Lựa chọn

Lựa chọn, chọn lọc, chọn lựa, chọn, theo Từ điển tiếng Việt là: “Xem xét, so sánh để lấy cái hợp yêu cầu trong nhiều cái cùng loại”, hoặc: “Chọn lấy cái tốt, cái tinh túy trên cơ sở loại bỏ nhiều cái cùng loại”.

Minh họa: Ion Chiosea.

Lựa chọn là một công việc hết sức quan trọng theo ta trong suốt cả cuộc đời. Nếu lựa chọn đúng, đời ta sẽ đỡ vất vả, được thuận buồm xuôi gió. Nếu lựa chọn sai, sẽ khổ cả một đời.

Bài viết nhỏ này chỉ dám đề cập đến ba lựa chọn cơ bản:

Lựa chọn cách sống,

Lựa chọn nghề nghiệp,

Lựa chọn hôn nhân.

1. Lựa chọn cách sống:

Chúng ta không thể lựa chọn được cha mẹ, không thể lựa chọn được gia đình để sinh ra (giàu, nghèo, ở nông thôn, ở thành thị, ở nước giầu, ở nước nghèo ...), nhưng ta có thể chủ động lựa chọn được cách sống lương thiện, khoa học, hợp với pháp luật và đạo lý làm người (theo ý kiến chỉ dẫn của các bậc tiền bối như Jean Jacques Rousseau, như Gœthe đã nêu rõ trong các tác phẩm Giáo dục Đạo đức).

Lúc bé, còn sống với cha mẹ trong gia đình, phải biết yêu thương, biết ơn, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, vì:

Cá không ăn muối, cá ươn,
Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.

Vì cha mẹ hết lòng yêu thương con, hy sinh tất cả vì con, lúc nào cũng chỉ mong cho con được trưởng thành, được thuận lợi. Nhiều bạn trẻ do chưa có kinh nghiệm sống đã hiểu lầm là cha mẹ do có trình độ văn hóa thấp nên lời nói có ít trọng lượng. Đây là nhận thức sai hoàn toàn, vì “Trứng làm sao khôn hơn vịt được”. Nhiều người muốn thoát khỏi nền giáo dục gia đình, muốn thoát khỏi giáo lý khắt khe của cha mẹ, nên đã phải hứng chịu những hậu quả đau đớn, nhục nhã ê chề.

Khi lớn lên, đi học, đi làm nên tuân theo hai sức mạnh cơ bản của con người là: Tuân thủ theo pháp luật và Tuân thủ theo Đạo lý làm người. Cứ giữ vững hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời này, chắc chắn ta sẽ thành công và không bao giờ phải hối tiếc.

2. Lựa chọn nghề nghiệp:

Đây là một câu chuyện vừa khó vừa dễ. Cơ bản là vấn đề nhận thức. Có một thời, do tính ganh đua theo lối tiểu nông manh mún, theo kiểu “Con gà tức nhau tiếng gáy”, ganh đua trong họ, trong làng, có gia đình bán cả ruộng vườn, nhà cửa cho con cố học đại học, rút cục đói khổ cả một đời. Hiện nay Nhà nước, bộ Giáo dục và Đào tạo đã có định hướng cho các em là nên cố gắng học xong Trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp, thì hoặc đi học nghề (trong nước, ngoài nước, dưới dạng xuất khẩu lao động, xuất khẩu thực tập sinh ...), hoặc học đại học tùy theo sức học và hoàn cảnh gia đình. Cần tránh các tư tưởng a dua, đua đòi, chạy theo ảo vọng hão huyền làm khổ cha mẹ.

Nhìn vào bức tranh xã hội hiện nay, không ai dám kết luận là nghề nào tốt hơn nghề nào, nên nghe theo lời dạy cũ: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nghĩa là: Cứ tinh thông, thành thạo, yêu nghề, gắn bó với nghề, con người sẽ có hạnh phúc, sẽ có tương lai. Cần chú trọng đến câu cách ngôn cũ nhưng luôn luôn mới, luôn luôn đúng, đó là: “Chỉ có con người xấu chứ không có nghề nghiệp xấu”.

3. Lựa chọn hôn nhân:

Không có cách sống đúng, con người sẽ gục ngã, nên đây được coi là số một, là cực kỳ quan trọng, cực kỳ sinh mạng (vital), là quyết định tất cả.

Không có nghề nghiệp thích hợp với bản thân, sẽ phí hoài cả một cơ hội được sống làm người. Đáng lẽ có cống hiến, có niềm vui dâng hiến, có niềm vui nghề nghiệp, có niềm vui đồng nghiệp thì lại mất cơ hội. Vì thế phải rất thận trọng, rất khôn ngoan khi lựa chọn một nghề để ta theo đuổi suốt đời. Đây là tầm quan trọng thứ hai của lựa chọn.

Lựa chọn thứ ba, tức là lựa chọn một hôn nhân đúng đắn để mang lại hạnh phúc lâu dài cũng quan trọng, nhưng chỉ xếp thứ ba trong lựa chọn của con người. Vì sao? Vì hàng trăm năm nay, trên toàn thế giới có biết bao nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng được ca ngợi, được tôn vinh mà trong đời sống riêng họ là những người độc thân, không có vợ con. Đành rằng hôn nhân sẽ giúp cho việc sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống, phát triển dân số trẻ để có người lao động, nhưng những mặt trái cũng có nhiều, cũng nhiều “tai biến”, nhiều “biến chứng”, nhiều “phản ứng phụ” nếu không được lựa chọn, cân nhắc, suy đi, tính lại một cách đúng đắn.

Chỉ xin lấy vài dẫn chứng qua ca dao bình dân của người xưa để lại, đủ làm các cô gái, chàng trai đang tuổi kén vợ kén chồng phải rụt dè, e ngại. Câu ca dao mang tính tổng quan:

Gái khôn tránh khỏi đò đưa,
Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta,

cũng gây nên sự băn khoăn vô bờ bến. Vì biết thế nào được, ai biết việc “đò đưa” đã diễn ra bao nhiêu lần, ai đã qua một lần đò, hai lần đò, ba lần đò, chịu. Còn trai khôn tránh lấy “vợ thừa người ta” cũng lại càng khó, nhất là trong thời buổi phẫu thuật tạo hình có nhiều kỹ thuật “chắp đi vá lại” tiến bộ không ngừng.

Có cô con gái xinh đẹp, hơ hớ xuân xanh nhưng không có điều kiện tìm hiểu ai, cũng bị cha mẹ, làng xóm, họ hàng vừa giục giã vừa “đe dọa”:

Cô kia má đỏ hồng hồng
Cô chưa lấy chồng còn đợi chờ ai.
Buồng không lần lữa hôm mai,
Đầu xanh mấy chốc da mồi tóc sương.

Nhanh lên, vội lên không thì ế đấy nhé. Thật là tội nghiệp, thật vất vả cho những ai đang trong thời kỳ kén chọn người bạn trăm năm.

Các tác giả phương Tây bàn về hôn nhân phần nhiều mang tính gợi mở, tổng quát. Người Anh cổ tỏ ra rất khôn ngoan khi dạy con cháu rằng: “Hôn nhân là một đĩa thức ăn đậy nắp kín, chẳng ai biết rõ bên trong có gì” . Trong cái đĩa thức ăn tù mù sương khói ấy, nếu ta cứ hăng hái đón nhận, nếu may ta được đĩa thức ăn ngon, ta cảm ơn cuộc đời. Còn nếu ta không may gặp phải đĩa có thức ăn dở, ta cũng đành phải ngậm ngùi mà cảm ơn cuộc đời. Mấy ai đã đủ dũng cảm mà đổ đĩa thức ăn ấy đi. Nếu cứ mạnh dạn đổ đi, nếu chọn đĩa khác, chẳng may còn thảm hại hơn đĩa cũ thì sao? Chẳng bõ làm trò cười cho thiên hạ. Chả thế mà một nhà triết học tài ba của Hoa kỳ, ông Benjamin Franklin (1706 – 1790) đã dặn dò: “Hãy mở to mắt trước khi kết hôn, còn sau khi kết hôn cứ đành mắt nhắm, mắt mở” .

Vì sao thế? Rất dễ hiểu, trước khi quyết định cưới ai làm vợ, người đàn ông cần mở to mắt hết cỡ xem có còn điều gì băn khoăn, lưỡng lự, đắn đo, cân nhắc, bàn luận thêm nữa không. Nếu đã quyết rồi thì sau khi cưới, gặp phải việc không hay cũng đành nhắm mắt làm ngơ, cho êm mọi chuyện. Đành đóng vai hề, nửa tỉnh, nửa mê để giữ cho đúng kịch bản “Trong ấm ngoài êm”, hoặc theo tinh thần “Xấu chàng hổ ai”, theo đường lối “Đóng cửa bảo nhau”, theo phương châm “Trong héo ngoài tươi”, hoặc “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Nhà thơ nổi tiếng của xứ sương mù Colley Cibber đã tổng kết một cách tài tình cái vị đắng hôn nhân trong câu thơ ai oán: “Ôi đã có biết bao đau đớn vật vã nằm trong chiếc vòng tròn nhỏ xíu của chiếc nhẫn cưới”. Cũng tại nước Anh đầy sương mù triết lý này, có tác giả John Ray cũng dặn dò kỹ lưỡng biện pháp quan trọng để tránh khỏi vị đắng hôn nhân, đó là: “Kết hôn vội vã, hối tiếc dài dài”.

Có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha cổ, ai đọc cũng thấy buồn cười. Ai cũng cho nội dung câu này là hơi quá đáng, là thậm xưng. Nhưng nhiều “nạn nhân” sau hôn lễ lại nhận xét là câu này quá đúng, quá chuẩn (không cần chỉnh). Đó là câu: “Chọn vợ chọn chồng cũng may rủi như chọn quả dưa hấu. Nếu gặp may, có khi cũng chọn được quả ngon”.

Cũng theo cái ý tứ này, tác giả Ben Johnson (1633) đã xác định rõ ràng: “Hôn nhân thực ra cũng may rủi như trò chơi xổ số mà thôi”.

Tác giả A.Bougeard (1856), một nhà triết học kiêm thi sỹ Pháp đã mô tả hôn nhân rất thú vị khi ông nói: “Hôn nhân chẳng qua là việc dịch một bài thơ tình ái thành một đoạn văn xuôi tầm thường”.

Người Ý cổ đại thì thiết thực hơn, cụ thể hơn khi đánh giá hôn nhân: “Hôn nhân cũng như món mỳ ống, chỉ ăn nóng mới ngon”. Đọc xong câu này ai cũng rùng mình nghĩ đến hôn nhân cũng như nghĩ đến đĩa mỳ ống đã nguội tanh nguội ngắt.

Sau khi đã trích dẫn nhiều lời khuyên phải trái về hôn nhân và gia đình, nếu chàng trai cô gái nào vẫn quyết tâm theo đuổi, thì hãy nên ghi nhớ suốt đời cái nguyên lý sau đây do bậc thày Jean Jacque Rousseau đã xác định giúp chúng ta: “Cộng đồng hôn nhân bao gồm ông chủ, bà chủ và 2 kẻ nô lệ. Tổng cộng tất cả gồm có 2 người”!

Trần Hữu Thăng

Từ khóa

lựa chọn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/lua-chon/135188