Lương tối thiểu giờ năm 2023, nơi nào cao nhất?

Hiện nay, các địa phương tính lương tối thiểu giờ dựa trên nguyên tắc lương tối thiểu vùng chia cho số ngày và giờ làm việc tiêu chuẩn.

Việc sử dụng lao động theo giờ giúp doanh nghiệp linh hoạt về nhân sự

Việc sử dụng lao động theo giờ giúp doanh nghiệp linh hoạt về nhân sự

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2022 lương tối thiểu vùng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng.

Mức lương tối thiểu tháng theo vùng I là 4.680.000 đồng, vùng II là 4.160.000 đồng, vùng III là 3.640.000 đồng và vùng IV là 3.250.000 đồng.

Mức lương tối thiểu giờ đối với vùng I là 22.500 đồng, vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

Chính phủ quy định, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Hiện nay, các địa phương áp dụng mức lương tối thiểu giờ khác nhau theo quy định của Chính phủ, dựa trên nguyên tắc lương tối thiểu vùng chia cho số ngày và giờ làm việc tiêu chuẩn.

Tại TP. HCM, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành khảo sát nhanh 12 doanh nghiệp thường xuyên sử dụng người lao động trả lương theo giờ.

Kết quả cho thấy nhân sự Quản lý kinh doanh được trả mức lương tối thiểu giờ cao nhất là 110.000 đồng; tiếp đến nhân viên phụ bếp 35.000 đồng; nhân viên bảo vệ 28.200 đồng; nhân viên chăm sóc khách hàng 25.000 đồng; nhân viên bán hàng tại cửa hàng, quầy hàng, siêu thị 25.000 đồng; nhân viên kế toán, thu ngân 24.200 đồng; nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới,…23.600 đồng; nhân viên phục vụ ở quán cà phê, giải khát 23.000 đồng.

Trong khi đó, tại tỉnh Thái Bình, lương tối thiểu theo giờ được áp dụng chủ yếu cho nhân viên phục vụ trong các loại hình kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, cà phê) thuộc nhóm lao động làm công việc bán thời gian, không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, mức lương giờ phổ biến được trả cho người lao động từ 15.000 – 25.000 đồng/giờ.

Còn tại tỉnh Bình Phước, có một số doanh nghiệp thực hiện trả lương theo giờ đối với hoạt động mang tính thời vụ hoặc tính chất đặc thù.

Ví dụ, một công ty tại địa bàn xã Bình Long hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vệ sĩ áp dụng trả lương cho nhân viên là 38.362 đồng/giờ.

Các địa phương cho biết, việc sử dụng lao động theo giờ giúp doanh nghiệp linh hoạt về nhân sự và tiết kiệm được chi phí nhiều hơn so với tuyển dụng lao động lâu dài. Nếu người lao động làm tốt thì doanh nghiệp có thể giữ lại làm việc lâu dài hoặc đảm đương một số vị trí trống.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/luong-toi-thieu-gio-nam-2023-noi-nao-cao-nhat-post538609.antd