Lùm xùm đề thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD&ĐT thiếu cầu thị

Các địa phương đã chấm xong thi tốt nghiệp THPT. Nhưng đến nay, sai sót trong đề thi môn Lịch sử mới được phát hiện và Bộ GD&ĐT khẳng định không ảnh hưởng đến kết quả thi.

Vừa qua, một số giáo viên dạy Lịch sử phản ánh một câu hỏi trong bài thi môn Lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa qua không chính xác về lệnh hỏi liên quan đến mốc thời gian.

Cụ thể, một câu hỏi trong các mã đề lẻ của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có nội dung như sau:

“Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào sau đây:

A. Liên Xô B. Phần Lan C. Ănggôla D. Angiêri”

Trên facebook cá nhân, thầy Trần Huy Đoàn, nguyên giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho biết theo tư liệu lịch sử buổi tối ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pari đi Liên Xô, đất nước mà Người mơ ước được đặt chân tới sau khi nhận được lời mời của Quốc tế Cộng sản để tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (Đại hội này diễn ra vào năm 1924).

Trong thời gian chờ họp Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, từ ngày 12 đến ngày 15/10/1923, với tư cách là đại biểu nông dân của các nước thuộc địa, Người tham dự Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Nông dân tại Mát-xcơ-va. (SGK Lịch sử 12 cơ bản và nâng cao ghi Hội nghị Quốc tế Nông dân; SGK Lịch sử 12 cơ bản có cụm “đến Liên Xô để...”; SGK Lịch sử 12 nâng cao đóng mở ngoặc thời gian (10-1923).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Mạnh Thắng

Do đó, thầy Đoàn cho rằng tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc chưa tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân. Nội dung câu hỏi của đề thi đặt ra là không đúng. Như vậy trong 4 đáp án của câu hỏi này không có đáp án nào đúng. Bộ GD&ĐT nên có cách giải quyết phù hợp và có lợi nhất cho học sinh.

Tương tự, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cũng khẳng định câu hỏi đưa ra dữ liệu về thời gian là sai và vì vậy, đáp án cũng không đúng. Tuy nhiên, thầy Hiếu cho rằng hiện nay đã chấm thi xong, không thể chấm lại nhưng rõ ràng có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Thầy Hiếu băn khoăn câu hỏi sai mà thí sinh làm đúng thì như thế nào. Thí sinh có bị mất điểm không. “Giả sử đáng lẽ thí sinh đạt được 10 điểm nhưng vì câu hỏi này nên không đạt điểm tuyệt đối. Như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Trong thi cử, ngoài đảm bảo yếu tố khoa học, phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh”, thầy Hiếu bức xúc.

Không dễ dãi trong phản biện đề thi

Phân tích về lỗi sai sơ đẳng này, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng có nguyên nhân từ SGK Lịch sử hiện hành có một số chỗ, một số kiến thức mà tác giả viết thiếu tường minh về các mốc thời gian, dễ dẫn đến tranh cãi. Một nguyên nhân nữa là lỗi tổ ra đề máy móc vì nghĩ SGK tuyệt đối đúng. Trong khi người phản biện đề không làm tròn vai nên không phát hiện được sai sót.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã đi đến những chặng cuối vì theo dự kiến ngày 18/7 tới, các Sở GD&ĐT công bố điểm thi cho thí sinh. Nhưng những lùm xùm về đề thi các môn vẫn chưa có hồi kết.

“Đây là một bài học kinh nghiệm cho những nhóm ra đề sau này ở một kỳ thi mang tầm quốc gia nhưng hầu như năm nào cũng có chỗ này chỗ kia. Bộ GD&ĐT cần phải có nhìn nhận nghiêm túc và có phương án khắc phục trong kỳ thi sau”, thầy Hiếu nói. Đồng thời ông nhìn nhận trình độ một số môn của tổ ra đề không đồng đều nên không phát hiện ra thiếu sót sơ xuất. Ông nhấn mạnh yếu tố phản biện khi ra đề thi. Người phản biện phải có trí tuệ, kinh nghiệm, có bản lĩnh khi phản biện chứ không nói dựa để thông qua. Khâu phản biện đề quan trọng. Ra đề thi khó rất dễ nhưng để thi phân hóa được học trò mới khó. Môn Sử là môn mà những năm gần đây năm nào cũng có thiếu sót ở đề thi và đáp án trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thầy Hiếu cho rằng Bộ GD&ĐT cần dũng cảm thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót một cách công khai để các kỳ thi sau, câu chuyện sai sót không còn cơ hội để xảy ra.

Chiều qua, trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban ra đề thi cho biết câu 15, mã đề 301 (thứ tự câu thay đổi theo các mã đề khác nhau) trong Đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2023, môn Lịch sử chủ đích hỏi về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào. Câu hỏi sẽ chặt chẽ nếu có từ “đến”. Cụ thể, câu hỏi nên là: “Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân khi đang hoạt động ở quốc gia nào sau đây?”. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh.

Trước phản hồi từ Ban ra đề thi, một số giáo viên dạy Lịch sử tỏ ra không hài lòng vì Bộ đang bao biện, không thẳng thắn nhận trách nhiệm. Vì lệnh hỏi sai về mặt thời gian thì sẽ dẫn đến các ngữ liệu sau đó đều sai.

Ghi nhận cho thấy, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, không riêng môn Lịch sử mà một số môn học khác cũng nhận được băn khoăn của dư luận. Cụ thể, môn tiếng Anh có câu hỏi tương đương trình độ C1 (theo khung tham chiếu châu Âu), trong khi chuẩn đầu ra yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với học sinh tốt nghiệp THPT là B1, tức câu hỏi yêu cầu cao hơn chuẩn đầu ra hai bậc. Không những thế, câu hỏi này còn mắc lỗi ngôn ngữ và Bộ GD&ĐT bắt buộc phải chấp nhận 2 đáp án đúng. Hay như môn Ngữ văn, phần đọc hiểu có câu hỏi trùng với đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 của Sở GD&ĐT; phần tập làm văn có câu hỏi trùng với đề thi thử lớp 12 của Sở GD&ĐT Nghệ An. Đề thi Hóa học, đề thi Địa lý cũng có những câu hỏi gây tranh cãi. Như vậy 5/15 môn thi (bao gồm 6 môn thi ngoại ngữ) năm nay của Bộ GD&ĐT có vấn đề về độ chuẩn xác thông tin. Do vậy, không chỉ thầy Hiếu mà dư luận đang rất cần một câu trả lời cầu thị của Bộ GD&ĐT, liên quan đến trách nhiệm của Ban ra đề thi năm nay.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lum-xum-de-thi-tot-nghiep-thpt-bo-gddt-thieu-cau-thi-post1551456.tpo