Lửa thử vàng, gian nan thử… start-up

Đối mặt với vô vàn khó khăn, từ xu hướng thắt chặt hầu bao của người tiêu dùng, đến việc dòng vốn đầu tư sụt giảm…, nhưng giới khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang cố gắng từng ngày, đưa giấc mơ của mình tiếp tục bay cao.

Điểm sáng trong “mùa đông gọi vốn”

Thông tin từ Financial Times công bố vào quý I/2023 cho thấy, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up trên toàn cầu giảm hơn 50% trong 12 tháng trước đó, do suy thoái kinh tế đè nặng lên việc định giá các nhóm công nghệ non trẻ và khẩu vị nhà đầu tư đã bắt đầu thay đổi.

Tại Đông Nam Á, dữ liệu của Nikkei Asia cũng chỉ ra xu hướng tương tự, khi các start-up trong khu vực chỉ gọi thành công 4,2 tỷ USD vốn đầu tư trong nửa đầu năm nay, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Mùa đông gọi vốn” bao phủ toàn cầu và Việt Nam không ngoại lệ. Riêng mảng công nghệ, theo dữ liệu của Tracxn, tổng vốn đầu tư vào các start-up công nghệ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 giảm 82% so với cùng kỳ năm trước (từ 372 triệu USD, xuống còn 66 triệu USD). Nguyên nhân được lý giải chủ yếu là do nền kinh tế toàn cầu biến động mạnh, sự phục hồi không đồng đều sau Covid-19, lạm phát tăng… khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc rót vốn.

Tuy nhiên, điểm sáng là trong quý II/2023, Việt Nam đã vượt qua Indonesia để giữ vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp, với tổng vốn huy động là 413 triệu USD.

Thương vụ gọi vốn nổi bật nhất trong nửa đầu năm 2023 phải kể đến BuyMed, start-up sở hữu nền tảng thương mại điện tử thuocsi.vn. Theo công bố hồi tháng 5/2023, BuyMed đã hoàn tất vòng gọi vốn Series B trị giá 51,5 triệu USD, được dẫn dắt bởi UOB Venture Management, công ty con thuộc sở hữu 100% của Ngân hàng UOB (Singapore). Số vốn này chiếm tới 80% tổng lượng vốn các start-up công nghệ Việt huy động được trong nửa đầu năm 2023.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư vào start-up công nghệ đang chững lại, BuyMed “lội ngược dòng” thành công nhờ mô hình hiệu quả, tối ưu hóa quy trình phân phối trong ngành dược và tạo tác động tốt đối với xã hội. Thành công của BuyMed là sự khích lệ rất lớn đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

“Nguồn cảm hứng này không nằm ở việc gọi vốn ‘thành công’ với số tiền gọi được ‘khủng’ ra sao, mà nằm ở cách BuyMed thuyết phục được các nhà đầu tư khó tính nhất, bằng hành trình phát triển bền bỉ, cùng với tầm nhìn lớn và năng lực thực thi sắc sảo của mình. BuyMed xứng đáng được biết đến nhiều hơn với nhiều bài học quan trọng về cách một start-up phát triển bằng giá trị”, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam chia sẻ.

Tiếp nối thành công của BuyMed, nhiều start-up công nghệ Việt Nam cũng gây ấn tượng với các vòng gọi vốn triệu USD. Tháng 7/2023, GIMO (cung cấp giải pháp ứng lương linh hoạt) và Vuihoc (nền tảng học online) hoàn tất vòng gọi vốn với tổng vốn huy động lần lượt là 17,1 triệu USD và 6 triệu USD, dưới sự dẫn dắt của Quỹ Đầu tư mạo hiểm TNB Aura.

Mới đây nhất, cuối tháng 8, Mfast (nền tảng phân phối sản phẩm tài chính thông qua mạng lưới cộng tác viên) đã huy động thành công 6 triệu USD trong vòng Series A.

Phát huy sức mạnh nội sinh

Nếu các start-up công nghệ Việt Nam chứng minh tính khả thi và hấp dẫn của mô hình kinh doanh qua những vòng gọi vốn mới, thì với các start-up truyền thống, giai đoạn khó khăn này chính là lúc họ quay về và phát huy sức mạnh nội sinh để đứng vững giữa thị trường đầy biến động.

Nguyễn Văn Hoang, sáng lập thương hiệu giày da Banuli chia sẻ, 2 năm đại dịch Covid-19 là cơ hội để Banuli nhìn lại con đường phát triển. Thay vì vừa sản xuất vừa tự mở cửa hàng, start-up chuyển sang tập trung phát triển sản xuất và nhượng quyền thương hiệu. Nhờ vậy, Banuli tiếp tục trụ vững trong năm 2023 với xưởng sản xuất riêng rộng 300 m2 và hệ thống 4 cửa hàng nhượng quyền.

“Chúng tôi đặt mục tiêu tồn tại và phát triển một cách bền vững. Doanh nghiệp xác định sẽ tối ưu chi phí, tích lũy tài chính, từng bước đầu tư xây dựng nền tảng kỹ thuật công nghệ cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo”, Nguyễn Văn Hoang chia sẻ.

Điều đáng nói là, trong khi các start-up công nghệ ngày càng bị đánh giá khắt khen hơn, thì ngược lại, những start-up theo đuổi mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) đã tìm được sự ủng hộ, quan tâm của nhiều quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế.

Hồ Thái Bình, đồng sáng lập, Giám đốc Survival Skills Vietnam (chuyên cung cấp kiến thức, kỹ năng sơ cứu cho cộng đồng) cho biết, họ đã lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và dự kiến hoàn thành mục tiêu của năm nay.

Tương tự, Hà Tiến Đạt, nhà sáng lập Youth+ (hệ sinh thái rèn luyện kỹ năng và hướng nghiệp cho người trẻ) đang tranh thủ sự ủng hộ của các nhà đầu tư chú trọng đến các vấn đề cộng đồng, xã hội để hoàn tất vòng gọi vốn thứ hai.

Tại một sự kiện khởi nghiệp cách đây không lâu, ông Philipp Rösler, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Phó thủ tướng Đức cho rằng, khủng hoảng là cơ hội để các start-up tạo ra sự dịch chuyển, thay đổi. Như trong đại dịch Covid-19, vắc-xin không đến từ các tập đoàn dược phẩm hàng đầu, mà từ những công ty non trẻ trên thị trường.

“Sẽ luôn có nhiều khủng hoảng diễn ra trong cuộc sống, công việc… Điều quan trọng là luôn phải đứng lên, học được những bài học giá trị”, ông Philipp Rösler nhấn mạnh.

Lượng vốn rót vào các thị trường khởi nghiệp Đông Nam Á trong nửa đầu 2023 (đơn vị: triệu USD). Nguồn: Data Vantage

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lua-thu-vang-gian-nan-thu-start-up-d200752.html