Luật sư Bùi Thanh Vũ trả lời về việc thuê mướn người khác hay doanh nghiệp đòi nợ thuê

*Bạn đọc Q.V.M. (thị xã An Khê) hỏi: Năm 2022, tôi có cho một người bạn tên là N.V.D. vay 100 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng.

Đến cuối năm 2023, D. phải trả toàn bộ tiền gốc và tiền lãi cho tôi. Khi vay, D. có lập biên nhận nợ cho tôi để làm tin. Nhưng đến nay, D. cố tình tránh né không trả tiền gốc và tiền lãi cho tôi. Vậy tôi có thể thuê mướn người khác hay doanh nghiệp đòi nợ thuê cho tôi được hay không? Và tôi phải làm thế nào để yêu cầu D. trả tiền cho tôi?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Trước tiên, luật sư khuyên bạn không nên thuê mướn cá nhân hay tổ chức nào để đòi nợ thuê cho bạn vì khi thuê mướn đòi nợ dễ phát sinh hệ quả pháp lý tiêu cực đối với bạn. Với những hành vi trái pháp luật của những người đòi nợ thuê cho bạn thì bạn có thể bị xử lý hình sự về tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân; tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù; tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Vì thế, hiện nay, pháp luật cũng cấm hành nghề đòi nợ thuê.

Sống trong xã hội văn minh, Nhà nước pháp quyền với tinh thần thượng tôn pháp luật thì bạn cần thực hiện việc đòi nợ của mình trong khuôn khổ pháp lý. Cụ thể là bạn có quyền khởi kiện ông D. ra tòa án nhân dân có thẩm quyền (tòa án nhân dân nơi ông D. cư trú) theo quy định tại khoản 3 Điều 26 và điểm a, khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Khi nộp đơn khởi kiện, bạn cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ kèm theo là bản sao căn cước công dân của bạn, bản chính biên nhận nợ; tài liệu chứng cứ chứng minh nơi cư trú của ông D. để xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án (nếu bạn tự thực hiện được, trường hợp bạn không thực hiện được thì có thể làm đơn yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền thu thập cho bạn).

Khi tòa án thụ lý giải quyết thì lãi suất của bạn chỉ được tính theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 357 và Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-1-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, lãi suất không quá 20%/năm.

Sau khi vụ kiện được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án thì bạn được làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án nhằm thu hồi số tiền nợ cho bạn.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tra-loi-ve-viec-thue-muon-nguoi-khac-hay-doanh-nghiep-doi-no-thue-post272044.html