Lừa đảo 'tuyển dụng trực tuyến' vẫn ngang nhiên hoạt động

Tuyển dụng trực page, đăng bài, chốt đơn, review sản phẩm... là những công việc trực tuyến (online) vẫn được phủ sóng khắp không gian mạng. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng đua nhau giăng bẫy lừa đảo.

Vẫn là bài ca “việc nhẹ lương cao”

Xu hướng tìm kiếm việc làm online vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; “tìm việc làm” là một trong 3 cụm từ được mọi người tìm kiếm nhiều nhất năm 2023. Tuy nhiên, người lao động lại đang rơi vào tình cảnh “lành ít, dữ nhiều” khi tìm kiếm việc làm online. Bởi giờ đây các trang tuyển dụng giả mạo thương hiệu, doanh nghiệp, tổ chức lớn và uy tín nhằm lôi kéo sinh viên, người lao động tìm đến xin việc rồi tìm cách tung ra những lời đường mật dẫn dắt người xin việc lạc vào “ma trận” thông tin, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo trên không gian mạng diễn ra ngày càng tinh vi. Ảnh nguồn Internet

Với mong muốn kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, bạn T - sinh viên một trường đại học đã đăng ký tuyển dụng làm online mà không thể ngờ rằng đây chính là cái bẫy: “Lướt các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook hay các bài đăng Tiktok với tiêu đề kiếm 5-10 triệu tại nhà với công việc trực page nghe vô cùng hấp dẫn và nhiều người cũng bình luận đã tìm kiếm được công việc từ đây nên em đã không ngần ngại mà đăng ký. Nhắn tin với nhà tuyển dụng, họ yêu cầu em giới thiệu bản thân, tuổi, nơi sinh sống... Sau đó, họ bắt em cài app rồi nạp tiền. Phải qua khảo sát online, thực tập các bước nhiệm vụ mới được vào vòng phỏng vấn trực tiếp.

Sau đó, họ thêm em vào nhóm làm việc có khoảng 6 -7 thành viên. Vài nhiệm vụ đầu làm xong em có nhận tiền và rút được về tài khoản nhưng khi số tiền nạp vào lớn thêm em có tỏ ra nghi ngờ, không muốn đóng thêm và dừng công việc thì có tài khoản trong nhóm làm việc nhắn tin đến trấn an: "Cứ yên tâm đi, chị nhà bác tớ làm cho công ty 3 năm rồi. Chị ấy bảo cứ làm theo các anh ấy, không lo gì đâu. Có vấn đề gì chị ấy chịu trách nhiệm. Tớ đã nhận lại tiền, vừa nhận tháng lương đầu tiên, lương khá lắm.” ".

“Nhà tuyển dụng” mô tả công việc chốt đơn ảo. Ảnh chụp màn hình

Tiếp theo, để “mồi” em, họ hứa hẹn số tiền thu lại sẽ cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi số tiền đã nạp. Nhưng dù có nạp bao nhiêu, số tiền trong app nhiều mấy cũng không thể nào rút được. Ban đầu, số tiền nộp vào chỉ khoảng vài trăm sau đó tăng dần lên vài triệu. Mặc dù, em nạp xong lần ba với số tiền rất lớn cũng không thể lấy lại được tiền, lúc này “nhà tuyển dụng” báo: "Vì em đã nạp sai lệnh, nên mất tiền và muốn lấy lại phải nạp thêm hoặc làm tiếp nhiệm vụ khác.” Và khi phát hiện bị lừa em có gọi điện đòi tiền nhưng họ nhanh chóng xóa toàn bộ tin nhắn, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại không còn cách nào liên lạc.

Mỗi một lần bình luận được 10.000 đồng, chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản sau mỗi ca làm, một ca có thể kiếm từ 300.000 đến 500.000 đồng, chị O - mẹ bỉm sữa từ người muốn kiếm thêm thu nhập trở thành con nợ lúc nào không hay: “Họ giới thiệu đây là công việc review sản phẩm cho sàn thương mại điện tử Shopee, Sen đỏ, Tiki, Lazada... mỗi người chỉ được đánh giá 4 sản phẩm. Nếu muốn tham gia thì phải chuyển khoản số tiền tương ứng với sản phẩm đánh giá. Không mấy nghi ngờ, tôi đã chuyển khoản 80 triệu đồng để đánh giá 4 sản phẩm với hy vọng nhận lại 8 triệu tiền review trích 10% hoa hồng trên giá trị sản phẩm theo như trao đổi ban đầu với “nhà tuyển dụng”. Nhưng đúng “đời không như mơ” đi vay tiền với mong muốn đổi lại được tiền nhưng cuối cùng lại mang nợ.”

Nhiều người “đâm lao phải theo lao”. Ảnh chụp màn hình

Phải làm gì để tránh sập “bẫy”?

Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Trong trường hợp đối tượng thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích hoặc hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến ANTT an toàn xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chế tài phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp hành vi chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị xử lý hình sự với khung cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước chiêu lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Về phía người dân, cần chủ động nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Cẩn trọng khi truy cập vào các website, cài đặt ứng dụng (app); đặc biệt là phải để ý kỹ các tên miền của website khi đăng ký tuyển dụng. Mặt khác, trong trường hợp phát hiện bị lừa đảo hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, người dân phải đến ngay cơ quan công an trình báo, cung cấp thông tin nhằm xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lan Phú

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lua-dao-tuyen-dung-truc-tuyen-van-ngang-nhien-hoat-dong/30504.htm