Lũ chồng lũ, nhiều địa phương ở Quảng Bình bị chia cắt

Theo ông Cao Xuân Ngọc – Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, toàn xã có 751 hộ trong 6 thôn thì đã có khoảng 700 hộ bị lũ chồng lên lũ. Hiện các thôn đã bị lũ cô lập hoàn toàn, phương tiện đi lại lúc này chỉ có thuyền. "Tuyến đê bao Quảng Hải đã bị lũ xé khoảng hơn 100 mét...", ông Ngọc cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Huyền (thôn Tân Thượng - xã Quảng Hải - thị xã Ba Đồn) lội ra trước hiên nhà để qua nhà bếp lấy mì tôm nấu bữa. Nước ngập đến ngực. Bà nói: "Lũ hôm trước nước ngập trên hai mét thì tối và sáng nay nước lũ lại vào nhà ngập cũng đến gần mét rưỡi. Đồ đạc trong nhà vừa mới phơi khô khan nay lại bị lũ làm cho ướt sạch. Ông trời mần như vầy là quá khổ cho bà con tui rồi".

Nhiều vùng bị chia cắt

Đợt mưa từ cuối tháng 10 đã làm cho nước các con sông ở Quảng Bình lên nhanh và tiếp tục gây ra ngập lụt trên nhiều địa phương trong tỉnh. Sáng 1/11, từ cầu Quảng Hải, con đường đi về xã Quảng Hải đã bị lũ nhấn chìm.

Phía trên cầu, trâu bò được người dân lùa lên tránh lũ cả trăm con. Chúng tôi lên chiếc thuyền máy đuôi tôm để về các thôn của xã Quảng Hải.

Cánh đồng giờ thành biển nước đục ngầu chảy xiết. Nước từ thượng nguồn đổ về mạnh tràn qua con đường bê tông tạo nên chấn sóng cuồn cuộn. Chiếc thuyền máy rồ ga cố đè lên sóng nhưng nghẹn tắt giữa chừng.

Con thuyền quay ngang chực trôi xuôi về phía hạ lưu. Mấy người chụp lấy sào chống cả hai bên mạn thuyền cố giữ thăng bằng. Tiếng máy lại rồ lên hợp với sức người rướn từng tý một đẩy thuyền nhích dần. Qua được chấn sóng, mọi người mới thở nhẹ.

Nhà bà Huyền nước ngập sâu gần mét rưỡi, bà chỉ tay lên cánh cửa chính nói: "Lũ hôm trước ngập đến qua cửa đi, lũ bây giờ chỉ còn kém nửa mét. Lũ trước dọn chưa xong nhà thì lũ mới đã nhảy vô tiếp. Hành hạ như rứa thì cũng không còn sức mà chống chọi"…

Lũ ngập sâu nhà bà Huyền

Cách đó không xa, nhà ông Nguyễn Văn Thuận cũng bị lũ tràn vào ngập sâu hơn mét nước. Lũ vào lúc quá nửa đêm đã lùa trôi mất con trâu nhà. Đến sáng nay, bà con thôn trên nhắn về đã bắt được con trâu trôi trong lũ nên kéo vô và đang nhốt. Ông Thuận mừng khôn xiết: “May mà bà con mình vớt được báo tin chứ không cả nhà mất ăn, mất ngủ. Đợi khi nước cạn thì lên xin lại bà con đưa về".

Theo ông Cao Xuân Ngọc – Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, toàn xã có 751 hộ trong 6 thôn thì đã có khoảng 700 hộ bị lũ chồng lên lũ. Hiện các thôn đã bị lũ cô lập hoàn toàn, phương tiện đi lại lúc này chỉ có thuyền. "Tuyến đê bao Quảng Hải đã bị lũ xé khoảng hơn 100 mét. Qua đó để thấy nước lũ lần này cũng rất mạnh", ông Ngọc cho biết thêm.

Theo đường 12A ngược lên các xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), Văn Hóa, Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa)... nước lũ cũng đã bao vây, chia cắt nhiều vùng dân cư.

Ông Trần Đức Thanh (xã Phù Hóa) chống con đò vào sát cửa nhà mình để kiểm tra lại mấy bao lúa được kê lên cao, cũng may là chưa việc gì. Quay lại, ông nói giọng rầu: "Cả nhà tui mới cố sức dọn dẹp bùn đất và lau rửa giường tủ, bàn ghế nay lại bị lũ nhuộm lại rồi. Nếu đợt lũ này kéo dài thì nhiều người ngã lăn ra ốm cho mà coi. Sao mà lũ cứ nối nhau liên tục vậy".

Ông Thanh đưa thuyền vào nhà

Tại huyện lệ Thủy, nước lũ lên nhanh với tốc độ chóng mặt khiến hàng chục ngàn người dân không kịp trở tay. Toàn huyện có khoảng 1.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó có gần 300 ngôi nhà ngập sâu gần 1 mét. Một số vùng dân cư của các xã Lâm Thủy, Ngân Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy... cũng đã bị lũ cô lập. Hầu hết các tuyến đường liên thôn ở các xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy, Dương Thủy… ngập sâu từ 0,5 đến 1 mét.

Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: "Chúng tôi triển khai các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn". Trước đó, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo xã Lâm Thủy gấp rút di dời 24 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu ở các bản Tân Ly, Bạch Đàn, Xà Khía, Tăng Ký, Chút Mút đến nơi an toàn do có nguy cơ bị sạt lở và lũ chia cắt.

Lốc xoáy và chìm tàu...

Khoảng hơn 6 giờ ngày 1/11, một trận lốc xoáy đã xảy ra tại các thôn Châu Xá, Xuân Lai, Mai Hạ, Lê Xá (xã Mai Thủy) và các thôn Thạch Bàn, Văn Xá, Phú Xuân (xã Phú Thủy - Lệ Thủy) khiến 59 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái. Trường mầm non Phú Thủy bị gió lốc cuốn bay làm hư hại nghiêm trọng. Kho thóc của HTX Châu Xá chứa hàng chục tấn lúa cũng bị tốc mái che khiến gần 5 tấn thóc bị ướt.

Cũng vào thời gian trên, tàu đánh cá mang số hiệu QB98756TS do anh Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1982 - trú tại Quảng Phúc - thị xã Ba Đồn) cùng 5 thuyền viên trên đường vào bờ tránh mưa lũ, khi vào gần đến cửa sông Gianh thì tàu bị mắc cạn phá nước và chìm.

Cứu hộ tàu bị trôi ra biển

6 thuyền viên trèo lên nóc cabin tàu kêu cứu. Lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Bình và chính quyền địa phương đã nỗ lực dùng thuyền lớn, tàu vỏ sắt tiếp cận và đưa xuồng cứu sinh đến cập mạn tàu bị nạn. Khoảng 9 giờ, lực lượng cứu hộ đã đưa được 6 thuyền viên vào bờ an toàn. Tàu bị đắm có giá trị trên 2 tỷ đồng.

Khoảng 9 giờ 30, tàu QB 98567TS (do anh Nguyễn Tiến Dùng - em trai anh Dũng) sau khi tham gia cứu hộ vào bến thả neo thì bị sóng lớn làm đứt dây neo. Dây neo quấn chân vịt nên tàu không thể nổ máy. Trên tàu có 7 thuyền viên và bị sóng đánh dạt nhanh ra biển. Người dân Quảng Phúc tập trung trên bờ nín thở dõi theo con tàu đang dần khuất trong mưa mù.

Ngay lúc đó, hai tàu ngư dân neo ở biển đã lập tức nhổ neo đi cứu hộ. Phía bên kia bờ sông Gianh, tàu của Hải đội 2 BĐBP tỉnh cũng lập tức xuất bến. Khoảng hơn giờ đồng hồ vật lộn với sóng to, gió lớn, ba tàu cứu hộ đã cứu được 7 thuyền viên và cặp kéo được tàu QB 98567 TS vào bờ an toàn. Bà Nguyễn Thị Thuận (57 tuổi, mẹ của hai thuyền trưởng Dũng và Dùng) vừa lau nước mắt, vừa nói: "Bị chìm một tàu, cả nhà như chết đứng rồi, nay tàu đứa em cứu hộ được thì cả nhà như sống lại".

Từ trưa 1/11, mưa ngớt dần, nhưng nước lũ xuống chậm. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn Quảng Bình vẫn đang bị chia cắt.

Hình ảnh ngập sâu tại các địa phương trong tỉnh Quảng Bình do PV NNVN ghi lại:

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lu-chong-lu-nhieu-dia-phuong-o-quang-binh-bi-chia-cat-post179214.html