Lương và… lậu

QĐND - Tại cuộc hội thảo mới đây về xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, có đại biểu đã phát biểu thẳng thắn rằng: Nếu thu nhập của công chức, viên chức chỉ tính theo lương thì chẳng biết bao giờ công chức, viên chức mới mua nổi nhà, dù rằng là nhà dành cho người thu nhập thấp. Đại biểu lấy dẫn chứng: Một công chức có trình độ đại học, được xếp vào ngạch chuyên viên bậc 1 có hệ số lương là 2,34, thì tiền lương tháng của anh ta khoảng 1,8 triệu đồng (chưa kể các khoản phụ cấp, trợ cấp đặc thù). Với khoản tiền này, một tháng bình quân đi dự sinh nhật một lần, một lần đi dự đám cưới, còn lại cũng chỉ đủ ăn, không thể tích lũy để nuôi con, càng không thể tích lũy để mua nhà, bởi lẽ một căn hộ dù là giá thấp, có diện tích khoảng 50 mét vuông cũng phải xấp xỉ một tỷ đồng.

Thế nhưng, có một nghịch lý là bên cạnh đa số cán bộ, công chức, viên chức phải tằn tiện trong chi tiêu, vẫn có những công chức, viên chức mua sắm được nhà to, xe đẹp. Như vậy, ngoài lương ra, chắc chắn họ còn những khoản thu nhập khác. Những khoản thu nhập này có loại chính đáng ví dụ như tiền nhuận bút viết sách, báo, tham gia nghiên cứu khoa học... Nhưng có khoản thu nhập ngoài lương không chính đáng mà dân gian gọi là “lậu”. Những khoản “lậu” này thực chất là các dạng tham nhũng của cán bộ công chức, viên chức khi có quyền lực trong tay, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn ở trong các lĩnh vực khác, như hành chính, văn hóa, xã hội, v.v.. Tình trạng này, nhiều nơi có, nhiều người biết, nhưng do nhiều lý do tế nhị, không thể chỉ đích danh được. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt việc kê khai và công khai tài sản của cán bộ công chức, viên chức thì có thể hạn chế được rất nhiều các khoản “lậu” nói trên. Chính vì vậy, dư luận mong muốn, cùng với việc cải cách tiền lương để tiền lương bảo đảm trả đúng, trả đủ giá trị sức lao động của công chức, viên chức, hoàn chỉnh hệ thống phụ cấp ngoài lương, cần giảm đến mức thấp nhất các khoản “lậu” bằng giải pháp tăng cường công tác giám sát quyền lực, giám sát các khoản thu nhập của công chức. Trong việc này, nếu chỉ cơ quan nhà nước kiểm tra lẫn nhau thì rất dễ xảy ra nể nang, xuê xoa, vì vậy, rất cần sự kiểm tra, giám sát của nhân dân và doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội. Đỗ Phú Thọ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/126931/Default.aspx