Lực lượng vũ trang Quân khu 4: Chủ động để không bị động

Địa bàn các tỉnh Quân khu 4 được biết đến là 'rốn lũ, tâm bão', thường gánh chịu hậu quả thiên tai bão lụt. Do vậy, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, mệnh lệnh của trên về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) với tinh thần 'Chủ động không để bị động', lực lượng, phương tiện, vật chất… sẵn sàng đương đầu, ứng phó với bão lũ.

Buổi tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An tại khu vực sông Lam đoạn qua huyện Hưng Nguyên, hai chiếc xuồng cao tốc ST660 và VSN-1500 gắn máy đẩy lướt sóng, vượt qua các vật cản được bố trí dích dắc; cán bộ, chiến sĩ tổ cứu hộ, cứu nạn tổ chức cứu người gặp nạn, kết hợp vớt tài sản trôi trên sông... Từng động tác phối hợp của lái xuồng và các chiến sĩ như: Quăng phao cứu sinh, đưa người gặp nạn lên xuồng, hô hấp nhân tạo, vận chuyển vào bờ cấp cứu... diễn ra khá thuần thục, nhịp nhàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối...

Đại tá Đinh Bạt Văn, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS Nghệ An cho biết: "Xác định PCTT-TKCN là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình nên hàng năm, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đều quán triệt nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và dự kiến các tình huống, phương án thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN; tổ chức tập huấn cho lực lượng nòng cốt. Năm 2023, chúng tôi chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn nòng cốt lực lượng cứu hộ, cứu nạn các địa phương, đơn vị về nâng cao trình độ chỉ huy, kỹ năng khai thác, sử dụng các trang bị, phương tiện TKCN… Bộ CHQS tỉnh luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ TKCN khi có tình huống xảy ra".

Huyện Thanh Chương, Nghệ An tập huấn phương án cứu người đuối nước cho đội ngũ cán bộ nòng cốt ở cơ sở.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, địa phương có nhiều con sông lớn với tổng chiều dài gần 300km và gần 100km bờ biển… là nơi ẩn chứa nhiều rủi ro nếu phải đối mặt với thiên tai. Theo báo cáo của Ban Tác chiến, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh thì LLVT được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ là lực lượng chủ yếu, nòng cốt PCTT-TKCN. Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung, kiện toàn ban chỉ huy PCTT-TKCN và làm tốt mọi công tác chuẩn bị, phát huy vai trò từng gia đình, tổ dân phố trong công tác PCBL. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay Ban chỉ đạo PCTT-TKCN Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung chuẩn bị tốt theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng chuẩn bị tốt về lực lượng và lương thực, thực phẩm.

Lực lượng vũ trang Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế chủ động gia cố các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Chúng tôi xuống huyện Lộc Hà, một địa phương ven biển của Hà Tĩnh. Đến thời điểm này các thôn xóm trong toàn huyện đều thành lập tổ xung kích đảm nhiệm công tác PCBL khi có tình huống xảy ra; các xã, thị trấn giao nhiệm vụ cho trung đội dân quân cơ động phối hợp với các lực lượng túc trực tại UBND xã khi có tình huống bão lụt. Về lương thực thực phẩm, Ban chỉ huy PCBL huyện Thạch Hà quy định mỗi hộ gia đình và các xã, thị trấn phải chuẩn bị đủ nhu cầu sử dụng từ 2 ngày trở lên, các vật chất phục vụ công tác PCTT-TKCN như áo phao, phao cứu sinh, thuyền… đều đã sẵn sàng.

Không chỉ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đi đến các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quân khu 4 đến thời điểm này mọi công tác phục vụ nhiệm vụ PCTT-TKCN sẵn sàng. Bám sát phương châm "4 tại chỗ", các lực lượng tham gia PCTT-TKCN của các đơn vị được xây dựng, củng cố, kiện toàn; tổ chức quản lý chặt chẽ và duy trì hoạt động thường xuyên; nâng cao trình độ, năng lực, khả năng phối hợp, hiệp đồng xử lý tình huống phức tạp, phạm vi rộng...

Ban CHQS huyện Đakrông, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị hướng dẫn động tác quăng phao cứu người đuối nước cho nhân dân.

Đặc thù địa bàn các tỉnh Quân khu 4 có hệ thống sông ngòi, hồ đập lớn và địa có vùng biển, miền núi. Do vậy, hệ thống giao thông miền núi dễ bị chia cắt cục bộ mỗi khi có mưa lớn kéo dài; hệ thống đê điều tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Địa bàn vùng núi thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt cục bộ kéo dài; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông liên xã, liên huyện... Hiện tượng lũ chồng lũ, bão chồng bão diễn ra phổ biến những năm gần đây đã để lại hậu quả nặng nề, vì thế Quân khu chỉ đạo các đơn vị đề cao ý thức, trách nhiệm, chủ động bằng nhiều giải pháp, cách làm sát với thực tiễn tình hình địa phương, bảo đảm LLVT Quân khu tổ chức triển khai PCTT-TKCN và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả một cách hiệu quả nhất.

Xác định nhiệm vụ PCTT-TKCN là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, do vậy các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu 4 đã làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ. Từ đó xây dựng ý chí, quyết tâm cao, tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng vượt qua hiểm nguy, gian khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, với tinh thần “Chủ động không để bị động” các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu lực lượng phương tiện, vật chất PCTT-TKCN đã sẵn sàng, quyết tâm chiến thắng trong mọi tình huống.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/luc-luong-vu-trang-quan-khu-4-chu-dong-de-khong-bi-dong-737428