LUẬT BẢN DẠNG GIỚI: TÔN TRỌNG QUYỀN TỰ XÁC LẬP BẢN DẠNG GIỚI CỦA CÔNG DÂN

Vừa qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới với nội dung quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính. Việc xây dựng luật hướng tới khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của một công dân; đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội.

ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT CỤ THỂ HÓA QUYỀN CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Luật Bản dạng giới hướng tới mục tiêu tôn trọng, bảo vệ quyền con người

Vừa qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới với nội dung quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, về căn cứ chính trị, pháp lý, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Báo cáo Chính trị) đề ra định hướng phát triển đất nước về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó đặt ra mục tiêu “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức XHCN; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3) và “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (khoản 2 Điều 16). Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. Hiến chương Liên hợp quốc (1945) quy định các quyền cơ bản, phẩm chất và giá trị của con người là bình đẳng, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người (UDHR, 1948) tiếp tục khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng về quyền và được bảo vệ về nhân phẩm (Điều 1). Công ước quốc tế về Quyền chính trị và dân sự 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về Quyền văn hóa, xã hội và kinh tế 1966 (ICESCR) quy định các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử và kỳ thị nào, trong đó bao gồm yếu tố “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới”.

Liên quan trực tiếp đến quyền của người chuyển giới, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã hối thúc các quốc gia “thừa nhận quyền của người chuyển giới được thay đổi giới tính của họ bằng cách cho phép cung cấp cho họ giấy chứng sinh mới”. Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc cũng khuyến nghị các quốc gia cần “hỗ trợ thực thi quyền được thừa nhận về mặt pháp lý giới tính mà họ muốn của người chuyển giới và cung cấp những giấy tờ nhân thân chứng tỏ giới tính và tên gọi mà họ mong muốn”. Ngày 30/6/2016, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết 32/2, bổ nhiệm Chuyên gia Độc lập nhằm thúc đẩy giải quyết bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Việt Nam là một trong những nước bỏ phiếu “thuận” cho nghị quyết này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, Bộ luật Dân sự 2005 khẳng định “Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính”.

Bộ luật Dân sự năm 2015 (thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005) tiếp tục kế thừa nguyên văn quy định này, đồng thời bổ sung quy định về quyền chuyển đổi giới tính, một số nghĩa vụ của người xác định lại giới tính[3] và người chuyển đổi giới tính. Với quy định này, Việt Nam là quốc gia thứ 11 tại châu Á (sau Iran, Isarel, Syria, Nepal, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Singapore) hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính. Việc cho phép chuyển đổi giới tính đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ quyền của những người chuyển giới, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người; đồng thời là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm và thực thi quyền con người nói chung, quyền của cộng đồng LGBT, quyền của người chuyển giới nói riêng.

Tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của công dân

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần xây dựng Luật Bản dạng giới trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp điển hóa vào dự thảo Luật các quy định liên quan đến 02 quyền này tại các văn bản quy phạm pháp luật… nhằm khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của một công dân; đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân với các dạng giới truyền thống thông thường khác; hoàn thiện hơn nữa pháp luật về quyền con người của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được Hiến định, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần hành lang pháp lý phù hợp để bảo đảm quyền tự xác lập bản dạng giới của công dân

Việc xây dựng luật cũng hướng tới nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội do Việt Nam là thành viên Liên hợp quốc, thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam có trách nhiệm “thúc đẩy khía cạnh phổ cập của việc bảo vệ tất cả mọi quyền con người và tự do cơ bản của mọi người mà không có bất kỳ ngoại lệ nào và theo một cách công bằng và bình đẳng” và “đảm bảo sự thừa nhận giới một cách nhất quán với các quyền không bị phân biệt đối xử, được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật, quyền riêng tư, bản dạng và tự do biểu đạt”.

Bên cạnh đó, việc xây dựng luật cũng hướng tới thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính là vấn đề pháp lý – xã hội, gắn với quyền nhân thân của con người, phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù/ khía cạnh về nhân quyền của con người sống trong một xã hội văn minh; khẳng định LGBT là một cấu phần tất yếu của xã hội, không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống…; đồng thời giúp thay đổi hành vi của người chuyển giới theo hướng tích cực, hòa đồng với xã hội.

Ngoài ra, việc xây dựng luật Bản dạng giới cũng thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;tiếp tục khẳng bản chất của Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế để tăng cường, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, xây dựng Nhà nước dân chủ, văn minh.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73149