Lồng lộng dưới bóng cờ Lũng Cú

Những ngày tháng 9, biên giới Hà Giang thật lạ. Cái lạnh đã len lỏi giữa núi rừng nhàn nhạt nắng, cái màu óng như mật ong ấy dường như khiến cảnh sắc mùa thu thật gợi cảm và cũng thật nồng nàn. Ngắm những người đồng đội trong bộ quân phục dã chiến tuần tra qua cột mốc Séo Lủng nơi cột cờ tột Bắc, tôi lại nhớ nao lòng câu thơ của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình: '...Chúng tôi đi/ Hành trang giản dị/ Quân phục bạc màu nắng gió/ Tiếng hát bay dọc đường tuần tra/ Lấy cột mốc làm vạch nhịp bài ca/ Trọng âm dồn nhịp bước...'. Toàn tuyến biên giới Hà Giang có 442 mốc giới gồm 358 mốc chính, 84 mốc phụ đều trên những khu vực núi đá trùng điệp, nên việc đến được mốc là điều không hề đơn giản.

Nhân dân xã Phố Là cõng mốc 380 lên đỉnh núi. Ảnh: Vân Anh

Nhân dân xã Phố Là cõng mốc 380 lên đỉnh núi. Ảnh: Vân Anh

Tại Hà Giang cũng như hầu hết các tuyến biên giới khác, để hoàn thành việc phân giới cắm mốc tại một điểm cụ thể cần trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm nhiệm vụ này phải hết sức thận trọng. Có đến 2/3 vị trí phân giới cắm mốc trên địa bàn Hà Giang là chiến trường xưa, còn chứa trong lòng đất, khe núi, đáy sông hàng tấn bom mìn, lựu đạn... có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Trước khi bắt tay vào khảo sát địa bàn, lực lượng Công binh của các quân khu, BĐBP các tỉnh biên giới phía Bắc phải tiến hành rà phá bom mìn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phân giới cắm mốc. Mồ hôi, máu và nước mắt đã đổ xuống cho mỗi cột mốc biên giới được dựng lên; cho mỗi tấc đất biên cương được yên bình. Công việc ấy đã kéo dài qua nhiều thời kỳ, qua nhiều thế hệ.

Ở độ cao gần 800m, khu vực mốc 425, 428 biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa phận bản Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là điểm “check-in” mà bất cứ ai yêu biên cương đều phải đến một lần. Đây là những điểm cao nhất cực Bắc trên bản đồ nước ta, là nơi con sông Nho Quế như một con trăn gió trườn từ lòng đá để mang nước ngọt cho những bản làng quanh năm khô khát.

Theo lời Đại úy Vừ Mí Chứ, cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú, tuy mốc 425 mới là mốc ở điểm cao nhất, song, do thỏa thuận về phân giới cắm mốc giữa hai nước, mốc số lẻ do Trung Quốc cắm, mốc số chẵn do Việt Nam cắm nên mốc 428 là nơi mà các bạn trẻ không ngại trekking vất vả suốt hơn 2 giờ đồng hồ để đến. Cùng với một nhóm bạn đến từ các tỉnh phía Nam, chúng tôi leo dốc vượt 2km để xuống mốc 428. Dốc nối trập trùng, đường đi bé bằng bụng ngựa, một bên là đá, một bên là vực sâu...

Mốc 428 là mốc đơn loại nhỏ, đặt trên dốc núi thuộc địa bàn xã Lũng Cú. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 28/4/2008 tại tọa độ 23.379741, 105.306454. Để có được vị trí đặt mốc mà chúng tôi đang đứng hôm nay, là biết bao trí tuệ, mồ hôi, công sức của chính quyền, lực lượng chức năng và nhất là nhân dân Séo Lủng. Để đưa được cột mốc lên cắm tại vị trí này phải mất đến hai năm và chủ yếu dựa vào sức người mang vác nguyên vật liệu, cõng mốc. Điều thú vị là đang cuối mùa tam giác mạch và dã quỳ, nên hành trình như ngắn lại bởi hoa cỏ vùng biên lưu luyến gọi mời.

Và tôi không khỏi bồi hồi nói với những người bạn mới quen rằng, trong suốt nhiều năm, cột mốc này từng là điểm nóng xảy ra tranh chấp trong đàm phán phân giới cắm mốc giữa hai bên. Những ngày cắm chốt tại đây để khảo sát và đấu tranh trên thực địa với đội chức năng của nước bạn, để có nước sinh hoạt, anh em cán bộ, chiến sĩ nhóm phân giới cắm mốc số 5 Hà Giang phải đào nhiều hố sâu quanh khu vực dựng trại, lót nylon sạch để hứng nước mưa hoặc sương đêm. Sáng ra, những hố nước đọng đỏ đất cao nguyên ấy được chắt từng bát để rửa mặt, đánh răng và nấu ăn sáng cho cả nhóm. Trâm Anh, cô bạn trẻ đang là giáo viên một trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh mắt đỏ hoe như muốn khóc bởi cảm xúc yêu thương, đầy tự hào đột ngột dâng trào.

Từ mốc 428, những bản làng xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen, tất cả ngời lên một sức sống bền bỉ, trường tồn nơi biển đá. Ðây cũng là nơi dòng Nho Quế uốn khúc đổ vào đất Việt, dòng sông lúc này chỉ còn như sợi chỉ mong manh. Ta có thể đi trên sông Nho Quế bằng thuyền độc mộc, vừa ngắm cảnh, vừa nghe người lái đò kể truyền thuyết bí ẩn vùng núi cao. Mặt nước ngày ngày soi bóng cờ bay, hắt lên không gian một quầng sáng huyền ảo. Khi nhìn lên, ta sẽ thấy trước mắt mình lồng lộng một sắc đỏ diệu kỳ trên nền xanh bát ngát. Ðó chính là lá cờ cuộn bay uy nghi, tất cả đã lý giải sức tồn tại mãnh liệt đến kỳ diệu của dân tộc Việt Nam hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Tên gọi Lũng Cú có nhiều cách lý giải; có người nói đó đúng ra phải gọi là Long Cư, có nghĩa là nơi rồng ở, nên đỉnh núi cao nhất của vùng đất Lũng Cú được đặt tên là núi Rồng. Người lại nói Lũng Cú là cách đọc chệch của từ Lũng Cừu, theo ngôn ngữ của người Mông thì có nghĩa là Lũng Ngô, bởi cánh đồng Thèn Pả trồng nhiều ngô. Lại có giả thiết, Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất.

Nhưng nhiều người cho rằng: Lũng Cú có lẽ bắt đầu từ chữ Long Cổ, nghĩa là trống rồng. Có hai truyền thuyết về chiếc trống của vua gắn bó với vùng đất cực Bắc này. Trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Lũng Cú hiện nay thì chỉ có người Lô Lô là sử dụng thành thạo trống đồng. Trống đồng của đồng bào Lô Lô có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn, như vậy có thể nói họ đã được ban tặng và hiện còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu rực rỡ của thời Hùng Vương.

Bên bếp lửa, cụ Lan Chia, già làng người Lô Lô kể cho chúng tôi biết rằng, năm 1991, được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, nhân dân các dân tộc Lũng Cú đã tỏa đi khắp các vùng rừng, lên những mỏm núi cao nhất, xa nhất để tìm cho được một cây pơ mu cao gần 13m, thân thẳng đứng như mũi tên hướng lên trời kiêu dũng. Gần hai mươi trai tráng sức vóc như con trâu mộng cưa cây mất hai ngày rồi cũng chính những đôi vai ấy đã nâng bổng thân cây nặng hàng tạ để đưa lên đỉnh núi Rồng làm cột cờ bằng gỗ đầu tiên.

Người dân Lũng Cú hồn hậu, sức vóc dẻo dai ấy đã đi qua cái đói, vượt qua cái rét và bệnh tật hoành hành để bám trụ trên mảnh đất biên viễn quê nhà. Tổ quốc đặt lên vai họ sứ mệnh đứng chân tại vùng đất này nên tất thảy đều kiên gan bám trụ, không ai muốn rời bản mà đi. Trưởng bản Séo Lủng bảo, được ở đất quê mình dẫu có bữa no, bữa đói vẫn còn hơn là ly hương nơi xứ người. Vâng, chính những con người nhỏ bé đó đã từng đi vào trang văn của nhà văn Nguyễn Tuân khi ông đến thăm Lũng Cú rằng: “Gặp được những người đồng chí như họ, ta thấy núi non mình tốt lành, đẹp khỏe”.

Cũng trên cao nguyên đá Đồng Văn, xã Phố Là nổi tiếng với vùng rừng xanh của mình dẫu địa hình và khí hậu nơi đây vô cùng khắc nghiệt. Cụ Củng Diu Suyền - một thầy thuốc người Pu Péo nổi tiếng của cả vùng cho biết, rừng Phố Là rất sẵn nhiều thuốc quý và cây gỗ quý hàng trăm tuổi, được coi là rừng thiêng của người Pu Péo. Năm 2008, tôi đã cùng nhóm phân giới cắm mốc số 5 đưa cột mốc số 380 vượt dốc cao hun hút lên đỉnh núi Phố Là. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyên, nhóm trưởng thực sự xúc động bởi để có thể cắm cột mốc tại vị trí này, nhóm của anh đã phải trải qua 6 tháng đàm phán và đấu tranh với phía bạn.

Anh kể: “Ngày đó, khi tiến hành khảo sát song phương, một nữ đồng chí làm trưởng nhóm phân giới cắm mốc của bạn đã hỏi tôi: “Đồng chí xác định vị trí này, nghĩa là lấn sang đất của chúng tôi, nếu sai, đồng chí có xấu hổ không?”. Tôi trả trả lời: “Căn cứ vào các dấu mốc, chúng tôi xác định đây là khu vực cắm mốc. Nếu sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Qua làm việc, tôi nhận thấy phía bạn có nhiều kinh nghiệm trong công tác phân giới cắm mốc và công tác ngoại giao nên họ có điều kiện bảo vệ quyền lợi của họ, gây không ít khó khăn cho ta nên hơn lúc nào hết, tôi xác định phải căng mọi giác quan để tìm ra biện pháp xử lý tình thế nhằm đảm bảo có lợi nhất cho ta. Bằng mọi giá phải kiên trì thuyết phục, tìm đủ mọi lý lẽ để giữ từng tấc đất”.

Dưới chân mốc 380, có thể nhìn thấy bản của người Pu Péo với những mái ngói âm dương trầm mặc cùng rừng thiêng xanh ngút ngát. Mặc dù có dân số không đông, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang thực sự là những “phên dậu” vững vàng nơi biên giới. Già Cháng Mí Hồ cùng với những bà con đồng tộc của ông trong những năm tháng chiến tranh biên giới đã kiên trì bám bản, bám rừng, ở lại vùng đất này để giúp đỡ bộ đội chiến đấu chứ không di tản về tuyến sau. Ông đặt bức ảnh Bác Hồ thật trang trọng trên bàn thờ tổ tiên của gia đình mình để luôn nhớ rằng, Cụ Hồ luôn là người trồng cây đại đoàn kết, là người cha vĩ đại của mọi dân tộc Việt Nam. Thanh niên Pu Péo yêu nước, tin tưởng BĐBP tình nguyện tham gia dân quân tự vệ để bảo vệ mảnh đất quê hương mình. Những ngôi sao vuông lấp lánh giữa núi rừng thay cho lời khẳng định, cột mốc 380 sẽ vững bền vạn thuở bởi còn có hàng trăm cột mốc đã được dựng trong lòng mỗi người con Pu Péo.

Ðến với Hà Giang là đến với một vùng biên cương còn nhiều nhọc nhằn, gian khó nhưng cũng rất đỗi anh hùng. Miền đá mênh mông này đã lưu giữ biết bao ký ức hào hùng của quân dân biên giới để hôm nay có được những cột mốc đầy kiêu hãnh - ký ức về ngọn cờ thiêng cực Bắc, ký ức về một thời máu lửa bi tráng, ký ức về biết bao mồ hôi, nước mắt đổ xuống đất này để màu xanh chảy tràn trên màu đá, tạo nên ngô vàng, gạo tím và rượu nồng.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/long-long-duoi-bong-co-lung-cu-post466894.html