'Lóng ngóng' như chồng chăm vợ đẻ

Ngày nay, việc các ông chồng “xông pha trận mạc” cùng vợ trong ngày “vượt cạn” đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên xung quanh việc đồng hành cùng bà xã trong ngày trọng đại, hay chăm vợ sau sinh cũng có bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười.

Nếu như trước đây các bà các chị thường ca thán “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạnmồ côi một mình” thì nay chuyện các “đức lang quân”, “xông pha trận mạc”, sẵn sàng đồng hành với vợ trong ngày “vượt cạn” đã trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên xung quanh việc đồng hành cùng bà xã trong ngày trọng đại, hay chăm vợ sau sinh cũng có bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười khiến sản phụ vừa giận vừa thương.

Giận thì giận...

Bé Na giờ đang gần 2 tuổi nhưng mỗi lần nghĩ lại chuyện đi đẻ, chị Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa buồn cười vừa giận ông chồng “công tử bột” nhà mình. Chị kể trước khi lấy hai vợ chồng đã yêu nhau được 1 năm, biết ông ấy được mẹ chồng chiều từ nhỏ nên khi bầu bí chị cũng cố gắng lôi kéo, dụ dỗ ông xã bằng mọi cách phải vào viện cùng để chồng vừa cảm nhận được nỗi vất vả của vợ khi “lâm bồn” lại vun đắp thêm tình cảm vợ chồng. Ấy thế mà đến lúc thấy dấu hiệu sinh, chị giục chồng đưa vào bệnh viện thiồng ý cứ bình chân như vại: “Để anh xem hết trận Chế này đã. Đang hay. Ôi hôm nay chim sẻ đi nắng đánh tuyệt thế”.

Ngày nay nhiều đấng lang quân đồng hành cùng vợ trong ngày “vượt cạn” (Ảnh minh họa)

Bực mình, chị định một mình ra đầu ngõ bắt xe taxi vào viện mặc kệ ông chồng “vô tâm số 1” nhà mình thì may sao ông ấy cũng biết điều đứng dậy đưa vợ vào viện. Vào phòng nằm chờ sinh, đau đến không ngủ được thì chồng buông một câu xanh rờn “Em không ngủ được à. Ngồi quạt cho anh ngủ nhé”. Lúc vợ mổ xong, khóc ri rỉ thì chồng mặt tươi như hoa, chả an ủi động viên được câu nào. Mà cũng sợ không dám bế con, lóng nga lóng ngóng sợ làm rơi con, làm đau con. Đêm xuống, con khóc vì tè dầm và đói thì gọi mãi không được. Dùng điện thoại để gọi cũng không xong. Ném bao nhiêu đồ vào người chồng để gọi mà ông ấy mãi chả dậy. Sáng hôm sau lại bảo “Con ngoan thế. Chả dậy đòi ăn gì em nhỉ”. Giờ thì suốt ngày: "Con gái yêu của bố". Con gái thì sáng ra dậy là ôm bố, tình cảm lắm.

Khác với ông chồng bị “ép” phải vào viện với vợ dù “anh sợ lắm” của chị Thanh Hương, chồng chị Hoài Thu lại chủ động đưa vợ vào viện dù hai vợ chồng ở với ông bà nội. Những tưởng chủ động như thế thì anh sẽ vững tâm, bình tĩnh trong mọi tình huống ai dè cũng lúng túng như gà mắc tóc. “7h sáng hai vợ chồng ôm túi đồ chuẩn bị sẵn vào viện. Đến chiều bác sĩ buộc phải mổ. Đưa chồng tờ cam kết để ký thì chồng hỏi: “Viết cái gì vào đây em?”, “Ký tên anh vào?”, “Anh tên gì?” rồi mãi cũng không chịu ký. Cuối cùng cũng phải ngoãn ngoãn ký giấy vì bác sĩ dọa nếu chần chừ con sẽ chết ngạt. Sinh xong chồng nghỉ phép chăm vợ, chăm con. Nói là vậy thôi chứ hóa ra ông xã kết hợp vừa "đuổi ma" cho vợ vừa kết hợp xem bóng đá vào buổi tối. Ban ngày bà nội vào đưa cơm, đưa cháo cho con dâu, chồng phi sang giường bên cạnh ngủ thẳng cẳng. Nhờ đi mua cho vợ cái gì cũng chả được. Đấy thế thì chăm vợ cái nỗi gì chứ".

Mà thương lại càng thương...

Ông bà nội ngoại ở xa nên hai lần đi đẻ chị Thanh Tâm (Long Biên, Hà Nội) đều được chồng đưa đi. “Lần đầu sinh bé Mít, chồng cứ luống ca luống cuống, hỏi mình: “Có được không em. Anh đọc sách, đọc báo thấy đau lắm. Anh lo quá”. Mình sinh xong nhưng chưa được về phòng, chồng ở ngoài đi tới đi lui vì “chỉ sợ vợ làm sao thì...”. Đến đứa thứ hai có kinh nghiệm rồi nên cũng đỡ. Nhưng chồng vẫn lo vì mình lớn tuổi, thời gian sinh lại cách nhau đến 9 năm. Vỡ ối lúc 4h sáng, hai vợ chồng vội đưa nhau vào bệnh viện, làm thủ tục thì đến 7h sáng mình sinh bé Nghé. Sinh xong đang nằm chờ để ra ngoài phòng thì thấy bàn tay ai chạm vào má, nhìn lên thấy chồng cười rạng rỡ thì bỗng nghe “Anh kia, ai cho anh vào đây. Đi ra ngoài mau”. Chồng cuống quýt ra ngoài. “Anh đi mua sữa về nhé”. Thấy sao mà yêu thế”.

Có chồng bên cạnh là mong ước của các sản phụ (Ảnh minh họa)

Cũng như chị Thanh Tâm, hầu hết các chị đều cảm động rớt nước mắt khi cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc của đấng lang quân trong những giờ phút thiêng liêng. Chị Bích Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: “Mình trở dạ bé Tít vào lúc 2 giờ sáng, thấy cũng hơi lo một chút thôi nhưng chồng thì mặt cắt không còn một hột máu, nhìn như sắp lên thớt vậy. Hai vợ chồng kéo nhau vào viện. Đến 6 giờ sáng, bác sĩ gọi mình dậy để chuẩn bị sinh, may mà dễ nên chỉ 2 hơi là Tít đã ra. Mình cứ nghĩ cha cắt rốn cho con là cảm động, gần gũi lắm nên bảo chồng lãnh nhiệm vụ ấy. Ai dè máu bắn lên khiến mặt anh tím tái. Thấy áy náy kinh khủng”.

“Sinh xong, sợ mình không ăn được cơm bệnh viện anh chạy đi chạy lại gần 1 tuần. Thương quá mình khóc thì anh bảo. “Không sao. Anh không mệt. Chỉ thèm được ngủ thôi”. Mình bị tắc tia sữa, máy hút không được, đau quá, bà ngoại thì ngày ra sức nặn, nắn cho vú mềm lại. Tối đến mình nói nhỏ chồng bú tí cho thông chứ em đau quá thế là chồng cũng ngoan ngoãn làm theo. Sau khi về nhà, nhìn con hau háu ti mẹ, chồng nói sữa thơm ngon thế trẻ con thích là phải”.

Có thể nói được đấng lang quân chăm sóc từng ly từng tý trong ngày "vượt cạn" và những ngày sau sinh là niềm hạnh phúc của mọi chị em. Dù ông xã có vụng về, lúng túng, lóng nga lóng ngóng như "gà mắc tóc" nhưng những cử chỉ, hành động yêu thương ấy sẽ đọng lại mãi trong lòng người phụ nữ của họ và tiếp thêm động lực cho chị em trong bước đường "giữ lửa" cho tổ ấm của mình.

Theo Khampha

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nuoi-day-con/long-ngong-nhu-chong-cham-vo-de-20131105033155797.htm