Lựa chọn đầu tư vào FDI, cần tránh tư duy “sính ngoại”

Sau buổi tọa đàm giữa Ngân hàng nhà nước (NHNN) với cộng đồng châu Âu mới đây, vấn đề các ngân hàng cho doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vay vốn tiếp tục gây nhiều tranh cãi trái chiều.

Ảnh minh họa.

Nhận định về vấn đề này ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) lưu ý: Lựa chọn đầu tư vào FDI , chúng ta cần tránh tư duy “sính ngoại”.

Các ngân hàng thương mại “thích” cho FDI vay?

Mới đây, trong buổi tọa đàm giữa Ngân hàng Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, con số 40 tỷ USD dự trữ ngoại hối được nêu ra như một cam kết về ổn định tỷ giá để giúp các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Giảm bớt gánh nặng về tỷ giá có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam. Cùng với đó, lâu nay việc các ngân hàng Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho doanh nghiệp FDI vay vốn cũng là một trong những động lực thu hút các doanh nghiệp này, tuy nhiên, hiện còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề có nên cho FDI vay vốn trong nước?

Cụ thể, theo ý kiến từ phía đại diện một ngân hàng, thì trong thời gian tới, xu hướng vay ngân hàng thương mại trong nước của các doanh nghiệp FDI sẽ ngày càng phổ biến hơn, tăng cao hơn và xu hướng này là không thể ngăn cản vì các dự án FDI thường là “tốt”. Vị này cũng nhận định, đây là việc mà các nước có mong muốn thu hút FDI phải khuyến khích, vì nó gia tăng tính cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia với nhau.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chúng ta nên đối xử công bằng với các doanh nghiệp, dù là FDI hay doanh nghiệp trong nước. Điều quan trọng ở đây là ngân hàng thẩm định thấy doanh nghiệp nào có tiềm năng, có khả năng sinh lợi thì họ có quyền cho vay và “tiền nào cũng là tiền” dù do doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp đóng góp.

“Chúng ta đang vận hành theo nền kinh tế thị trường nên cũng cần để thị trường điều tiết những vấn đề liên quan tới thị trường vốn như hiện nay”, ông Hiếu nhận xét.

Cần thận trọng, không nên có tư duy “sính ngoại”!

Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp FDI vay vốn thì chẳng khác nào “lấy mỡ nó rán nó”, tận dụng nguồn vốn của nước sở tại để thực hiện dự án chứ không đưa vốn từ nước ngoài vào như chúng ta vẫn tưởng. TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 15 năm trở lại đây mới có hiện tượng các doanh nghiệp FDI vay vốn ngân hàng trong nước. Hiện tượng này chưa thật phổ biến, tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý, bởi tiêu chí về vốn vẫn là tiêu chí quan trọng để thu hút FDI.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, việc cho FDI vay vốn vô tình gây nên tình trạng cạnh tranh, giành giật vốn với các doanh nghiệp nội. Có cái nhìn đa chiều hơn, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: Chúng ta cần có cái nhìn đa diện hơn về vấn đề doanh nghiệp FDI vay vốn trong nước. “Hiện chưa có văn bản pháp luật nào cấm việc doanh nghiệp FDI vay vốn ngân hàng trong nước, vì vậy việc này vẫn đang là hợp pháp, hợp lệ”.

Hiện nay có 2 kênh chính để doanh nghiệp FDI huy động vốn trong nước: Vay vốn từ các ngân hàng thương mại, huy động vốn từ khách hàng, chủ yếu từ các dự án bất động sản khi dự án đang triển khai. “Trường hợp huy động từ phía khách hàng họ đã làm nhiều”, ông Toàn chia sẻ.

Theo ông Toàn, để hiểu vấn đề rõ ràng hơn, chúng ta cần xem việc nhà đầu tư nước ngoài huy động vốn trong nước có ảnh hưởng xấu tới thị trường vốn Việt Nam không?

Tuy nhiên, hiện nay chưa có khảo sát nào đánh giá các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì họ huy động bao nhiêu %, nợ xấu bao nhiêu % và cũng chưa ai thống kê để so sánh tỉ lệ đó với các doanh nghiệp trong nước.

“Những thống kê này là rất quan trọng để tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp”, ông Toàn nhận định. Từ những nghiên cứu đó, một mặt tìm ra nguyên nhân, giải pháp giúp các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả hơn.

“Một mặt, trong trường hợp việc huy động vốn của các doanh nghiệp FDI thực ảnh hưởng xấu tới huy động vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, như làm lãi suất tăng cao hơn, ảnh hưởng tới tiếp cận vốn của doanh nghiệp thì chúng ta cũng cần có những rào cản kỹ thuật và việc này nước nào cũng làm cả”, ông Toàn nhận mạnh.

Ông Toàn cảnh báo thêm rằng: Với việc FDI huy động vốn từ khách hàng, chúng ta cũng cần lưu ý để làm sao kiểm soát việc lách luật, khi mới chỉ có miếng đất, chưa làm xong nền, xong mong đã ký hợp đồng góp vốn. Bản thân khách hàng cần tỉnh táo hơn khi đầu tư góp vốn vào FDI, tránh tư duy “sính ngoại”, nghĩ cái gì của nước ngoài cũng là tốt.

NGUYỄN THOAN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/lua-chon-dau-tu-vao-fdi-can-tranh-tu-duy-sinh-ngoai-2045683.html