Lớp ngoại ngữ nơi cửa chùa

Các em đến chùa không chỉ tìm đến chốn bình yên nơi cửa Phật, mà còn để trau dồi, ôn luyện ngoại ngữ...

ThS Trương Hồng Lăng giảng dạy tiếng Trung tại chùa Lá.

Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Quang Trung, Phường 14 (quận Gò Vấp, TPHCM), ngôi chùa Lá luôn tấp nập người vào ra, trong đó đa phần là học sinh, sinh viên.

Lớp học “0 đồng”

Vào các buổi chiều thứ 3 và 5 hàng tuần, Nguyễn Thị Phương Nhi, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đều có mặt sớm tại chùa Lá để tham gia lớp học tiếng Anh lúc 18 giờ. Theo chia sẻ của nữ sinh quê Tiền Giang, điều kiện gia đình khó khăn, trong khi trình độ tiếng Anh chưa tốt, đầu tháng 9 biết đến lớp học ngoại ngữ miễn phí tại chùa Lá, Nhi đã đăng ký học.

Nhi cho biết: “Lịch học ở trường vào buổi chiều nên em tận dụng thời gian rảnh buổi sáng làm thêm nhằm đỡ đần một phần kinh phí cho bố mẹ ở quê. Em đăng ký học tiếng Anh tại chùa Lá vào chiều tối. Thầy cô ở đây giảng dạy rất tâm huyết, các buổi học sôi động. Chủ đề học được thiết kế chi tiết, từ tổng hợp từ vựng, trao đổi, bình luận về một vấn đề liên quan... Lớp học thực sự ý nghĩa đối với những sinh viên không có điều kiện như em”, Nhi chia sẻ.

Tương tự, chiều thứ 2, 4 và 6 hàng tuần, sau khi tan trường, Nguyễn Thị Phương Thảo và Trần Anh Khoa, học sinh lớp 11, Trường THPT Trường Chinh (Quận 12) đến thẳng chùa Lá để học thêm môn Tiếng Trung. Ở lớp học miễn phí này, Thảo và Khoa là 2 học viên luôn có mặt sớm nhất. Thảo chia sẻ, nhà ở Quận 12 nên mỗi buổi chiều khi kết thúc học ở trường sẽ đến thẳng chùa Lá và tận dụng thời gian trước khi vào lớp để ôn lại bài buổi học trước.

“Em và bạn Khoa đăng ký học tiếng Trung cùng nhau ở lớp học này từ tháng 8/2023. Dù ở trường học tiếng Anh, nhưng muốn học thêm tiếng Trung nên em đăng ký học ở đây. Quá trình học, thầy giáo dạy khá dễ hiểu, không khí lớp vui vẻ. Em dự định sau khi kết thúc khóa học 3 tháng, sẽ đăng ký học tiếp nhằm trau dồi khả năng tiếng Trung của bản thân”, Thảo chia sẻ. Tiếp lời cô bạn cùng lớp, Khoa cho biết: “Cách giảng dạy của thầy cô khá linh hoạt, đặc biệt thầy dạy tiếng Trung. Em sẽ đăng ký các khóa học ở đây đến khi có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài”.

Theo ghi nhận, tại chùa Lá, phần lớn không gian đều dành cho việc giảng dạy ngoại ngữ với 6 phòng học và 1 phòng sinh hoạt dành cho các tình nguyện viên nước ngoài. Lối vào chùa được trưng dụng làm quầy ghi danh. Cũng bởi diện tích khiêm tốn nên các lớp học phải xoay vần theo thời khóa biểu từ sáng sớm đến 20 giờ tối mỗi ngày và luôn kín chỗ. Dù miễn phí nhưng không có nghĩa việc dạy học hời hợt qua loa, các lớp học được giảng dạy bởi những thầy cô có kinh nghiệm, chuyên môn cao, bao gồm cả giáo viên nước ngoài với giáo trình do chính họ trực tiếp biên soạn, sưu tầm.

Điều đặc biệt ở các lớp ngoại ngữ tại chùa Lá là bất kể ai yêu thích ngoại ngữ đều có thể đến học. Vì thế, 13 năm ròng những lớp ngoại ngữ ở ngôi chùa này vẫn hoạt động và không ngừng phát triển. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể tham gia nhưng phần lớn là học sinh, sinh viên không có điều kiện theo học ngoại ngữ ở các cơ sở bên ngoài. Người dạy không công, người học miễn phí, từ 30 học viên ghi danh khóa đầu tiên, đến nay trung tâm có 80 lớp học, với gần 3 nghìn học viên đều đặn mỗi khóa (3 tháng).

Thảo và Khoa tận dụng thời gian trước khi vào học ôn lại bài.

Tấm lòng cao cả

Thầy Thích Nhuận Tâm tên thật là Huỳnh Kính, quê ở xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Là người tu hành nhưng thầy luôn trăn trở, tâm niệm “mở cửa tri thức miễn phí” cho người nghèo. Đầu năm 2010 thầy Nhuận Tâm chính thức mở lớp học ngoại ngữ đầu tiên và dạy ngay tại khuôn viên nhà chùa với khoảng 30 học viên. Thời điểm đầu, thầy chỉ mở lớp tiếng Anh, Trung, Nhật nhưng do nhu cầu của các học viên cũng như giáo viên đến xin nhà chùa dạy miễn phí ngày càng nhiều nên đã mở thêm lớp tiếng Hàn, Đức và Pháp.

Thầy Nhuận Tâm cho biết, ban đầu nghĩ tới việc nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ nhưng lại trăn trở việc chưa có ngôi chùa nào dạy ngoại ngữ miễn phí. Bản thân là người từng học ngoại ngữ, nhận thấy trong thời buổi hội nhập, ngoại ngữ là vốn kiến thức vô cùng cần thiết, hữu ích, nhưng sinh viên nghèo từ các tỉnh lên thành phố hoàn cảnh khó khăn không thể theo học tại các trung tâm vì không đủ điều kiện. Do đó, thầy đã mở lớp học ngoại ngữ miễn phí cho các em.

Để có được những lớp học đông đảo sinh viên như hiện tại, thầy Thích Nhuận Tâm đã đến từng trường đại học, cao đẳng như: Trường Đại học Công nghiệp, Học viện Phật giáo, Trường Cao đẳng Công nghệ TPHCM... mời giảng viên về dạy. Mọi sự thuận lợi hơn khi Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận AIESEC đã kết nối nhiều bạn trẻ yêu thích công tác tình nguyện đến từ Anh, Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Malaysia góp sức giảng dạy. Đổi lại, họ được nhà chùa “trả lương” bằng cách dẫn tham gia cứu trợ người nghèo, tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

ThS Trương Hồng Lăng giảng dạy môn Tiếng Trung gần 10 năm nay cho hay, chùa Lá không đơn thuần là “trung tâm ngoại ngữ” mà còn là mái ấm cho các học viên. Đó cũng là lý do thầy Lăng quyết định đến đây dạy mỗi buổi chiều trong tuần, dù nhà cách chùa gần 20 cây số.

“Những lớp học ngoại ngữ ở chùa Lá còn là ngôi nhà chung cho cả học viên và giáo viên. Dù công việc bận rộn nhưng tôi luôn ưu tiên thời gian tới lớp. Chùa Lá cho tôi nhiều kinh nghiệm trường lớp, hiểu được tâm lý học viên cần gì để dạy chứ không chỉ là giáo án khô khan”, ThS Lăng tâm sự.

Nhắc đến những lớp học ngoại ngữ tại chùa, thầy Thích Nhuận Tâm kỳ vọng: “Nhà chùa tổ chức lớp để trau dồi cho học viên kiến thức, hy vọng sau này các em làm được việc có ích cho xã hội. Tôi cũng mong muốn trong số hàng nghìn sinh viên theo học sẽ có nhiều em thành đạt, trở về địa phương lập ra những trung tâm ngoại ngữ miễn phí như chùa Lá”.

Sinh viên Đỗ Thị Kiều Oanh (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM), quê Tiền Giang theo học tiếng Anh tại chùa Lá cho biết: “Những lớp học tại chùa Lá giúp sinh viên tỉnh lẻ như em không chỉ tiết kiệm chi phí học tập mà còn tích lũy được các kỹ năng, hoàn thiện vốn tiếng Anh, làm việc tốt hơn khi ra trường. Đặc biệt, kiến thức học được không chỉ là ngoại ngữ mà còn cả lòng nhân ái, tình thương và những điều bổ ích trong cuộc sống”.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lop-ngoai-ngu-noi-cua-chua-post658169.html