Lục Ngạn: Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học

Cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, những năm gần đây, huyện Lục Ngạn đã quan tâm dành các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường lớp kiên cố, khang trang

Năm học tới, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Hải sẽ đưa vào khai thác sử dụng dãy nhà lớp học 4 tầng, nhà hiệu bộ, nhà công vụ giáo viên và các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngân sách tỉnh và huyện. Theo thầy giáo Trần Văn Phi, Hiệu trưởng nhà trường, Sơn Hải là xã vùng cao đặc biệt khó khăn với đặc thù người dân chủ yếu đi lại bằng thuyền trên lòng hồ Cấm Sơn, do vậy nhiều học sinh phải ở bán trú. Toàn trường hiện có 264 học sinh, trong đó 50% ở bán trú.

Trường Tiểu học Tân Quang được trang bị hệ thống máy tính phục vụ việc dạy và học.

Được sự quan tâm của Nhà nước nên ngoài đầu tư xây dựng cơ sở trường, lớp học, trang thiết bị giảng dạy, nhà trường còn trang bị đầy đủ thiết bị tiện nghi tại khu ở bán trú, bếp ăn, điều hòa trong phòng học, giường, tủ, nước sạch, vệ sinh khép kín… “Nếu như trước đây do thiếu phòng học, học sinh phải học hai ca (sáng - chiều) thì nay nhà trường có thể đáp ứng dạy và học 1 ca/ngày. Học sinh được học tập, sinh hoạt trong môi trường an toàn, đầy đủ tiện nghi nên chăm chỉ đến lớp và hào hứng hơn. Cơ sở vật chất được đầu tư đạt chuẩn quốc gia, an toàn, an ninh trường học và cảnh quan môi trường luôn được quan tâm, bảo đảm sáng -xanh - sạch - đẹp - an toàn”, thầy giáo Trần Văn Phi nói.

Trường Tiểu học Tân Quang hiện có 36 lớp với hơn 1 nghìn học sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, trước đây trường thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu phòng học và các thiết bị, đồ dùng học tập, điều này ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả cũng như chất lượng giáo dục. Từ năm 2022, nhà trường được đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng thêm dãy nhà 3 tầng kiên cố với 12 phòng học và các công trình phụ trợ. Qua đó, đã khắc phục được tình trạng thiếu phòng học, tạo cảnh quan thêm khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt là đã dồn điểm trường Núi Cá về trường chính.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Quang cho biết: “Cùng với đầu tư phòng học, nhà trường còn được trang bị nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục như máy tính, máy in, máy chiếu, mạng Internet, loa kéo, bảng tương tác điện tử...”.

Chất lượng giáo dục được cải thiện

Trong xây dựng cơ sở vật chất ngành Giáo dục, huyện Lục Ngạn có những đặc thù riêng, đó là có nhiều trường cách xa trung tâm huyện. Các trường mầm non và tiểu học còn 141 điểm lẻ. Đồng chí Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Xác định đầu tư cơ sở vật chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để nâng cao chất lượng giáo dục, giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy, UBND huyện đã đề ra chỉ tiêu xây dựng bổ sung hơn 1 nghìn phòng học văn hóa, phòng học bộ môn, các phòng học chức năng và các công trình phụ trợ”.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Lục Ngạn đã đầu tư xây dựng được hơn 300 phòng học, phòng chức năng, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 91,97% (tăng 2,87% so với trước đó). Hiện toàn huyện có 91/94 trường chuẩn quốc gia trong đó có 9 trường chuẩn mức độ 2.

Kết quả, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã đầu tư xây dựng được hơn 300 phòng học, phòng chức năng; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 91,97% (tăng 2,87% so với trước đó). Hiện toàn huyện có 91/94 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 9 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học cho các trường học đã đem lại kết quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn trên địa bàn huyện. Điểm thi vào lớp 10 năm học vừa qua của huyện đạt trung bình 5,85 điểm, tăng 1,17 điểm so với 2 năm học trước. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh của huyện tiến bộ vượt bậc. Cụ thể, năm học 2022-2023 đạt 36 giải, vươn lên xếp thứ 6 toàn tỉnh, tăng 3 bậc và 12 giải so với năm học trước. Năm học 2023-2024, huyện đạt 34 giải, xếp thứ 7 và đứng đầu 4 huyện miền núi.

Năm 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học; củng cố hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu xây dựng Trường Mầm non Tân Sơn đạt chuẩn quốc gia và nâng chuẩn mức độ 2 đối với Trường Mầm non Giáp Sơn; nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học lên 93,9%. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trường thiếu diện tích đất, thiếu phòng học, phòng chức năng theo quy định. Giai đoạn 2024-2030, toàn huyện cần mở rộng 22 ha diện tích đất, xây dựng hơn 1 nghìn phòng học văn hóa, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ, tổng kinh phí hơn 2 nghìn tỷ đồng. Ngân sách của huyện và các xã, thị trấn còn nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ, khắc phục khó khăn đồng thời thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho các trường hoàn thiện tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-ngan-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-co-so-vat-chat-truong-hoc-161526.bbg