Lớp học không âm thanh

Không nghe được âm thanh, không nói được bằng lời, những học sinh (HS) khiếm thính dùng đôi tay làm ngôn ngữ giao tiếp, dùng đôi mắt và trái tim để cảm nhận cuộc sống quanh mình. Để giúp các em xóa dần trở ngại trong giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng, rất cần sự sẻ chia, đồng hành của gia đình và xã hội.

Dạy trẻ học và giao tiếp

Giờ chào cờ của các học sinh khuyết tật.

Như thường lệ, sáng thứ Hai, các HS ở Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh (số 7 Tản Viên, TP. Nha Trang) khởi động tuần học mới bằng tiết sinh hoạt dưới cờ theo chủ điểm của tuần, của tháng. Khi tiếng hô: “Chào cờ, chào!” và tiếng nhạc Quốc ca vang lên, ở phía dành cho khối HS khiếm thính, các em “hát” theo cách riêng của mình. Những cánh tay khi giơ lên, hạ xuống nhịp nhàng, những bàn tay khi xòe ra, chụm lại kèm theo những cử chỉ biểu thị cho tinh thần hào hùng, khí thế trong từng câu hát. Dưới sự hỗ trợ về ngôn ngữ ký hiệu của thầy giáo Nguyễn Văn Quang, các em còn biết “đọc” 5 điều Bác Hồ dạy, “nghe” các thầy cô tuyên truyền về Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và tuyên dương các bạn HS tiến bộ của tuần trước.

Giờ vào học của trẻ khiếm thính, dẫu không có âm thanh ê a đọc bài, không có tiếng trao đổi qua lại, nhưng vẫn sôi nổi theo cách khác. Các thầy cô liên tục dùng đôi bàn tay và biểu cảm khuôn mặt để tương tác với học trò, còn các bạn nhỏ chăm chú thực hành, thi nhau xung phong, vỗ tay tán thưởng bạn cùng lớp vì làm bài đúng, hay nhiệt tình góp ý sửa bài cho bạn nào làm sai. Dạy bài học môn Ngôn ngữ ký hiệu của lớp ghép 2A và 3A với chủ đề về ngày 8-3, cô Lê Hoàng Trân không quên khen ngợi các bạn nhỏ đã biết giúp mẹ rửa chén, quét nhà, tưới cây, dọn dẹp… Ở lớp 3B bên cạnh, thầy Quang cẩn thận hướng dẫn từng em thực hành phép tính nhân, khuyến khích từng em lên bảng làm bài với sự giúp sức, góp ý của các bạn phía dưới. Cô Trần Thị Mỹ Ái - giáo viên giảng dạy tại trung tâm thì mang đến một bộ áo dài để minh họa cho bài tập đọc “Tà áo dài Việt Nam” và chuẩn bị rất nhiều hình ảnh để giới thiệu cho HS khối 5 thông qua bảng tương tác…

Cô Lê Hoàng Trân hướng dẫn các em khối 2 và 3 học ngôn ngữ ký hiệu.

Cô Trần Thị Mỹ Ái giới thiệu với các học sinh về chiếc áo dài Việt Nam.

Để có những buổi chào cờ hay giờ học diễn ra nghiêm túc, đi vào nền nếp như thế là kết quả của quá trình vất vả, kiên trì vừa “dạy”, vừa “dỗ” học trò của các thầy cô ở đây. Thầy Quang cho biết, thời gian đầu, HS khiếm thính gần như không thể giao tiếp được với các thầy cô. Do các em không thể nghe nên thầy cô phải tập trung vào kênh nhìn, khi giao tiếp với các em phải thể hiện rõ các biểu cảm trên khuôn mặt, kèm theo các ngôn ngữ cử chỉ sinh động. Ngoài tên khai sinh, mỗi em còn được đặt tên khác bằng ký hiệu, tùy theo đặc điểm của từng người để dễ phân biệt. Phải qua vài năm, HS khiếm thính mới học được hết các ký hiệu để giao tiếp thuần thục, qua 10 năm mới hoàn thành chương trình tiểu học, gấp đôi thời gian so với HS bình thường. Mỗi bài học, kỹ năng đều phải rèn luyện, thực hành nhiều lần, tăng cường nhiều hình ảnh trực quan, sinh động để các em dễ hiểu, dễ nhớ.

Thầy Nguyễn Văn Quang hướng dẫn học sinh làm Toán.

Mong muốn hòa nhập cộng đồng

Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh cho biết, khối khiếm thính của trung tâm có 44 trẻ theo học tại 4 lớp. Các em được học theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 10 năm, được giảm tải một số nội dung, môn học cho phù hợp. Những năm gần đây, việc giảng dạy tập trung vào xây dựng cho các em những kỹ năng cần thiết để làm nền tảng phát triển, như: Xây dựng góc thực hành pha chế và phục vụ thức uống; phối hợp tổ chức lớp hướng dẫn kỹ năng dọn buồng phòng và bàn ăn tại khách sạn; cho các em tham gia những hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, hội họa, chương trình giao lưu… Bên cạnh đó, trung tâm tiếp tục thực hiện các tiết dạy cá nhân can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ khiếm thính.

Dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ của các thầy cô, các HS khiếm thính ngày một tiến bộ, trong đó có chị em Lê Thị Quỳnh (16 tuổi, HS lớp 5) và Lê Thị Quỳnh Trang (14 tuổi, HS lớp 4) - hai trong số các HS tiêu biểu của trung tâm. Cả hai đều bị câm điếc bẩm sinh. Năm 2015, sau khi tham gia tập huấn chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng do Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh tổ chức tại thị xã Ninh Hòa, hai chị em được giới thiệu đến trung tâm để học. Đều đặn mỗi ngày (trừ những ngày nghỉ cuối tuần), cả hai lại được mẹ chở từ nhà ở xã Ninh Ích (Ninh Hòa) đến trung tâm từ sáng sớm và đón về khi trời đã chiều tà. Dù trung tâm cách nhà 35km, song mẹ đều chở hai em đi học đều đặn, đúng giờ, không quản ngại nắng mưa, bằng tình thương con vô bờ bến. Nhờ sự nhanh nhẹn và khả năng đọc, đoán tình huống, Quỳnh thường được chọn làm người dẫn chương trình bằng ngôn ngữ ký hiệu, đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm trong nhiều hoạt động, thực hành tốt việc tính toán, phục vụ ở quầy cà phê Thương - góc thực hành pha chế và phục vụ đồ uống tại trung tâm và đang tiếp tục thực tập kỹ năng dọn buồng phòng khách sạn. Còn Trang đang là học viên tại lớp pha chế cà phê, tích cực tham gia các cuộc thi vẽ nhờ khả năng hội họa…

Hai chị em Quỳnh (bên phải) và Trang thực hành làm lễ tân tại góc pha chế cà phê.

Qua lời thông dịch từ các thầy cô giáo, chúng tôi được “nghe” về những ước mơ rất đỗi giản dị của các em nhỏ khiếm thính. Có em mong muốn tiếp tục được làm công việc pha chế cà phê, em khác muốn trở thành thợ sửa máy tính, hay mở một tiệm cắt tóc cho riêng mình… Có 27 năm gắn bó với HS khuyết tật, cô Trần Thị Mỹ Ái hiểu rõ, trở ngại lớn đối với trẻ khiếm thính là khi các em cố gắng vươn lên, hòa nhập cộng đồng thì cộng đồng lại khó giao tiếp với các em. Chưa kể, có những ngôn ngữ đặc thù của HS khiếm thính mà chỉ trong thế giới của các em mới hiểu. “Mong muốn lớn nhất của các thầy cô là giúp các em có được kỹ năng sống để sau này có công việc ổn định, không phụ thuộc vào gia đình và không trở thành gánh nặng cho xã hội”, cô Ái bày tỏ.

Theo bà Phan Thị Ngọc Sinh, một trong những khó khăn hiện nay là đa số HS khiếm thính phải đến 9 tuổi mới bắt đầu học lớp 1, khi học hết tiểu học thì các em 19 tuổi, trong khi trung tâm chỉ quản lý trẻ khuyết tật từ 15 tuổi trở xuống. Tại Khánh Hòa, hiện nay vẫn chưa có trường, lớp cho HS khiếm thính tiếp tục được học lên cấp 2. Đó là thiệt thòi rất lớn cho những em đã hoàn thành chương trình tiểu học. Bên cạnh đó, trẻ khuyết tật nói chung và khiếm thính nói riêng, khi bước ra môi trường xã hội gặp rất nhiều rào cản, bỡ ngỡ. Vì thế, để rút dần khoảng cách này, cần nhiều hơn nữa sự lắng nghe, đồng hành, hợp tác của cha mẹ; sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ của cộng đồng để gắn kết sợi dây tình cảm, động viên các em vượt qua chính mình, giúp các em hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

HOÀNG NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202403/lop-hoc-khong-am-thanh-1904fbd/