Lớp học Hán Nôm ở làng Sơn Đồng

Ông Nghiêm Quốc Đạt nghiên cứu chữ Hán Nôm.

Làng Sơn Đồng cách trung tâm thành phố chưa đầy 20 km, nhưng vẫn còn nhiều nét của một ngôi làng cổ. Thi thoảng vẫn bắt gặp những đoạn đường lát gạch, những chiếc cổng cổ rêu phong. Sơn Đồng vốn là làng khoa bảng, với tám tiến sĩ trong các triều đại phong kiến. Trong đó, nổi danh nhất là tiến sĩ Nguyễn Viết Thứ, từng làm đến chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê Trung Hưng. Làng nổi tiếng với nghề làm hoành phi, câu đối. Đâu đâu cũng thấy chữ Hán, chữ Nôm trong các xưởng mộc. Nhưng hỏi chuyện học Hán Nôm, từ người già đến trẻ con đều chỉ đến một người: Ông đồ Vết. Ông đồ Vết tên thật là Nghiêm Quốc Đạt. Ông giáo Vết vốn dòng dõi Nho gia, ông nội là thầy đồ có tiếng. Ông học chữ Hán Nôm từ chính ông, cha mình. Không một ngày học trường sư phạm, nhưng ông Vết vẫn được người làng gọi là ông giáo, ông đồ. Ông giáo Vết nổi tiếng cả vùng, bởi ông là người duy nhất dạy chữ Hán Nôm ở đất Hoài Đức, rộng hơn, là cả mạn phía tây của Hà Nội. Hơn nữa, lại là người dạy miễn phí. Hiện giờ, lớp Hán Nôm ông tổ chức có 70 học trò, mỗi tuần đều đặn hai buổi lên lớp. Tuổi ngoại thất thập, nhưng vì sao ông không chịu nghỉ ngơi, mà lao tâm khổ tứ với dạy học. Được hỏi thế, ông Vết tâm sự: "Tôi thấy bọn trẻ bây giờ có điều kiện học hành hơn trước. Nhưng nhiều em không biết đến gia phong, không biết kính trên nhường dưới. Tôi mở lớp dạy Hán Nôm để dạy chữ, đồng thời, để dạy đạo làm người cho các cháu". Năm 2006, lớp học của ông Vết ra đời, với tên gọi lớp học Hán Nôm Sao Khuê. Truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của đất này được khơi dậy. Rất nhanh chóng, lớp Hán Nôm đã thu hút khoảng 40 học trò. Ban đầu, môn sinh theo học chủ yếu là người Sơn Đồng, dần dần, cả những người nơi xa cũng đi mấy chục cây số theo học. Lớp học Sao Khuê có lẽ là lớp học kỳ lạ nhất Việt Nam. Cụ già tóc bạc cũng là... bạn đồng môn với trẻ tiểu học. Học trò cao tuổi năm nay đã 82, học trò tầm từ 10 đến 12 tuổi khá phổ biến. Khác nhau về lứa tuổi, nhưng lớp học Hán Nôm Sao Khuê luôn diễn ra trong tiếng cười rộn rã. Đấy là cái tài của người dạy học. Ông giáo Vết có tài xuất khẩu thành thơ. Ví như để cho học trò học được chữ "Hiếu" một cách nhanh nhất, ông liền nghĩ ra câu đố bằng thơ vào áp dụng vào trong bài giảng: "Chữ gì đất ở trên cao/ Con đứng cắm sào đội ở dưới lên". Trong Hán văn, chữ "hiếu" được ghép từ hai chữ là chữ "thổ" ở trên và chữ "tử" ở dưới. Học trò nghe ông giáo Vết giảng đều mê tít. Có người làng Sơn Đồng ban đầu e dè dắt một đứa cháu đến học thử, vài hôm sau thấy cháu mình về nói chuyện hay quá, bèn mang luôn mấy đứa cháu đến gửi thầy. Lại có người đi học, thấy thầy giảng hấp dẫn, hôm sau dẫn cả vợ đến, hai vợ chồng cùng thi nhau mài mực tập viết. Với ông giáo Vết, tất cả tiếng cười, sự thú vị mà ông tạo ra, chỉ để nhằm một mục đích: rèn chữ - rèn người. Người xưa quan niệm "văn dĩ tải đạo", ông giáo Vết đặt việc rèn nhân cách cho học trò còn cao hơn cả việc dạy chữ. Dù là lớp học Hán Nôm của thời hiện đại, nhưng đến lớp, việc bắt buộc với các môn sinh là lễ nhập môn, rồi chuẩn bị nghiên, bút, mực tàu. Học trò mài mực rồi học viết bút lông như thủa xưa. Nhiều người thắc mắc tại sao nhất thiết phải theo nếp xưa. Ông giáo Vết cho họ biết rằng, muốn học chữ, trước hết là học làm người. Làm lễ nhập môn, dù thủ tục đơn giản, cũng để học trò hiểu truyền thống tôn sư, trọng đạo. Còn mài mực để rèn tính kiên trì, đồng thời bảo tồn một nét văn hóa xưa của cha ông. Với mỗi chữ, ông Đạt thường giảng giải rất kỹ về ý nghĩa của nó. Đặc biệt về nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, nền nếp gia phong, đạo lý làm người, cách ứng xử giao tiếp với bề trên kẻ dưới. Trong số những môn sinh của lớp Hán Nôm Sao Khuê, có cả những học trò vốn thuộc hàng thanh niên ngỗ ngược trong làng. Được thầy rèn giũa, được nghe đạo lý về đối nhân xử thế của cha ông, dần dần ngộ ra, thay đổi cách nghĩ, cách sống. Xưa kia, học chữ Hán Nôm là quá trình tốn nhiều công sức. Nhưng trong hoàn cảnh cuộc sống gấp gáp như ngày nay, học trò không thể dành nhiều thời gian cho học chữ Hán, chữ Nôm. Ông đồ Vết đã dày công nghiên cứu, nghiền ngẫm, để soạn giáo án riêng, không dựa vào Tam thiên tự hay Tam tự kinh như các cụ thủa trước. Cứ thế, việc học chữ được mở rộng dần. Với cách giảng ấy, rất nhiều môn sinh lớp Hán Nôm mới chỉ là những cô cậu học trò đang học... tiểu học. Ông giáo Vết làm quản trường tại Trường tiểu học Sơn Đồng, vì thế suốt ngày ông bận bịu. Vừa nhận viết câu đối, sửa câu đối, vẽ tranh thủy mặc... để kiếm thêm, trong lúc ra chơi giữa giờ, nhiều cô cậu học trò còn tranh thủ chạy xuống phòng bảo vệ nhờ thầy giảng giải thêm về chữ nghĩa. Những dịp hội hè, dịp Tết, ông giáo Vết tổ chức cả đoàn "ông đồ nhí" đi viết chữ tặng mọi người. Những cô, cậu học trò chừng 14,15 tuổi, đã biết bày mực tàu, giấy đỏ, nắn nót những chữ "Phúc", chữ "Thọ"... mừng tuổi ông bà, bố mẹ. Sau năm năm hoạt động, đến giờ, lớp Hán Nôm Sao Khuê đã có 420 môn sinh tốt nghiệp. Trước đây, các môn sinh từng phải đi học nhờ trong nhà thờ họ ở làng. Giờ, Trường tiểu học Sơn Đồng cho ông mượn một phòng học, thầy trò có địa điểm học tập ổn định hơn. Nhiều người học ở lớp Sao Khuê đã có thể viết thư pháp. Có người sau khi học xong, làm nghề chạm chữ Nho trên bia đá. Một số người làng Sơn Đồng làm nghề chạm chữ trên hoành phi, câu đối, trước đây chỉ nhận chạm chữ theo mẫu, nay tay nghề lên hẳn vì nét chạm tinh tế hơn, lại biết giảng giải cho khách hàng ý nghĩa sâu sắc của câu đối... Năm nay đã hơn 70 tuổi, ông đồ Vết ao ước mình có sức khỏe tốt để tiếp tục công việc dạy học, có địa điểm rộng hơn để chiêu sinh thêm nhiều học trò, để truyền cho con cháu cái hay, cái đẹp, sự sâu sắc của văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/tranghanoi/tinchung/l-p-h-c-han-nom-lang-s-n-ng-1.306441