Lũ rừng

Tôi dẫn đoàn khách du lịch 23 người đến suối Nước Ngập. Đường đi uốn quanh sườn núi, phương Bắc đón chúng tôi bằng sương mờ trắng đục mùa đông và những khúc cua chữ C trên hành trình khiến cả đoàn một phen hú vía. Chiếc xe limousine của Green Travel đỗ lại ở đầu bản. Cái rét đợi sẵn bên ngoài, đến khi cánh cửa mở ra, gió miền núi lập tức ùa vào khiến khách miền xuôi rùng mình hai tay khoanh vào nhau bước xuống xe cun cút đi dưới mùa đông rét mướt.

Tôi đã quen với cái lạnh quanh năm xứ Tây Bắc. Ngày tôi còn nhỏ, hễ tiết trời sắp lập đông là mẹ tôi lại tất bật xuống chợ phiên mua mớ vải vóc, kim chỉ, len màu… về may áo cho chúng tôi. Chúng tôi thường tranh nhau tấm áo đầu tiên. Lần nào cũng vậy, tôi là anh nên nhiệm vụ của tôi là phải nhường lại áo ấm cho em gái, còn tôi mặc tạm áo cũ của đông năm trước.

Mấy hôm sau mẹ tôi lại xuống chợ phiên, lần này mẹ đi một mình, vai gùi ngô cùng lỉnh kỉnh những thứ nông sản khác. Mùa đông, bóng mẹ thập thững rồi khuất hẳn trong sương mờ giăng mắc trên con đường quanh co xuống núi. Mẹ đi từ sớm, đến khi mặt trời lửng lơ trên đỉnh núi thì mẹ trơ về, trong gùi không còn ngô mà đựng những thứ lặt vặt mẹ mua được từ phiên chợ.

Mẹ gọi tôi đến, mẹ lấy từ dưới đáy gùi lên tấm áo ấm màu tro còn mới tinh. Chiếc áo ấy tôi đã mặc không biết bao nhiêu mùa đông lạnh, tôi lớn lên, tấm áo không còn vừa vặn nữa, mẹ tôi mang tấm áo đi cho đứa trẻ nghèo dưới bản Vạc. Tôi tỏ vẻ không ưng, mẹ xoa dịu sự tiếc nuối của tôi bằng giọng trầm ấm lạ thường: hạnh phúc là cho đi.

Minh họa: Hoàng Tường

“Hạnh phúc là cho đi” – câu nói của mẹ đã theo tôi đến tận bây giờ.

Tôi tìm thấy hạnh phúc của mình trong nụ cười và sự bình an nơi người khác. 25 tuổi, tôi trở thành hướng dẫn viên của Green Travel, nay đây mai đó, khi dẫn khách ngược lên Mai Châu, Bản Lác, Mường Lay, khi ngược về sông Hồng, Hải Dương, những thành phố sầm uất nằm bên bờ vịnh Bắc Bộ xinh đẹp.

Bản tôi nằm ở cao nguyên Bắc Hà, mùa hoa mận nở bung trắng xóa tôi thường dẫn khách về thăm núi đồi trập trùng, ngắm hoa nở. Lần nào cũng vậy, hễ có dịp đi ngang qua bản là tôi lại nhìn qua cửa sổ đến mút tầm mắt. Tôi thường lấy cớ cho xe dừng lại ở đầu bản để du khách nghỉ ngơi, uống nước chè tươi, ăn mận đầu mùa ngọt lịm… nhưng là để tôi được ngắm bản lâu hơn.

Ngôi nhà nhỏ phía cuối bản, trước nhà có hai cây mận đương độ trổ hoa – nhà của tôi. Đường về nhà không xa nhưng tôi không về. Cửa nhà đã khép, mấy mùa mận chín rụng đầy gốc cũng chẳng ai hái đem bán, vẻ rêu phong cũ kĩ phủ trùm lên mái ngói màu gạch tôm. Tôi buồn buồn. Mấy lần sau tôi không thiết tha việc đề nghị bác tài xế dừng xe lại ở đầu bản, nhưng tôi luôn nhìn về ngôi nhà nhỏ của mình mỗi lần đi ngang qua.

“Chào mừng du khách đến tham quan cao nguyên Bắc Hà, một cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình 1.000m, nơi trồng trọt các loại cây ăn quả mà nổi tiếng nhất là mận Bắc Hà…”. Tôi nói bằng chiếc loa mini, hơi thở ra khói trong sớm mai vắng nắng. “Còn đằng kia” – Tôi ngập ngừng – “Phía bên trái của du khách – chính là con suối Nước Ngập. Con suối này chảy ngang qua cao nguyên làng bản, suối đổ về sông…”. Nói đến đó, tim tôi thắt lại. Khách du lịch ngỡ ngàng trước câu nói bỏ lửng của tôi.

Đoàn người nhìn về phía suối.

Suối Nước Ngập uốn mình qua lèn đá chảy bạt ngàn giữa núi rừng hoang sơ. Bên bờ suối cỏ mọc lưa thưa, lau lách phất phơ, nước rì rào với đá làm thành khúc nhạc núi rừng không bao giờ im lặng. Có chỗ hòn đá to chắn ngang chia dòng nước rẽ thành hai hướng chảy rồi hợp lại ở phía dưới.

Tuổi thơ tôi gắn chặt với suối Nước Ngập. Hồi còn bé, mẹ thường dẫn tôi ra bờ suối lấy nước về chứa trong cái khạp trước nhà để mỗi khi đi về ngang qua khoảnh sân nhỏ, tôi thường dừng lại múc nước rửa mặt, rửa tay cho sạch rồi mới bước vào nhà. Đó là thói quen của tôi, sau này Mi Mi cũng làm y như vậy. Quãng suối chảy ngang qua cao nguyên Bắc Hà là quãng suối đẹp và thơ mộng nhất.

Tôi đứng bên bờ ngắm nhìn dòng nước chảy, trong lòng vời vợi xa xôi. Chưa bao giờ tôi thắc mắc về thượng nguồn dòng suối. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ, còn bây giờ tôi đã đi xa lâu lắm mới có dịp trở về chốn cũ. Mỗi lần đứng bên bờ suối, tôi lại nghĩ về bóng dáng mẹ tôi, về tuổi thơ êm đềm cả những ngày giông bão.

***

Mi Mi không nhìn mặt tôi. Con bé ngồi cúi mặt chỗ bậc thềm, tay vân vê chùm hoa mận trắng. Tôi gọi “Mi Mi”. Hình như con bé không nghe thấy, nó vẫn lặng thinh. Tôi gọi thêm lần nữa. Lúc này Mi Mi mới ngẩng mặt lên nhìn. Ôi, gương mặt con bé hiền từ thánh thiện quá, đôi mắt đen to tròn, mái tóc dài ngang lưng tết thành hai bím gọn gàng duyên dáng. Mi Mi mặc váy hoa màu trầm, họa tiết trên váy rực lên dưới nắng.

Mi Mi nhìn tôi đăm đăm, vẻ mặt hờ hững. Con bé im lặng, tôi cũng im lặng. Đột nhiên tôi thấy mắt Mi Mi ầng ậng nước, nó đứng dậy lùi ra sau như cố tình tránh xa tôi, vừa lùi vừa gân cổ nói:

– Anh đi đi, đi khỏi chỗ này đi…

Tưởng Mi Mi đã quên tôi, hay tại cơn viêm xoang hành khuôn mặt tôi sưng lên nhức nhối nên Mi Mi không nhận ra. Tôi trìu mến:

– Mi Mi, là anh đây, nhóc quên anh rồi sao? Anh về thăm nhóc đây này.

– Không – Thái độ con bé khiến tôi bất ngờ, hai bàn tay ban nảy tôi đưa về phía trước định bụng ôm Mi Mi vào lòng rồi khẽ hôn lên mái tóc thơm mùi hoa dại của em, buông thỏng xuống như không còn chút sức lực nào nữa. Mi Mi quát – Tôi ghét anh! Mẹ chết là vì anh! Anh đi đi, đừng quay về bản nữa.

Tôi chưng hửng.

Mi Mi nhìn tôi, đôi mắt em ánh lên những tia lửa căm hận. Thì ra bao năm qua Mi Mi vẫn còn giận tôi, chưa bao giờ lòng em nguôi ngoai. Mẹ luôn lấy tôi ra làm gương để Mi Mi học theo, ngày trước, mỗi lần đứng trước Mi Mi tôi luôn lấy làm tự hào về bản thân mình. Giấy khen thành tích của tôi, mẹ lồng trong khung kính rồi treo trên vách nhà, đối diện bàn học của hai anh em. Có một thời anh em tôi thương yêu nhau vô bờ bến. Vậy mà bây giờ, đứng trước Mi Mi, tôi cúi mặt như kẻ tội đồ.

Mấy tháng trước, tôi bắt xe đò về thăm nhà, thăm bản. Cửa nhà đóng kín mít. Tôi khom người chui ngang qua tán cây mận đi vòng ra sau vườn. Dưới con dốc là hoa sim. Tôi bị hút vào cái màu tím bí ẩn ấy. Mẹ tôi rất thích hoa sim. Chiều nào mẹ cũng ngồi dưới dốc ngắm hoa sim rung rinh trong nắng chiều. Tôi đứng ngẩn ngơ, quên cả việc mình đang tìm Mi Mi. Tôi quay lại nhìn, cửa sau cũng đóng im ỉm. Mi Mi vẫn chưa về. Chắc em tôi đã rời khỏi nhà lâu lắm, sân trước sân sau lá khô rụng đầy, cỏ mọc nham nhở.

Tôi đứng nhìn căn nhà thân thương của mình một lúc rồi đón xe về thành phố, trong lòng trống hoang. Cái cảm giác về nhà mà không vào được nhà, không gặp được Mi Mi, không sờ soạng được những vật dụng vốn quen thuộc đối với mình thật khó chịu. Tôi thèm được gặp Mi Mi, cũng đã lâu rồi tôi không gặp mặt em, chắc nó lớn và xinh đẹp giống y như mẹ tôi thời xuân trẻ.

Đêm nằm nhớ Mi Mi, tôi mường tượng ra khuôn mặt bầu bĩnh của em. Nắng gió Tây Bắc chan hòa khiến da dẻ em thêm mịn màng, tóc em thêm mượt. “Mi Mi”, tôi gọi em trong mơ khi thấy em vừa vụt ngang qua trước mặt. Không giữ được em, tôi đã chậm mất rồi. Mi Mi biến mất khỏi tiềm thức, còn tôi loay hoay với những nỗi nhớ không tên.

– Mi Mi, đừng hận anh mà em. Chỉ còn lại hai anh em mình trên đời. Mẹ dạy sống yêu thương chứ đừng hận thù, ghét bỏ. – Tôi năn nỉ.

– Anh đã nhận được tình yêu thương của mẹ rất nhiều. Còn bây giờ – Mi Mi nhắm mắt, hạt nước sóng sánh lăn xuống gò má – Anh không xứng đáng.

Trái tim tôi sụp đổ hoàn toàn khi Mi Mi buông câu nói ấy. Hơi lạnh thoảng qua, bất giác tôi ngửi thấy mùi hoa sim sượt dài trong không gian. Hương hoa khiến tôi nhớ đến mẹ. Ngày trước, mẹ tôi thường ngắt hoa sim gắn lên vành tai của mình, bỏ trong gùi. Lần nào đi qua con dốc trở về nhà, nhòm vào gùi mẹ tôi cũng thấy chùm hoa sim nằm khép nép. Hoa sim gắn với tình yêu đầu đời của mẹ trong những đêm trăng mẹ ngồi ở con dốc cuối cao nguyên Bắc Hà ngắm trăng thanh, nghe tình ca Tây Bắc dịu ngọt.

Mùi sim thoang thoảng trong không gian.

– Mẹ về rồi đấy. – Mi Mi nhìn tôi, đôi mắt vô hồn, em nói bằng giọng lạnh lùng.

Tôi sững người. Thảo nào tôi đã ngửi thấy mùi sim man mác. Mẹ đã chứng kiến cuộc nói chuyện của anh em tôi. Chắc mẹ buồn lắm, tôi tự nhủ. Mẹ từng dặn tôi: “Thế nào thì hai anh em cũng phải bảo bọc, cưu mang nhau”. Mà chúng tôi lại xa nhau. Tôi nhìn Mi Mi, rồi đảo mắt tìm mẹ tôi. Người đang ở đâu đây, đang giẫy cỏ, gánh nước, chặt nhánh cây rủ xuống trong vườn hay ngồi tựa lưng vào thềm nhà hai tay mẹ cọ vào nhau, suýt xoa vì lạnh.

– Mẹ ơi. – Tôi gọi.

Tôi nhớ mẹ lắm. Tôi thèm được mẹ tôi ôm ấp vào lòng, thèm được sống trong yên bình năm cũ dưới mái nhà đơn sơ sớm chiều ngửi mùi khói mẹ thổi cơm xôi lẫn mùi nướng ống cơm lam thoảng ra từ những ngôi nhà đơn sơ trong bản.

Nhưng Mi Mi cắt ngang lời tôi:

– Mẹ không đáp lại đâu. Mẹ chỉ thấy anh chứ anh không thấy mẹ. Cả em cũng thế!

– Tại sao? – Tôi hỏi, mắt ráo hoảnh.

Mi Mi cười nhạt, em trỏ tay về phía đồi cỏ mênh mông, dòng suối Nước Ngập chảy ngang qua cao nguyên róc rách.

– Anh có thấy gì không? Sương khói đấy! Mẹ thường về thăm em trong sương khói. Rồi mẹ đi. Sư Diệu Huệ nói với em mẹ ở quẩn quanh bên suối. Muốn nhìn thấy mẹ phải vục nước suối rửa mặt, nước suối ngọt ngào. Dưới suối là khuôn mặt của mẹ.

Tôi ngỡ ngàng. Mi Mi đã dịu lại, những tia lửa căm giận trong mắt em biến tan. Tôi nhìn theo tay em. Ngoài suối mờ mờ sương khói. Tôi chưa thấy mẹ, nhưng tự dưng mắt tôi rưng rưng. Bí mật ẩn chứa trong lòng con suối xinh đẹp hiền hòa làm say lòng khách du lịch phương xa trở thành nỗi ám ảnh đau đớn trong lòng tôi (và những người dân trong bản). Ai biết được mảnh đất cao nguyên với phong cảnh thiên nhiên hữu tình ấy đã từng oằn mình hứng chịu thiên tai bão lũ, làng bản hanh hao, cao nguyên xơ xác hoang tàn. Những dấu vết ấy tôi chưa bao giờ muốn nhớ, nhưng thi thoảng nó lại nứt toát trong tôi, đau từng đoạn mạch.

Con nước đang chảy hết lưu tốc, ầm ầm qua bao thách ghềnh. Tôi nghe tiếng của người đồng bào hét toáng ngoài đầu bản. Cây cầu gỗ vừa bị nước cuốn trôi.

Cơn lũ đột ngột quá tôi choáng váng. Tôi đang theo mẹ ra bờ đá thì nước từ thượng nguồn suối Nước Ngập đổ ào ào, cây cối gãy đổ.

– Ninh, bám chặt vào thân cây. Nhanh! – Mẹ la lên.

Trước mặt tôi nước bung trắng xóa. Sợ hãi, tôi khóc thét:

– Mẹ ơi, cứu con!

Môi tôi run run, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Nhưng mẹ tôi đâu? Rõ ràng ban nãy mẹ con đứng bên cạnh tôi, mẹ khom người lấy nước từ dưới suối lên rồi buột miệng khen nước suối Nước Ngập muôn đời vẫn trong, vẫn ngọt. Khi nước đổ xuống mẹ còn kịp nhắc tôi bám chặt thân cây kẻo lũ cuốn trôi. Mới đó thôi mà tôi không thấy mẹ nữa, nước cứ ồ ạt chảy về. Nước quét qua bản làng, cuốn trôi lũ hoa sim dưới con dốc. Nước mắt tôi ầng ậng. Tôi gọi, “Mẹ ơi đừng bỏ con”. Mẹ ơi. Tôi ngược con suối lên nguồn trên tìm mẹ, chính tôi cũng không biết rằng mẹ đang nương theo dòng nước chảy quờ quạng tìm tôi. Chắc mẹ nghĩ tôi bị nước cuốn trôi. Mẹ con tôi mỗi người một hướng. Lạc. Có những khi đời thật trớ trêu.

Tôi tỉnh dậy sau cơn ngủ say, thấy bụng vừa đau vừa khó thở. Hóa ra một thân cây đang giữ lại tôi chỗ bụng. Tôi không bị nước cuốn trôi, cổ họng rát buốt và đôi mắt tôi cũng rát. Sực nhớ đến mẹ, tôi gắng gượng đứng dậy thập thững bước đi tìm. Tôi lên nguồn, nhưng hoang mang, tôi lội ngược xuống dưới. Con suối Nước Ngập vẫn chảy róc rách. Cơn lũ đi qua, cây cối tươi xanh, mặt trời rọi qua kẽ lá soi xuống chỗ tôi đi. Đất đá ngổn ngang, con đường trơn trượt. “Mẹ ơi. Mẹ đang ở đâu?”, tiếng tôi vang dội núi rừng. Đồng vọng lại vẫn là âm thanh của tôi, ngân dài hơn và thê thiết hơn. Mỏi chân quá tôi ngồi xuống gốc cây, cạnh dòng suối, khóc mướt.

Trên nguồn là nước lũ?! Tôi tự hỏi, tự buồn rồi khóc một mình. Giọt nước mắt chảy qua gò má rồi rơi xuống hòa tan vào thứ nước vĩnh hằng của tự nhiên. Tôi nhìn xuống suối. Nước vẽ thành hình khuôn mặt mẹ tôi.

Tôi trở lại bản tìm Mi Mi. Em vẫn bình an. Nắng rọi vào trong nhà sau cơn lũ, chỗ em nằm. Mi Mi đang ngủ say. Đôi mắt Mi Mi khép lại, hiền lành. Tôi lay em:

– Mi Mi, dậy đi em, anh đã về rồi đây.

– Anh Ninh về rồi đó hả? Mẹ đâu rồi anh? Vừa rồi mưa to quá!

– Mẹ… – Tôi ấp úng – Mẹ ở dưới suối Nước Ngập. Chưa về!

Mi Mi hốt hoảng:

– Sao mẹ chưa về? Anh, đưa em đi tìm mẹ đi anh.

Nghe Mi Mi cầu xin, tôi rớt nước mắt. Tôi ngồi xuống giường ôm Mi Mi vào lòng, xoa đầu Mi Mi, tôi kể lại cho Mi Mi nghe chuyện đã xảy ra ngoài suối Nước Ngập. Trong cơn lũ. Bỗng dưng Mi Mi đẩy tôi ra, giãy nảy:

– Trời ơi! Mẹ! Anh Ninh, đi tìm mẹ về đi anh! Ở dưới suối chắc mẹ lạnh lắm. Trả mẹ lại cho em, anh Ninh…

Nước mắt em tôi ròng ròng. Trước mắt Mi Mi, tôi là kẻ có tội. Tôi đã không bảo vệ được mẹ, ngược lại mẹ vì đi tìm tôi mà nước lũ cuốn trôi. Giá mà mẹ đứng ở đó, tay mẹ giữ chặt thân cây thì nước lũ đâu mang mẹ tôi đi mất! Mi Mi vật vã, con bé vội vã lao ra suối tìm mẹ. Sau trận lũ, cây cối ngã rạp, các nhà trong bản xiêu vẹo, dốc hoa sim vỡ ra, đất đá ngổn ngang.

Mi Mi nghiêng đầu nhòm xuống suối. Nước vẫn trong. Dưới đáy nước là đá cuội. Tim tôi đau nhói. Em tôi nhắm mắt, hạt nước lăn dài rớt ra rồi hòa xuống dòng nước thiên nhiên. Con suối từ đâu chảy qua cao nguyên Bắc Hà, chảy qua đoạn đời đau khổ của anh em tôi. Suối Nước Ngập và cơn lũ hôm qua mang mẹ tôi đi xa, đi mãi, mất biệt. Tôi lau nước mắt, hỏi lòng: cơn lũ đến từ đâu?

Không ai trả lời giúp tôi câu hỏi ấy. Một buổi chiều, tôi ngồi dưới gốc mận trước nhà, thoáng nhìn lên bầu trời, tôi trông thấy đụn khói đen kịn bay lên. Khói đốt nương? Tôi ngờ ngợ là thế. Mẹ từng nói với tôi: “Thiên nhiên cho mình mọi thứ, nhưng nó cũng sẵn sàng lấy đi mọi thứ của mình”, tôi bàng hoàng. Như cái màu xanh bên kia sườn núi, cứ mỗi ngày màu xanh ấy lại nhạt dần đi. Màu xanh của cây cối, của rừng nguyên sinh, những thân cây bám giữ đất đồi đang oằn mình đớn đau trong nhát dao chém bằm, tơi tả.

***

Tôi đứng bên dòng suối Nước Ngập trong buổi sáng mùa đông. Ngắm nhìn dòng suối mộng mơ trong sương đông bảng lảng giữa cao nguyên Bắc Hà trắng màu hoa mơ đầu mùa, ngoại trừ tôi, 23 người khách du lịch không ai biết được nơi này đã từng hứng chịu cơn thịnh nộ của đất trời. Ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, mẹ thiên nhiên đã nổi giận cướp đi người mẹ mà tôi yêu thương (cùng những người khác nữa).

Tôi vốc nước rửa mặt. Khách du lịch thấy tôi làm vậy, cũng làm theo. Họ rùng mình. Còn tôi, ôi, nước suối Nước Ngập mùa đông sao ấm áp lạ kì, một cảm giác miên man từ khuôn mặt lan tỏa ra khắp cơ thể. Và tôi trông thấy mẹ.

Xa xa, đằng kia là làng bản của tôi, là những đồng bào chân phương hồn hậu và nặng trĩu ân tình của tôi. Ngôi nhà tôi mù mờ trong sương sáng. Tôi nhìn đăm đăm về phía ấy. Từ trong ngôi nhà, một quầng sáng lấp lánh hiện ra, đẹp lắm. Thứ ánh sáng Tây Bắc rực rỡ diệu kì, ánh sáng của tình yêu thương và lòng nhân hậu.

Tôi đi về phía ấy. Có Mi Mi.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lu-rung-26276.html