệt, ngữ liệu được lựa chọn cần giúp phát huy được khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của học sinh. Từ đó, học sinh vận dụng kiến thức đã học và các kĩ năng đọc, nói, nghe, viết vào bối cảnh và ngữ liệu mới, hứng thú khám phá tri thức mới; huy động vốn sống vào quá trình học môn Ngữ văn...

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luu-y-khi-lua-chon-ngu-lieu-mon-van-post668225.html