Luôn đảm bảo đúng luật

Năm 2016, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) của TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai các dự án quan trọng trong năm 2017, nhờ đó đem lại diện mạo mới cho Thủ đô.

Theo báo cáo của UBNDTP Hà Nội, năm 2016, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác GPMB và tập trung giải quyết nguyên tắc xác định giá nhà TĐC theo hướng phù hợp với thực tiễn. Kết quả, trên toàn địa bàn đã phê duyệt 29.203 phương án với số tiền bồi thường, hỗ trợ là 7.588 tỷ đồng, xét TĐC cho 1.112 trường hợp; đã chi trả 6.533 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 27.123 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và giao 824 căn hộ, lô đất TĐC cho hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở, đã nhận bàn giao mặt bằng 1.037ha đất tại 360 dự án.

Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn khi nhu cầu đầu tư rất lớn, Thành phố luôn chủ động, điều hành linh hoạt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đúng tiến độ. Chính sự phân cấp theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm từng khâu đã giúp nhiều dự án tiết kiệm đáng kể cho ngân sách.

Công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác GPMB vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Tiến độ một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch; công tác GPMB của một số dự án còn khó khăn làm kéo dài thời gian GPMB (như dự án Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng; tuyến đường sắt thí điểm đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (phần ga ngầm).

Trưởng ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội Trương Quang Thiều cho biết, sở dĩ còn tình trạng trên là do GPMB luôn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nhạy cảm; việc chuẩn bị quỹ nhà, đất TĐC cho các hộ gia đình khi di chuyển còn thiếu, không kịp thời; vị trí TĐC chưa hấp dẫn và thuận lợi cho người dân; cơ chế chính sách về giá, thu hồi đất, GPMB thay đổi, điều chỉnh từ Luật Đất đai năm 2003 sang Luật Đất đai 2013; công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc phân loại hồ sơ, xác định nguồn gốc đất đai để áp dụng chính sách GPMB.

Dự kiến, năm 2017 sẽ thu hồi hơn 1.000ha đất tại hơn 400 dự án, chi trả hơn 8.000 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho khoảng 16.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí TĐC cho 1.500 hộ.

Theo ông Trương Quang Thiều, trong thời gian tới, các Ban GPMB của Thành phố cần bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục các công trình trọng điểm và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2016 - 2020 của Thành phố (tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của HĐND Thành phố); 944 công trình, dự án thu hồi đất, với diện tích hơn 3.000ha trong danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2017 được HĐND Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 và các dự án của Trung ương, các dự án chuyển tiếp của địa phương để triển khai GPMB các dự án bảo đảm theo tiến độ đề ra. Dự kiến, năm 2017 sẽ thu hồi hơn 1.000ha đất tại hơn 400 dự án, chi trả hơn 8.000 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho khoảng 16.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và bố trí TĐC cho 1.500 hộ.

Để đạt được kết quả trên, theo Trưởng ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP, năm 2017 và các năm tiếp theo, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch của UBND Thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC nhằm phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013, các chính sách hiện hành và thực tiễn Thủ đô để tham mưu giúp UBND Thành phố hoàn thiện về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển quỹ nhà TĐC. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân trong diện GPMB hiểu, đồng thuận và chấp hành chủ trương của Nhà nước; thực hiện công tác GPMB công khai, minh bạch, đúng luật, bảo đảm công bằng, chính xác.

N.Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luon-dam-bao-dung-luat-48889.html