Luật hóa trừng phạt Nga: Cơ hội Ba Lan trả đũa Nga

Chỉ cần Warsaw phản đối thì việc EU xé rào luật trừng phạt Nga sẽ trở nên bất khả thi và “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ hoặc phải dừng lại, hoặc...

Truyền thông quốc tế ngày 7/8 loan tin, Ba Lan cho biết sẽ ủng hộ luật trừng phạt Nga của Mỹ, bởi các biện pháp trừng phạt mới được mở rộng và luật hóa có tác động tiêu cực tới dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" mà Warsaw đang ngăn cản.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski thể hiện quan điểm: "Chúng tôi không đồng ý với một số chính trị gia châu Âu rằng Dòng chảy phương Bắc-2 là dự án kinh doanh. Không phải, đó là dự án chính trị”.

Nhà ngoại giao Ba Lan cho rằng, "Dòng chảy phương Bắc-1" và "Dòng chảy phương Bắc-2" là hai công cụ chính trị, bởi khi “dòng chảy khơi thông” sẽ đe dọa sự ổn định năng lượng và an ninh tại châu Âu. Theo Warsaw, dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" sẽ phá vỡ tình đoàn kết của châu Âu.

Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski

Cũng nên nhắc lại rằng, dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" là dự án hợp tác giữa Nga và Đức nhằm xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất là 55 tỷ m3/năm, từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức, không đi ngang qua lãnh thổ Ukraine và Ba Lan.

Ngày 4/9/2015, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận với các đối tác Tây Âu về việc Nga gia tăng cung cấp khí đốt tự nhiên cho EU thông qua đường ống dẫn "Dòng chảy phương Bắc-2". Dự án này có trị giá khoảng 10 tỷ Euro.

Tập đoàn Gazprom nắm 51% cổ phần của dự án "Dòng chảy phương Bắc-2", các đối tác nắm giữ lượng cổ phần khác nhau, trong đó các Tập đoàn E.ON, Shell, OMV và BASF/Wintershall lần lượt nắm 10%, còn hãng ENGIE của Pháp nắm 9%.

Sau khi các thông tin về dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" được công bố, Ba Lan, Ukraine và 7 nước Đông Âu khác đã kịch liệt phản đối. Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án này đi ngược lại chính sách của EU, gây tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu.

Ngoại trưởng Ba Lan Waszczykowski từng nhấn mạnh: "Việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc-2 là không cần thiết. Công suất của Dòng chảy phương Bắc-1 nên được nâng lên, khí đốt được chuyển tới Nam Âu theo đường ống OPAL.

Do đó, Nga cần từ bỏ việc xây dựng đường ống dẫn cho Dòng chảy phương Bắc-2, mà chỉ cần khai thác hết công suất hiện có của các tuyến đường ống dẫn của Dòng chảy phương Bắc-1 và OPAL".

Tuy nhiên, sau đó Warsaw đã thay đổi thái độ và đòi bố trí tuyến đường ống chạy trên lãnh thổ Ba Lan, bởi "đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết và quan hệ đối tác hữu hảo giữa EU với các nước Trung và Đông Âu", theo ông Waszczykowski.

Theo nhận định của Tạp chí Mỹ Politico, những xung đột xung quanh việc mở tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” mang dáng dấp của xung đột của thời Chiến tranh Lạnh, khi Moscow và Washington đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Âu.

Dự án "Dòng chảy phương Bắc-2

Đại sứ Mỹ tại Đức, John Emerson cho biết: "Hậu quả của Dòng chảy phương Bắc-2 sẽ không chỉ xảy ra đối với mối quan hệ Moscow-Berlin. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại đối với dự án này cả ở cấp độ châu Âu cũng như cấp độ nội bộ nước Đức”.

Theo giới phân tích, cả Warsaw và Washington đều quan ngại “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ giúp Moscow gây ảnh hưởng tới việc cung cấp khí đốt cho các quốc gia Trung Âu. Bởi dự án này sẽ giúp Gazprom chiếm tới 60% thị phần tại Đức.

Trước nguy cơ lợi ích từ "Dòng chảy phương Bắc-2" có thể không được khai thác, Đức đã thể hiện sự không hài lòng với những động thái của Mỹ. “Có những vấn đề người châu Âu cần phải giải quyết một cách độc lập”, Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig lên tiếng.

Theo Berlin, dự án "Dòng chảy phương Bắc-2" tạo điều kiện cho Nga và châu Âu gia tăng các lợi ích qua việc giảm bớt các ảnh hưởng trung gian từ Nga mà vẫn đảm bảo cho EU duy trì lệnh cấm vận kinh tế Nga của Mỹ.

Điều đó cho thấy lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Obama áp đặt đối với nước Nga, đang bị đồng minh Châu Âu xé rào. Đức và Nga đã đi đêm sau lưng Mỹ, mặc nhiên bỏ qua những lời chỉ trích ráo riết của Ukraine, Ba Lan.

Đây được xem là lý do khiến cho biện pháp trừng phạt Nga được mở rộng và luật hóa. Bởi khi trừng phạt Nga được luật hóa thì “Dòng chảy phương Bắc-2” sẽ có thể phải lùi từ khả thi về tiền khả thi, thậm chí chuyển sang bất khả thi.

Theo luật trừng phạt Nga của Mỹ, tất cả những dự án liên doanh hay hợp tác đầu tư mà đối tác Nga nắm giữ từ 33% cổ phần trở lên đều bị cấm đối với các doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu.

Trong khi tại dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”, Gazprom nắm tới 51% cổ phần, điều đó buộc các đối tác Tây Âu hoặc phải rút khỏi dự án này, hoặc EU phải xé rào luật trừng phạt Nga của Mỹ.

Bộ đôi Putin - Merkel gặp khó trong việc khơi thộng cho Dong chảy phương Bắc 2

Tuy nhiên, việc xé rào luật trừng phạt Nga sẽ khó hơn rất nhiều so với lệnh trừng phạt Nga trước đây, bởi sự việc bây giờ đã trở thành vấn đề của EU vì luật trừng phạt Nga đã nêu cụ thể dự án "Dòng chảy phương Bắc-2".

Do vậy, để EU xé rào luật trừng phạt Nga của Mỹ thì phải được sự đồng thuận của tất cả các thành viên EU và điều này chắc chắn sẽ gặp rào cản từ Ba Lan.

Khi Warsaw phản đối thì việc EU xé rào luật trừng phạt Nga sẽ trở nên bất khả thi và khi đó “Dòng chảy phương Bắc-2” sẽ hoặc phải dừng lại, hoặc phải "nắn” qua lãnh thổ Ba Lan. Đây là cơ hội cho Warsaw trả đũa Moscow, điều mà lâu này họ không thể làm được.

Sau khi "Dòng chảy phương Nam" bị Bulgaria đình lại, nay đến lượt "Dòng chảy phương Bắc-2" có thể bị dừng lại bởi Ba Lan, cho thấy Nga gặp quá nhiều bất lợi từ những người anh em cũ.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/luat-hoa-trung-phat-nga-co-hoi-ba-lan-tra-dua-nga-3340794/