Luật có, không thực hiện?

(CL)- Người tiêu dùng thì im lặng chịu đựng, cơ quan quản lý không mấy hào hứng khi xử lý hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ. Vì vậy, không lạ nếu có tình trạng “nhờn luật”.

Ảnh minh họa. Pháp lệnh ngoại hối đã quy định rõ rằng các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường Việt Nam không được phép niêm yết giá bằng ngoại tệ. Trong trường hợp cơ quan thẩm quyền phát hiện vi phạm, thì xử lý theo pháp luật, cụ thể là phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định thì đã rõ ràng như vậy nhưng rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng vẫn làm ngơ. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có văn bản chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản giao dịch với khách hàng bằng ngoại tệ. Nhưng trên thực tế, tình trạng niêm yết giá bằng USD vẫn bị thả nổi mà chưa có chuyển biến gì đáng kể. Những mặt hàng như nhà đất; ô tô, xe máy đắt tiền; hàng điện tử, điện máy… nơi bán vẫn thản nhiên niêm yết giá bằng USD. Không chỉ các loại sản phẩm nhập khẩu có giá trị lớn, mà ngay cả học phí, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... cũng được tính giá bằng USD. Hành vi này không những vi phạm quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Phía doanh nghiệp cho rằng, căn cứ để họ niêm yết giá xuất phát từ việc nhập khẩu hàng hóa phải dùng ngoại tệ, nếu niêm yết bằng tiền Việt sẽ phải thay đổi giá liên tục vì tỉ giá thay đổi, rất phiền phức. Nhưng thực ra, doanh nghiệp muốn “nắm đằng chuôi”. Bởi mỗi khi xảy ra biến động tỉ giá, doanh nghiệp sẽ quy đổi theo tỷ giá có lợi cho mình còn những thiệt hại sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng gánh chịu. Về phía người tiêu dùng, tuy biết là phải chịu thiệt hại từ cách làm này của doanh nghiệp nhưng rất ít khi họ lên tiếng. Có lẽ do thói quen và sự phổ biến của những vi phạm kiểu này. Nhưng ngạc nhiên hơn là phía cơ quan quản lý dù đã có chế tài nhưng việc thực thi quy định trên của Pháp lệnh ngoại hối lại chưa đi đến đâu cả. Rất ít nếu không nói là chưa có vụ việc nào người vi phạm bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn luật”? PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Vandehomnay/Luat-co,-khong-thuc-hien/1C22C0F1BF734518/