Lòng biết ơn nguồn cội

Tản văn của Thu Đình

Hồi còn nhỏ, vào những dịp lễ tết, bố tôi thường nhắc đến câu: “Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Những dịp ấy, tôi lại được bố chở đi thăm ông bà, họ hàng nội ngoại. Những hôm nhà có giỗ, trước bàn thờ gia tiên, tôi luôn thấy bố chỉn chu, nghiêm cẩn, thành kính vô cùng... Từ nếp nhà như thế, bố đã giúp anh em chúng tôi nhận ra, làm gì cũng phải luôn biết trân quý, nhớ ơn đến quá khứ, cội nguồn!

Cội nguồn là gốc rễ, là cái ban đầu, cái có trước để có thể sản sinh ra những giá trị tiếp theo, như con người không thể không có tổ tông, dòng sông không thể không có nguồn nước, biển dù rộng lớn đến đâu cũng là kết quả của muôn sông đổ về,… Chẳng có cái gì trong hiện tại lại không có mối liên hệ với quá khứ, chẳng có thành quả nào lại không phải là quá trình bồi tụ, phát triển từ quá khứ, cội nguồn!

Trong tín ngưỡng sùng bái con người của người Việt, chẳng ai lại không biết đến ngày Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Đúng như câu ca bao đời truyền tụng: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, vào ngày này, Nhân dân cả nước lại hướng về Đền Hùng như về với nguồn cội. Nhớ đến ngày Giỗ Tổ để ta biết nhớ đến công ơn “các vua Hùng đã có công dựng nước”, càng thêm tự hào về dòng giống con Lạc cháu Hồng. Đó cũng là nguồn cội sâu xa, mạch ngầm chảy trong tim bao thế hệ làm nên tinh thần, cốt cách, phẩm chất tốt đẹp của người Việt.

 Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Trong trái tim mỗi người, xúc động và thiêng liêng biết bao khi ta nghĩ về nguồn cội quê hương, đất nước. Từ hàng xoan trước ngõ, chùm khế trong vườn đến “những gốc lúa bờ tre hồn hậu” hay núi sông, biển cả hùng vĩ, bao la,… quê hương, đất nước đã trở thành hình tượng gần gũi mà cao cả. Đó là sợi dây liên kết tưởng như vô hình mà bền chặt, giục giã bước chân ai nơi đất khách quê người luôn đau đáu ngóng mong trở về. Đó là động lực, niềm tin để ta biết vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương đẹp giàu; nghe theo tiếng gọi non sông, biết sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại.

Nguồn cội, với người Việt, gần gũi và thiết thân hơn, ấy là gia đình. Gia đình là tổ tiên, ông bà, những người làm nên họ hàng, gia tộc để ta biết “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Gia đình là mẹ cha ta, những người đã sinh thành, dưỡng dục, yêu thương ta vô điều kiện, vì ta mà sẵn sàng chấp nhận tất cả những vất vả, khó khăn. Gia đình là anh chị em ta, cùng lớn lên với biết bao kỷ niệm. Gia đình còn là tổ ấm của riêng ta khi ta đã trưởng thành. Nơi ấy có bờ vai vững chãi của chồng, có đôi bàn tay tảo tần của vợ, có tiếng cười giòn giã của con thơ,… để ta được trở về, được bình yên và hạnh phúc sau những lo toan, bộn bề.

Cội nguồn, đó còn là tất cả những ai đã và đang không ngừng lao động, cống hiến để tạo ra bao thành quả cho ta được hưởng thụ. Đó có thể là thầy cô ta đã cho ta tri thức để ta vững vàng bước đến những chân trời sáng tạo. Đó cũng có thể là bất kỳ ai đã giúp đỡ ta lúc khó khăn, hoạn nạn để ta nhận ra “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nghĩ về cội nguồn, thật thương và cảm thông cho những ai vì gánh nặng mưu sinh mà phải xa xứ, xa gia đình, người thân. Nhưng cũng thật đáng trách với những ai sống mà không biết đến quá khứ, nguồn cội; vong ơn, vô cảm với những gì đã cho họ có được cuộc sống tốt đẹp trong hiện tại.

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Lá rụng về cội”,… lời nhắn nhủ về lòng biết ơn mà cha ông ta để lại đơn giản là thế mà sâu sắc vô cùng. Bởi biết ơn là cái gốc của nhân văn, là thước đo giá trị ở mỗi con người!

1,712

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/long-biet-on-nguon-coi-92370.html