Luật Thủ đô (sửa đổi): Cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô 2012.

Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp của các trường ĐH, Học viện trên địa bàn TP năm 2023. Ảnh: Khánh Huy

Đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia

Theo đánh giá, trước đây, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, qua một quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Kết quả trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của TP chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TWcủa Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.

Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 Dự thảo Luật Thủ đô đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách TP để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô; bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự An toàn giao thông năm 2023

Môi trường làm việc điều quan trọng đối với nhân tài

Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó, họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát - Trường ĐH Hòa Bình, Hà Nội cần ban hành quy định pháp luật về nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài. Tiêu chí về năng lực trình độ, năng lực thực tế. Tùy theo yêu cầu công việc cụ thể, Hà Nội xây dựng Bản mô tả công việc chi tiết, đặc thù với các kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất, nhất là năng lực đặc biệt, vượt trội; phẩm chất, ý chí thể hiện qua sức sáng tạo, niềm tin, khát vọng được cống hiến, đóng góp cho xã hội. Thậm chí nhân tài phải có đề án khả thi, kế hoạch phát triển bản thân để giải quyết công việc. Sử dụng bộ công cụ đo lường theo các chỉ số IQ (Intelligence Quotient - Chỉ số thông minh), EQ (Emotional Quotient - Chỉ số cảm xúc), SQ (Social Quotient - Chỉ số thông minh xã hội), CQ (Creative Intelligence - Chỉ số thông minh sáng tạo), PC (Passion Quotient - Chỉ số say mê), MQ (Moral Quotient - Chỉ số đạo đức) và các chỉ số khác trong xác định nhân tài.

Hai là, quy định về tuyển dụng. Để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, Thủ đô cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, giải quyết các thách thức và những nhiệm vụ cấp bách ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Do vậy, các cơ quan tuyển dụng triển khai các biện pháp tìm mọi cách thu hút, giữ lại những sinh viên tài năng hàng đầu từ các trường cao đẳng, đại học trong nước và quốc tế.

Các nhà quản lý và tuyển dụng tìm hiểu sâu sắc về thế mạnh chuyên ngành của trường, của các sinh viên sáng giá nhất, mời họ vào thực tập tại các cơ quan Nhà nước, khảo sát về lý tưởng, sự nghiệp, kế hoạch sau khi tốt nghiệp, mục tiêu của tương lai, mong muốn về thu nhập… Từ đó, xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Đây là cách tốt nhất để tiếp cận, thu hút nhân tài, nếu vị trí công việc, điều kiện và môi trường, cũng như đãi ngộ đủ hấp dẫn.

Về quy định về trọng dụng nhân tài, trong chiến lược phát triển Thủ đô không thể thiếu chiến lược thu hút sử dụng nhân tài, như một khâu đột phá bảo đảm cho sự thành công. Đối với một tài năng, việc tuyển dụng đã khó, nhưng để giữ chân tài năng đó ở lại làm việc lâu dài là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách về tiền lương hạn chế so với khu vực tư nhân.

Quy định về đánh giá quá trình làm việc của nhân tài. Thủ đô xây dựng bộ công cụ đánh giá trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác khoảng cách năng lực, kỹ năng mỗi cá nhân và giữa các nhân, cho họ hiểu biết sâu sắc về khả năng của mỗi người, đây là cơ sở phát triển một lực lượng lao động tốt nhất.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, các quy định về đãi ngộ, lợi ích luôn là sức hút mạnh mẽ đối với người lao động. Hiện nay, khu vực tư nhân đang trả lương, thưởng, trợ cấp, các chế độ an sinh rất cao. Hiện nay, một số địa phương khác cũng có mức đãi ngộ đặc biệt cao. Bối cảnh đó, Thủ đô cần có chiến lược, quỹ tài chính và biện pháp bảo đảm lợi ích dành cho nhân viên cao hơn so với khu vực tư nhân, địa phương khác.

Để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND TP ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-co-che-thu-hut-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-359912.html