'Lượng' nhiều, 'chất' chưa cao

Sản xuất nông nghiệp năm 2016 gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường... Trong bối cảnh đó, dù các bộ, ngành liên quan và địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục tăng trưởng, nhưng xuất khẩu nông sản vẫn rơi vào tình trạng “đuối hơi”, nhất là khi chạy theo số lượng, chất lượng chưa được quan tâm đầu tư.

Giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh. Ảnh: Dương Giang

Tổng giá trị tăng do số lượng lớn

10 tháng qua, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của cả nước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau, quả… thì ngược lại, một số mặt hàng như gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn... giá trị xuất khẩu giảm mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, cà phê là mặt hàng có sự gia tăng mạnh nhất, khi 10 tháng qua đạt 1,5 triệu tấn thu về 2,76 tỷ USD, tăng 40,2% về khối lượng và tăng 25,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Rau, quả, thủy sản, hạt tiêu, điều cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, giá trị mỗi mặt hàng đạt 1 tỷ USD trở lên.

Dù có sự tăng trưởng, song năm nay có thể là một năm “ảm đạm” với ngành lúa gạo của Việt Nam. Gạo vốn là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nhưng trong 10 tháng qua mặt hàng này tiếp tục giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị. Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thời gian qua cũng giảm mạnh. 10 tháng qua xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 3 triệu tấn, đạt 806 triệu USD, giảm 14,8% về khối lượng và giảm 26,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu nông sản trong 10 tháng qua chưa hẳn là niềm vui. Bởi đa số các mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng do số lượng xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu thấp hơn so với các nước trong khu vực...

Tỷ lệ chế biến thấp

Theo điều tra của Ngành Nông nghiệp, một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu nông sản có xu hướng giảm ở những mặt hàng chủ lực là do chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, thực tế từ vài chục năm nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến thấp. Đơn cử, cả nước vẫn có tới 95% sản lượng cà phê xuất thô với giá 2 USD/kg. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê chế biến tới 10 USD/kg. Các doanh nghiệp trong nước có thương hiệu mạnh như: Trung Nguyên, Vinacafe, Mê Trang… rất ít.

Cũng do chất lượng thấp mà nhiều mặt hàng nông sản Việt chưa xâm nhập được vào các thị trường tiềm năng. Ví như, tôm của Việt Nam chưa vào được thị trường Australia vì nước này chưa công nhận tôm của Việt Nam sạch bệnh.

Để tháo gỡ những khó khăn, giúp các doanh nghiệp dồn lực vào 2 tháng cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài liên kết để tăng cường xuất khẩu. Đặc biệt, tìm đầu ra cho thị trường gạo tại các nước như: Indonesia, Philippines và thị trường Châu Phi...

Cùng với đó, tập trung xây dựng thương hiệu gạo, trong tháng 11, Việt Nam sẽ hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo, đầu năm 2017 sẽ thi thiết kế logo thương hiệu gạo quốc gia. Với thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ cử đoàn sang Mỹ để tháo gỡ các kỹ thuật liên quan tới xuất khẩu cá tra... Ngoài ra, sản xuất và kinh doanh hàng nông sản ẩn chứa nhiều rủi ro nên Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về thuế và tín dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: Hạn chế lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản là nguồn vốn và chính sách thuế. Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù cho những lĩnh vực kinh doanh ẩn chứa nhiều rủi ro như nông nghiệp. Vai trò Nhà nước trong kết nối những hợp đồng mang tính quốc gia là hết sức quan trọng...

Đào Huyền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/854516/luong-nhieu-chat-chua-cao