Lớp chuyên trong trường thường: Bất cập từ thực tiễn

Do lịch sử để lại, Hà Nội và TPHCM tồn tại các lớp chuyên trong trường thường.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TPHCM) tham gia cuộc thi tranh biện mang tên “Thanh niên trong thời đại mới” do nhà trường tổ chức. Ảnh: Website nhà trường

Điều này gây khó khăn với công tác phân bổ nguồn lực, tổ chức nhà trường, khó tuyển sinh, chưa thực sự phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Hai cơ chế

Dù là trường có lớp chuyên, sở hữu nhiều thành tích nhưng chế độ đãi ngộ, học bổng lại khác nhau. Tại Hà Nội, học sinh lớp chuyên tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây không được hưởng chính sách như 2 trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ.

Năm 2021, UBND TP Hà Nội quyết định cấp học bổng cho học sinh trường chuyên với mức hỗ trợ 1 tháng tối thiểu bằng 3 lần mức thu học phí hiện hành. Tuy nhiên, bất cập nảy sinh khi chỉ có học sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ được nhận mức học bổng này; còn học sinh hệ chuyên của Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây không được hưởng.

Nguyễn Thu Trang - học sinh Trường THPT Chu Văn An cho biết, dù tự hào là học sinh lớp chuyên của ngôi trường hơn trăm tuổi nhưng không khỏi chạnh lòng bởi các bạn cùng khóa ở trường chuyên khác được nhận ưu đãi hơn rất nhiều. Cùng là học sinh lớp chuyên, phải thi đầu vào nhưng điều kiện học tập có khoảng cách không nhỏ.

Chung tâm tư, một giáo viên tại Trường THPT Sơn Tây cũng cho biết, giảng dạy lớp chuyên đòi hỏi đầu tư chuyên sâu về môn chuyên, trong khi đó cơ chế chính sách và đầu tư có sự khác biệt giữa các trường. Việc tổ chức thế nào, phân công giáo viên đứng lớp chuyên ra sao chưa có quy định cụ thể, vì thế không phát huy được nguồn lực.

Bà Hoàng Thị Thu Phương - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP, trên cơ sở tờ trình của UBND, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 08/2020/NQ-HĐND về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền, trong đó có nội dung về học bổng cho học sinh chuyên.

Nếu theo Nghị quyết này, chỉ học sinh thuộc 2 trường chuyên THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ được hưởng mức hỗ trợ. Trong khi đó, học sinh lớp chuyên Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây không được nhận hỗ trợ vì không phải là học sinh trường THPT chuyên.

Sở GD&ĐT Hà Nội nhìn nhận việc có học sinh ở các trường THPT có hệ chuyên (không phải trường chuyên) vốn là đặc thù của Hà Nội nhiều năm nay. Chưa kể, học sinh hệ chuyên các trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây đã mang về nhiều thành tích cho Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, chế độ phải thực hiện theo quy định.

Học sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2023. Ảnh: Vân Anh

Không tuyển đủ chỉ tiêu

Tại TPHCM, ngoài 2 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT Lê Hồng Phong, có 4 trường THPT khác cùng thực hiện tuyển sinh lớp chuyên gồm Trường THPT Gia Định, THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Nguyễn Hữu Huân và THPT Nguyễn Thượng Hiền. Nhiều năm nay, việc tuyển sinh lớp chuyên trong các trường thường gặp khó khi liên tục thiếu hụt chỉ tiêu. Theo quy định, mỗi lớp chuyên được tuyển không quá 35 học sinh/lớp, song hầu hết lớp chuyên ở trường không chuyên tuyển không đủ chỉ tiêu này.

Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TPHCM) tuyển 175 chỉ tiêu cho 5 lớp chuyên Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa và Tiếng Anh. Tuy nhiên, ở lớp chuyên Lý chỉ tuyển được 8/35 chỉ tiêu. Ở 4 lớp chuyên khác của trường là Ngữ văn, Toán, Hóa học, Tiếng Anh dù tuyển được nhiều hơn so với chuyên Lý nhưng cũng không tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra.

Do lớp chuyên Lý năm học này chỉ tuyển được 8 chỉ tiêu, không đủ để mở lớp vì vậy từ đầu năm đến nay trường phải xếp dồn những học sinh này vào lớp chuyên Hóa. Khi đến giờ học môn chuyên Lý, 8 học sinh này được tách ra để giáo viên dạy chuyên, khiến công tác dạy và học của trường gặp khó.

Tương tự, năm học 2023 - 2024, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) tuyển 175 chỉ tiêu lớp 10 chuyên ở 5 lớp chuyên, gồm chuyên Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học và Tiếng Anh. Dù là trường dẫn đầu điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM nhiều năm qua song cả 5 lớp chuyên của trường vẫn thiếu 21 chỉ tiêu. Trong đó, thiếu nhiều nhất là lớp chuyên Toán với 10 chỉ tiêu. Trong năm học trước, trường cũng thiếu 23 chỉ tiêu ở 3 lớp chuyên là Toán, Vật lý, Hóa học.

Tại Trường THPT Gia Định, năm học 2023 - 2024, cả 6 lớp chuyên Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh và Tin học không tuyển đủ chỉ tiêu, thực tế mỗi lớp chuyên chỉ tuyển được cao nhất 33 học sinh (chuyên Hóa), chuyên Tin 30 học sinh, còn lại thiếu từ 9 - 11 chỉ tiêu/lớp chuyên. Riêng năm học 2022 - 2023, với tổng số 210 chỉ tiêu đặt ra, trường thiếu 40 chỉ tiêu.

Đây cũng là thực tế tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Quận 6). Năm học 2023 - 2024, với 6 lớp chuyên là Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tiếng Anh, trường chỉ tuyển được 155/210 chỉ tiêu. Điều này khiến các lớp chuyên đều thiếu từ 10 - 12 chỉ tiêu.

Do tuyển không đủ chỉ tiêu chuyên ở khắp các trường THPT thường có lớp chuyên, năm học 2023 - 2024 cũng là năm TPHCM có mức chỉ tiêu tuyển bổ sung cao nhất. Trong tổng số 314 chỉ tiêu tuyển bổ sung chuyên (bao gồm cả 2 trường THPT chuyên) thì riêng 4 trường THPT thường có lớp chuyên đã cần tuyển bổ sung đến 174 chỉ tiêu (chiếm gần 1/4 tổng số chỉ tiêu chuyên đặt ra của 4 trường - 770 chỉ tiêu).

Học sinh Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Nhìn nhận lại sứ mệnh

Từ năm học 2025 - 2026, TPHCM dừng tuyển học sinh lớp chuyên trong các trường thường gồm: THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định, THPT Nguyễn Hữu Huân, THPT Mạc Đĩnh Chi. Đồng tình với quyết định này, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) chia sẻ, với Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, Bộ GD&ĐT đã “xóa sổ” lớp thường trong trường chuyên, điều này đồng nghĩa việc đầu tư nguồn ngân sách cho công tác đào tạo mũi nhọn, nhân tài sẽ mang tính trọng tâm hơn.

Việc tuyển sinh lớp chuyên trong trường THPT thường tại TPHCM chưa thực sự phù hợp. Cụ thể, khi tổ chức lớp chuyên trong trường THPT thường thì trường THPT đó sẽ nhận 2 nguồn ngân sách đào tạo khác nhau, việc điều hành dẫn đến phức tạp. Nhiều năm nay hiệu suất đào tạo của hệ thống lớp chuyên trong trường thường không đạt hiệu quả cao.

Cũng theo một số hiệu trưởng trường THPT thường có lớp chuyên tại TPHCM, việc dừng tuyển sinh lớp thường trong 2 trường chuyên THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT Trần Đại Nghĩa có thể sẽ tác động mạnh đến việc tuyển sinh lớp chuyên tại đơn vị, khiến tuyển sinh “đã khó càng thêm khó”.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&Đ TPHCM cho biết: Khi trường chuyên tăng chỉ tiêu thì việc tuyển sinh lớp chuyên trong trường thường bị ảnh hưởng. Theo ông Ngai, đây là xu hướng tất yếu. Trước đó TPHCM phải dừng tuyển sinh lớp chuyên ở 3 trường THPT ngoại thành cũng vì lý do không thu hút được học sinh, không tuyển đủ chỉ tiêu…

“Hiện các trường THPT thường có lớp chuyên không chỉ chịu “sức ép” từ phía trường THPT chuyên mà còn phải cạnh tranh với chính trường THPT thường. Điều kiện, môi trường giảng dạy ở các trường THPT đều tốt, học sinh được tạo môi trường để phát triển ở những môn học sở trường, thế mạnh của mình”, ông Ngai chia sẻ.

Thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT, Hà Nội dự kiến xây dựng, lập đề án để Trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây thành trường chuyên. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các nhà trường phải có thời gian chuẩn bị.

Cô Lương Quỳnh Lan - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây cho biết: Trường THPT Sơn Tây có lịch sử 60 năm hình thành và phát triển, cũng là niềm tự hào của người dân Sơn Tây và vùng văn hiến xứ Đoài. Để đạt thành tích đó, trường thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh, lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu.

Theo quy định sẽ không còn lớp thường trong trường chuyên và lớp chuyên trong trường thường. Do đó, việc Trường THPT Sơn Tây chuyển đổi thành mô hình trường chuyên là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn phát triển để nhận được sự đầu tư chính thức của Nhà nước, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và Luật Giáo dục năm 2019.

Các giáo viên Trường THPT Sơn Tây cũng bày tỏ nhất trí khi xây dựng thành trường chuyên và cho rằng, đây là cơ hội tốt để nâng cao vị thế nhà trường. Giáo viên có thêm cơ hội được học tập, phát triển chuyên môn và kỹ năng; học sinh được hưởng lợi nhiều hơn khi có các chính sách về học bổng, ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi…

Còn theo cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, dù có lớp chuyên nhưng vẫn là trường THPT công lập nên trường không được hưởng chính sách đầu tư; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chính sách ưu đãi dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh như các trường THPT chuyên.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh, giáo viên nhà trường mà còn không phát huy được các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.

Mặc khác, tuy có nhiều tiến bộ về thành tích mũi nhọn nhưng chất lượng đào tạo của trường chưa thực sự bền vững; thành tích vẫn không thể sánh bằng các trường chuyên lớn trên cả nước. Để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, vươn đến chất lượng mang tầm khu vực và quốc tế, trường cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư thích đáng.

Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây nằm trong số 117 trường THPT công lập do Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý, không thuộc hệ thống trường chuyên, hoạt động theo quy chế trường công lập. Tổ chức lại và đổi tên từ Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Sơn Tây thành Trường THPT chuyên Chu Văn An,

Trường THPT chuyên Sơn Tây là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Điều này vừa bám chắc thực tiễn, vừa thực hiện đúng quy định của pháp luật, mở ra hướng phát triển cho giáo dục Thủ đô, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. - Ông Trần Thế Cương (Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội)

Lan Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lop-chuyen-trong-truong-thuong-bat-cap-tu-thuc-tien-post682831.html