LPBank chốt đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát, tăng vốn lên gần 33.600 tỷ đồng

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank – HoSE: LPB) đã diễn ra thành công vào ngày 17/4. Với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông LPBank đã thông qua toàn bộ nội dung tờ trình.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, LPB đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 49,1% so với năm trước. Tổng tài sản đến cuối năm được kỳ vọng đạt 427.260 tỷ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm. Dự kiến huy động vốn từ thị trường đạt 317.380 tỷ đồng, tăng 11,2%; và tín dụng thị trường dự kiến tăng 15,8% lên 319.140 tỷ đồng.

Cổ đông đã cũng thông qua quyết định đổi tên ngân hàng từ "Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam", theo đề xuất của ban điều hành.

Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy chủ trì đại hội.

Theo lãnh đạo LPBank, việc đổi tên nhằm thể hiện định hướng phát triển mới, nâng cao tầm vị thế và hình ảnh của ngân hàng, đồng thời cũng được coi là 'bước ngoặt quan trọng' trong lịch sử hoạt động của họ.

Trong kế hoạch cho năm 2024, LPBank dự kiến mở bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện tại để tăng vốn điều lệ lên hơn 33.576 tỷ đồng.

Theo LPBank, sau khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ, ngân hàng hiện có 4.236 tỷ đồng lợi nhuận dành riêng. Tuy nhiên, quyết định tăng vốn điều lệ thông qua việc mở bán cổ phiếu cho cổ đông hiện tại thay vì thông qua việc phân phối cổ tức được xác định là do kế hoạch không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới.

Công ty cho rằng, việc không chia cổ phiếu nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Đáng chú ý, đại hội tán thành đề xuất không thực hiện 2 phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, bao gồm chào bán 300 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành 10 triệu cổ phiếu theo theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Trả lời cổ đông, ông Bùi Thái Hà, Phó chủ tịch LPBank cho biết do nhiều yếu tố khách quan, điều kiện thị trường không thuận lợi, ngân hàng chưa thể triển khai phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. LPBank vẫn tiếp tục tìm kiếm các đối tác uy tín, có nhiều tiềm lực tài chính và có thể mang lại lợi ích cao cho LPB trong thời gian tới.

Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, có không ít ngân hàng không hoàn thành kế hoạch, tuy nhiên LPB vẫn tăng trưởng tốt và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Theo Tổng giám đốc Hồ Nam Tiến, năm 2023, kết quả kinh doanh của LPB rất khả quan. Sang năm 2024, LPB sẽ tiếp tục thực hiện 4 nhóm hoạt động chính là tập trung tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm theo định hướng của Ngân hàng N hà nước về các lĩnh vực ưu tiên; bán lẻ ở ngoại thành và nông thôn; kiểm soát rủi ro, giữ chất lượng tín dụng ở mức tốt (cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, phấn đấu là 0,9%); tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn; gia tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng (dịch vụ, ngoại tệ).

Về chuyển đổi số, ông Hồ Nam Tiến cho biết trong tiến trình chuyển đổi số và số hóa dịch vụ, LPB lấy khách hàng làm trọng tâm. LPB sẽ triển khai đồng bộ hàng chục dự án số hóa, đầu tư vào các dự án trọng điểm như core banking T24, các công nghệ mới về AI, Blockchain.

Năm 2024, LPB tập trung nâng cao số hóa bằng robot, tập trung khai thác dữ liệu với AI, các công nghệ mới, tăng trải nghiệm của khách hàng, rút ngắn quy trình xử lý nội bộ, nhu cầu giao dịch của khách hàng.

Tại đại hội, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là LPBank đã chuẩn bị như thế nào trước khi Luật các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực.

Theo ông Bùi Thái Hà, ngay tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước gửi dự thảo cho các ngân hàng thương mại cổ phần đóng góp ý kiến sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, LPBank đã chủ động rà soát các quy định, quy trình về công bố thông tin liên quan đến HĐQT, ban kiểm soát cũng như ban điều hành.

LPB ngay lập tức đã điều chỉnh, chỉnh sửa để phù hợp với các quy định của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đối với các cổ đông, ngân hàng sẽ thông báo, hướng dẫn trong tháng 4, đảm bảo đến ngày 1/7 sẽ thực hiện công bố thông tin theo quy định.

Khi được hỏi về giải pháp quản trị nợ xấu của LPB, Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Thái Hà cho biết yếu tố quan trọng nhất trong quản trị nợ xấu là phòng ngừa.

LPB đã thay đổi mô hình quản trị tập trung, phê duyệt thông qua các chuyên gia, tại hội sở chính, giảm thiểu rủi ro trong việc phân loại khách hàng. Bên cạnh đó, LPBank cũng đồng hành cùng khách hàng trong việc cơ cấu lại nợ; quyết liệt trong việc thu hồi và xử lý nợ xấu. Kỳ vọng nợ xấu của LPBank tại cuối năm 2024 là 0,9%. LPB cũng tích cực trích lập dự phòng, tại cuối năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 100%.

Chia sẻ tại Đại hội, lãnh đạo Ngân hàng cho biết để đạt được mục tiêu này, LPBank sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thiện mô hình tổ chức mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đẩy mạnh hoạt động tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng, song song với định hướng chiến lược gắn với phát triển bền vững.

N.Hà (T/h)

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/lpbank-chot-doi-ten-thanh-ngan-hang-loc-phat-tang-von-len-gan-33600-ty-dong-122116.html