'Lực lượng chức năng ra quân là buôn lậu biết hết'

Lãnh đạo tỉnh An Giang thẳng thắn nêu lý do vì sao công tác chống buôn lậu, hàng giả vẫn là việc không hề đơn giản...

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trị hội nghị toàn quốc về chống buôn lậu, hàng giải và gian lận thương mại, sáng 20/7.

Song Hà

“Điểm mấu chốt mà buôn lậu tồn tại được là các lực lượng chức năng ra quân thì buôn lậu biết hết, nhưng buôn lậu làm gì thì mình không nắm được. Bên cạnh đó là lợi nhuận từ buôn lậu còn cao, nên việc chống không đơn giản”.

Nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng buôn lậu nói trên được Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Hưng đưa ra khi nói về tình trạng buôn lậu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), sáng 20/7.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong 6 tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 88.560 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 7.900 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng chống buôn lậu đã khởi tố hơn 1.100 vụ đối với 1.372 đối tượng.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện các cơ sở trong nước mua các nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, chất lượng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công, pha trộn, dán nhãn mác nhái các thương hiệu và cung cấp ra thị trường hàng giả, hàng nhái.

“Lấy kinh tế đánh kinh tế, không nên đấu giá đường, vì buôn lậu sẽ mua để lấy hoá đơn quay vòng; mở rộng cho nhiều lực lượng khác được bắt giữ buôn lậu, tăng tiền thưởng lên 50% giá trị tài sản bắt được và cơ chế khen thưởng nhanh chóng”, Phó chủ tịch An Giang kiến nghị.

Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Bùi Đức Hạnh cho biết, thời gian qua tình hình phạm tội ở biên giới có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn cả về quy mô, tính chất. Tuyến biên giới Việt - Trung nổi lên hoạt động mua bán trái phép qua biên giới các loại ma túy, tiền giả, pháo nổ, quần áo may sẵn...

Tuyến biên giới Việt - Lào có buôn lậu gỗ, rượu ngoại, ma túy với trọng điểm ở các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum. Tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia có buôn lậu và vận chuyển trái phép tiền Việt, ngoại tệ, vàng, thuốc lá, đường cát. Địa bàn trọng điểm là: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Long An, An Giang...

Ngoài ra, hoạt động mua bán, khai thác, vận chuyển cát sỏi vẫn diễn biến phức tạp, gây sạt lở bờ, kè, ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống của người dân.

“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gắn trách nhiệm người chỉ huy trong chỉ đạo, điều hành chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nếu để tạo thành điểm nóng thì chỉ huy phải chịu trách nhiệm”, ông Bùi Đức Hạnh khẳng định.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan thuế sẽ tăng cường công tác thanh tra chống chuyển giá, nhất là đối với các doanh nghiệp có chi phí dịch vụ lớn, các công ty liên kết để xem xét yếu tố hợp lý các khoản chi phí, đặc biệt là các khoản chi phí dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... Trong đó, tập trung ở địa bàn lớn: Tp.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng thời, tăng cường quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh qua mạng internet: Thương mại điện tử, facebook, zalo… phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương một số kết quả nổi bật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng và nhân dân trong cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục, đó là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế-xã hội, an ninh trật tự, sức khoẻ nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, sản phẩm do mình sản xuất, cung ứng; chưa quan tâm đến lợi ích, sức khoẻ người tiêu dùng; chưa chủ động hợp tác với cơ quan chức năng trong bảo vệ thương hiệu sản phẩm.

“Kiên quyết không có vùng cấm trong chống buôn lậu .Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, đánh trúng, đánh đúng đầu nậu, xử lý nghiêm minh, tạo sức răn đe phòng ngừa vi phạm. Xác lập các chuyên án trinh sát, làm rõ các tổ chức tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng lưu ý phải chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm, được dư luận chú ý nhưng chỉ xử phạt hành chính để xem xét lại, nếu thấy dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/luc-luong-chuc-nang-ra-quan-la-buon-lau-biet-het-20170720062358182.htm