Luật Khoa học và Công nghệ: Cần sửa đổi cho phù hợp thực tế

Sau 10 năm thi hành, một số quy định trong Luật KH&CN đã không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, cần sớm sửa đổi để Luật KH&CN là động lực then chốt phát triển đất nước, phát huy và tận dụng mọi cơ hội, nguồn lực trong và ngoài nước là thật sự cần thiết.

Đây là ý kiến chung được các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đưa ra tại hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN)” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức sáng 22/11.

Quang cảnh hội thảo.

Nhiều quy định đã không còn phù hợp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ Thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, Luật KH&CN ra đời từ năm 2000, được sửa đổi vào năm 2013 đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN, đóng góp vào thành tựu chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, yêu cầu đòi hỏi của thực tế đã thay đổi. Gần đây Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến lĩnh vực KH&CN cần được thể chế hóa.

Để phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN, cho doanh nghiệp; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đáp ứng thực tiễn ứng dụng KH&CN mới vào thực tiễn sản xuất... cho nên cần phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra. Qua đó, nhằm đạt được 2 mục tiêu chính, là cập nhật và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH&CN.

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp KH&CN đã được thể hiện trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN.

Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Doãn Minh Tâm– nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) chỉ ra, một số quy định của Luật KH&CN không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật có liên quan. Trong đó, một số tồn tại, bất cập của Luật KH&CN có thể kể đến như: quy định về tổ chức KH&CN công lập chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng; quy định về các chức danh về KH&CN chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để có chính sách phù hợp đối với đối tượng hoạt động KH&CN gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN chưa đầy đủ; quy định về tổ chức, triển khai nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp.

Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến quỹ phát triển KH&CN Quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp khó triển khai do chưa phù hợp với thực tiễn và chưa thống nhất với quy định của pháp luật liên quan; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu... “Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN sau gần 10 năm thi hành là thực sự cần thiết, nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra, phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, xã hội của đất nước giai đoạn tới” - PGS.TS Doãn Minh Tâm nhấn mạnh.

Để Luật mới có “tuổi thọ” cao

Hiện nay, Bộ KH&CN đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương vào dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN. Dự thảo đề cương chi tiết sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN về cơ bản đã chỉ ra được sự cần thiết, mục đích, nội dung và các giải pháp của 6 chính sách lớn về KH&CN cần được thể chế hóa để đưa vào Luật. 6 nhóm chính sách được Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: hoàn thiện quy định thành lập và hoạt động của tổ chức KH&CN, tăng cường quản lý, nâng cao vai trò của tổ chức KH&CN; hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động KH&CN; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các chính sách ưu đãi; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KH&CN; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định hội nhập quốc tế về KH&CN.

Việc sửa đổi bổ sung Luật KH&CN là cần thiết, có đủ cơ sở pháp lý và tính thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần quan tâm, xem xét, bổ các quy định mới có tầm nhìn chiến lược dài hạn để Luật mới có “tuổi thọ” cao.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đề cương chi tiết đã nêu sửa đổi 50 điều/81 điều, về cơ bản là hợp lý, song còn thiếu vắng hoặc chưa đủ quy định cụ thể về một số nội dung, nhất là hội nhập, đổi mới sáng tạo, khai thác sử dụng nguồn nhân lực KH&CN... Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu cơ cấu lại chương mục của Luật 2014 để phù hợp với 6 chính sách đề cập trong tờ trình. “Theo kế hoạch thì còn hơn 1,5 năm mới trình Quốc hội xin ý kiến và còn 2 năm mới trình thông qua, do vậy còn đủ thời gian để nghiên cứu đồng bộ hơn và hướng tới xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi, bổ sung)” – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS. Doãn Minh Tâm, dự thảo đề cương chi tiết sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, về cơ bản đã chỉ ra được sự cần thiết, mục đích, nội dung và các giải pháp của 6 chính sách lớn về KH&CN cần được thể chế hóa để đưa vào Luật. Tuy nhiên, cũng cần xem xét bổ sung thêm chính sách về quy hoạch phát triển KH&CN để định hướng chiến lược các giai đoạn phát triển và ứng dụng KH&CN mới, nhằm khắc phục tình trạng trì trệ đang còn diễn ra ở một số khâu. Đồng thời, việc đồng bộ triển khai xây dựng các chính sách lớn về KH&CN để đưa vào Luật hóa là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần có thêm thông tin về những khâu đang có sự trì trệ để có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, tập trung ở các chính sách về quy hoạch phát triển KH&CN, ở chính sách 2 và 3, cần được quan tâm hơn và bổ sung các giải pháp.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-khoa-hoc-va-cong-nghe-can-sua-doi-cho-phu-hop-thuc-te.html