Lựa chọn giữa “phát triển lớn” và “phát triển nhỏ”

SGTT.VN - Với những người không thạo tin, quy trình bổ nhiệm bác sĩ Jim Yong Kim, người đứng đầu trường Dartmouth College, vào vị trí chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) có vẻ như công khai và dân chủ: thông qua người đại diện ở ban giám đốc của Ngân hàng Thế giới, 180 quốc gia đều có quyền quyết định việc này. Nhưng thực ra quá trình bầu chọn chỉ là hình thức.

Ông Jim Yong Kim, tân chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Reuters

Với sự ủng hộ của châu Âu và Nhật Bản, Mỹ có đủ số phiếu để đặt ứng cử viên của mình vào vị trí cao nhất. Nhưng toàn bộ quá trình – kết quả của một việc mà về cơ bản là một cái kết đã được đoán trước, vì thỏa thuận tồn tại lâu nay rằng Mỹ chọn người lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, còn châu Âu chọn người lãnh đạo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – đã làm cho nhiều nước đang phát triển thấy bị xúc phạm.

Vào hôm 13.4, ông José Antonio Campo, cựu bộ trường tài chính Columbia bỏ cuộc, gọi quá trình bầu chọn chủ tịch Ngân hàng Thế giới là một “thao tác chính trị”. Sự rút lui của ông Campo làm giảm bớt sự phức tạp trong việc chọn lựa khi chỉ còn lại hai ứng cử viên là bác sĩ Jim Yong Kim và bà Ngozi Okonjo-Iweala, bộ trưởng tài chính Nigeria. Nếu trúng cử, bà Okonjo-Iweala sẽ trở thành nữ chủ tịch đầu tiên và chủ tịch người Phi đầu tiên của WB. “Anh biết đấy, việc này không thực sự được quyết định dựa trên thực lực. Nó được bỏ phiếu với sức nặng và sự phân chia chính trị, và vì vậy, Mỹ sẽ giành được”, bà Okonjo-Iweala nói với phóng viên trước khi có tin ông Kim nhậm chức chủ tịch.

Rõ ràng thì quá trình tuyển chọn chỉ là hình thức. Trong khi ông Campo và bà Okonjo-Iweala xuất hiện trên các diện đàn công khai mà Trung tâm phát triển toàn cầu ở Washington tổ chức vào tuần trước, ông Kim đã bay vòng quanh thế giới, tìm kiếm sự ủng hộ của các cổ đông Ngân hàng Thế giới, đặc biệt là Nga, các nước châu Âu, những bên có thể bỏ phiếu cho đối thủ của ông. Ngân hàng Thế giới không phải là một quỹ từ thiện hay là một câu lạc bộ tranh luận. Đó là một tổ chức tư vấn về kinh tế kết hợp môi giới cho vay, và có cách thức bỏ phiếu đặc biệt trao cho Mỹ hơn 14% phiếu bầu, tỉ lệ này chủ yếu dựa vào số tiền mà nước này đóng góp cho Ngân hàng Thế giới.

Trong bất cứ trường hợp nào thì điều quan trọng nhất không phải là ứng viên được chọn như thế nào, mà là những gì Ngân hàng Thế giới có thể làm để cải thiện số phận của những người nghèo nhất thế giới và cách thức mà sứ mệnh của cơ quan này có thể thay đổi trong thời buổi mà nhiều nước nghèo trước đây như Trung Quốc, Ấn Độ đang tiến nhanh đến vị trí các nước có thu nhập trung bình. Trước bối cảnh này, việc lựa chọn giữa bà Okonjo-Iweala và ông Kim đã đưa đến nhiều nghịch lý. Người phụ nữ châu Phi uy tín này đại diện cho phương thức truyền thống tiếp cận phát triển kinh tế, và vị bác sĩ đại diện cho một cách thức mới – hay ít nhất ông ta có thế như vậy (vì ông ta ít nói, nên không ai có thể chắc chắn).

Ngân hàng Thế giới đã làm nhiều việc liên quan đến các vấn đề y tế, giáo dục, môi trường. Nhưng từ khi thành lập vào năm 1944, vai trò chính của tổ chức này là cho chính phủ các nước đang phát triển vay tiền với các quy định ưu đãi để thực hiện các dự án về thủy lợi, đường sá, cầu cống, nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Phương thức này đã có hiệu quả như thế nào là việc vẫn còn là đề tài được đang được bàn đến nhiều. Từ rất sớm, những người lạc quan, những người hi vọng từ rất sớm rằng các nước nghèo có thể phát triển nhờ vào nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ, đã thất vọng. Một số nhà phê bình cho rằng hầu hết viện trợ đã bị lãng phí và chỉ làm chỗ dựa cho các chính phủ tham nhũng. Như ở một số nơi, chẳng hạn như Tanzania, Ghana, và Kenya— có những câu chuyện về sự thành công của Ngân hàng Thế giới.

Ngày nay, Ngân hàng Thế giới đi theo một phương thức nước đôi là vừa cung cấp vốn cho các đầu tư cần thiết nhất của các chính phủ, vừa đẩy mạnh các tác động thị trường. Nếu Okonjo-Iweala được giao làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới, bà chắc chắn sẽ tiếp tục theo phương thức này. Bà thực sự là một người tài giỏi. Sau khi lấy bằng tiến sĩ ở MIT vào năm 1991, bà đã dành nhiều năm làm việc ở Ngân hàng Thế giới, và cuối cùng trở thành một cấp phó chủ chốt của ông Robert Zoellick, chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Trong một thư giới thiệu công khai một số cựu quan chức của Ngân hàng Thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ với bà, rằng bà “sẽ có sự kết hợp giữa các kinh nghiệm của một bộ trưởng ngoại giao và tài chính của một quốc gia châu Phi rộng lớn và phức tạp, với kinh nghiệm sâu rộng về việc làm việc với các cấp nhân sự trong Ngân hàng Thế giới ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, từ các nhà kinh tế nông nghiệp, đếnn các giám đốc điều hành”.

Còn ông Kim sẽ làm gì khi ông nhận nhiệm vụ? Trong phát biểu đề cử ông Kim vào tháng trước, tổng thống Mỹ Barrack Obama cho biết: “Giờ là lúc cho một chuyên gia về phát triển lãnh đạo một cơ quan phát triển lớn nhất thế giới”. Hơi quá! Ông Kim là một chuyên gia về y tế hơn là về phát triển kinh tế. Ông đã làm việc ở các nước nghèo, Peru, về xây dựng các hệ thống y tế công. Nhưng kinh nghiệm của ông trong việc điều hành các tổ chức phát triển lớn chỉ là hai năm ở vị trí đứng đầu ban AIDS/H.I.V. của tổ chức Y tế Thế giới. Mà theo Lant Pritchett, một nhà kinh tế của Trường kinh tế Kennedy của đại học Harvard, và từng có 10 năm làm việc ở Ngân hàng Thế giới thì: “Có sự khác biệt lớn giữa việc tiến hành các hoạt động phát triển và các hoạt động nhân đạo để giảm nhẹ các hệ quả của sự thiếu phát triển. Bà Okonjo-Iweala đã làm công việc liên quan đến phát triển ở nhiều chức vụ và vị trí cả ở Nigeria và ở Ngân hàng Thế giới. Kim xứng đáng được ngợi khen vì đã cống hiến thời gian, tài sức vào y học để cải thiệu việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các nước đang phát triển – những nước chắc chắn là một thành phần của sự phát triển – nhưng kinh nghiệm làm những việc về phát triển của ông chỉ giới hạn trong một khu vực.

Có sự lo ngại rằng việc chọn ông Kim cho thấy một sự giảm bớt các nỗ lực kích thích sự phát triển toàn diện, mà thay vào đó là một sự chuyển đổi theo hướng xử lý các vấn đề cụ thể không nhất thiết là kinh tế, chẳng hạn như các vấn đề về bệnh dịch hay các vấn đề về suy dinh dưỡng.

Trong một bài viết đăng trong phần blog kinh tế của Ngân hàng Thế giới, nhà xã hội học Michael Woolcock đã làm việc cho Ngân hàng Thế giới từ năm 1998 cho rằng tổ chức này đã đối mặt với việc lựa chọn giữa “phát triển lớn” và “phát triển nhỏ”. Woolcock viết: “Hai tầm nhìn về phát triển này không tương thích nhau… nhưng sự tương phản giữa chúng rất đáng nói và có tầm quan trọng đáng kể đối với việc làm thế nào để xác định các ưu tiên phát triển, làm thế nào để xác định các nguồn lực, và làm thế nào để đưa ra các quyết định phức tạp”.

Là chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Kim sẽ có trách nhiệm xác định triết lý chung và giúp quyết định tiền của tổ chức này được chi ở đâu.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/quoc-te/163074/lua-chon-giua-%e2%80%9cphat-trien-lon%e2%80%9d-va-%e2%80%9cphat-trien-nho%e2%80%9d.html