Luẩn quẩn hạt ngô

Việt Nam đã phải chi gần 600 triệu USD để nhập khẩu tới 2,33 triệu tấn ngô trong 6 tháng đầu năm. Và trên danh nghĩa có thể cả năm 2014 sẽ nhập khẩu đến trên 4,5 triệu tấn ngô (tức chiếm 2/3 nhu cầu), nghĩa là nền kinh tế mất khoảng hơn 1 tỷ USD. Dù trong thực tế, nhiều bà con nông dân ở "vương quốc” ngô Sơn La đang khóc ròng.

Được mùa ngô nhưng người nông dân không vui

Chia sẻ với báo chí ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp trong nước tăng, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước lại giảm do khó mở rộng diện tích trồng ngô. Và cũng còn một nguyên nhân khác, giá ngô nhập khẩu chỉ ở mức 5.800-5.900 đồng/1 kg… rẻ hơn giá ngô 6.200 đồng/kg sản xuất trong nước.

Thì ra, câu chuyện ở đây là do giá rẻ nên nhập khẩu, không cần tính đến việc làm sao tăng năng suất, hạ giá thành cho người trồng ngô trong nước có điều kiện thu nhập tốt từ ngay trên đồng đất của mình.

Thực ra những tranh cãi về việc nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất ra năm nào cũng xảy ra. Riêng với hạt ngô thì lý do đưa ra nào là nhập khẩu ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi, do chăn nuôi tập trung tăng. Nào thì nhập ngô vì nguồn nguyên liệu nội địa chưa đáp ứng đủ. Nhưng câu hỏi quan trọng là: Có phải do ta thiếu ngô? thì lại không có câu trả lời thỏa đáng. Tất nhiên không phải nơi nào bà con trồng ngô cũng khó tiêu thụ sản phẩm, nhưng quả là có những nơi người nông dân "méo mặt” vì giá thấp lại ít người mua. Ví dụ như ở Sơn La, người trồng ngô khốn khổ vì ngô ế, không tiêu thụ được, rớt giá. Rõ là sự vô lý, thậm chí kỳ quặc. Rồi tại Lào Cai, năng suất ngô cũng lên tới 34 tạ/ha nhưng được mùa ngoài đồng, còn mất mùa trong nhà. Ngô thu hoạch xong không tiêu thụ được vì thiếu vắng các doanh nghiệp bao tiêu ngô hàng hóa, ngô mốc, giá càng rớt sâu.

Bà con miền núi vốn nghèo, trông dựa chính vào cây lúa, cây ngô. Nhưng thật buồn là nhìn những nương ngô lên xanh mơn mởn, khi kết bắp chuyển sang màu vàng óng ả, không vui mà lại buồn hơn vì giá quá thấp. Không trồng, bỏ nương thì không đành. Nhưng thấy ngô lên xanh tốt lại lo, lại buồn. Và, cũng chưa thấy ai thoát nghèo được từ những nương ngô tươi tốt ấy.

Bà Vàng Thị Ưởng, thôn Na Áng II, xã Na Hối, huyện Bắc Hà (Lào Cai) than: Năm nay gia đình bà thu được 1,3 tấn ngô, cao hơn năm trước 3 tạ. Bà dự định bán khoảng 1 tấn để lấy tiền mua gạo và chuẩn bị sách vở cho con vào năm học mới, nhưng chưa thấy có ai thu mua.

Vâng, chính vì không ai thu mua, doanh nghiệp không mặn mà mua ngô nội, không ai làm giàu được từ những hạt ngô suốt nhiều chục năm qua nên người dân không muốn mở rộng trồng ngô. Người dân cũng không thể ăn ngô thay cơm mãi khi mà càng trồng, càng lỗ nặng.

Doanh nghiệp nhập khẩu, họ thấy chênh lệch giữa đầu vào và nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu ngô, đem bán lại cho nhà máy chế biến. Họ là đối tượng lãi nhất và đương nhiên cũng không sai. Cơ quan quản lý là ngành Nông nghiệp khi thấy mất cân đối đầu vào đầu ra của cây ngô cũng đã lên phương án chuyển đổi trồng cây lúa sang cây ngô. Nhưng họ chưa tìm ra được lời giải trong bài toán nhiều nghiệm số: là nước nông nghiệp mà cứ phải đi nhập hàng nông nghiệp? Hàng ngàn tấn đậu tương, cà rốt, hành tây.., vẫn được thông quan đều đặn ở cửa khẩu- thì làm sao nông phẩm cùng loại của ta lại không bị thua ngay trên sân nhà. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu ngô ngày càng tăng vọt. Năm 2012, nhập khẩu ngô về Việt Nam từ các thị trường đạt 1.614.473 tấn, trị giá 500.343.869 USD. Năm 2013 kim ngạch nhập khẩu ngô về Việt Nam từ các thị trường đạt 2.188.979 tấn, trị giá 674.843.566 USD. Và thời điểm hiện tại nửa năm 2014 đã bằng cả năm 2013….

Cách đây hơn 1 năm, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân của người nông dân gấp hơn 2,5 lần so với năm 2008. Đến năm 2020 sẽ chuyển hơn 200.000 ha đất lúa sang trồng màu trong đó sẽ dành khoảng 53.000 ha trồng ngô. Và người ta tính rằng, khi chuyển đổi mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, tính ra thu nhập nông hộ tăng tăng gấp 3 lần. Nhưng đó có lẽ sẽ chỉ là sự tưởng tượng, bởi người trồng ngô đang chỉ có những nụ cười héo hắt. Hiện tại các vựa ngô chưa có hướng tiêu thụ trong khi ngô ngoại vẫn ùn ùn đổ vào. Tiếc thay, người trồng ngô tại "các vương quốc ngô” như Sơn La, Lào Cai nếu quay lưng với ngô thì không có cách gì để vươn lên khá giả, nhưng bám vào cây ngô thì cũng thật cũng khó sống!

Ở vùng núi cao phía Bắc, có một món được coi là đặc sản: mèn mén! Món ăn này được chế biến từ hạt ngô. Cây ngô bao đời gắn bó với bà con, là món ăn vừa quen thuộc mỗi ngày. Từ hạt ngô, bà con "chế tác” ra rất nhiều sản phẩm, có không ít món trở thành thương hiệu. Bà con yêu quý cây ngô lắm, nhưng cây ngô lại không mang lại cuộc sống ấm no. Đã thế, nương ngô của bà con lại đang bị "ngô ngoại” đe dọa. Chúng ta vẫn đang tìm lối ra cho con cá tra, cho hạt gạo, cho cao su, cho hồ tiêu... Vậy, lối ra nào cho hạt ngô đây?

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=84959&menu=1451&style=1