Long An loay hoay tìm đầu ra bền vững cho trái thanh long

Dù trái thanh long Việt Nam không còn ở thời hoàng kim khi giá cả lên xuống thất thường nhưng tỉnh Long An vẫn xem đây là cây trồng chủ lực. Tỉnh Long An đã và đang thực hiện các phương án điều tiết trong sản xuất tiêu thụ từ đó tìm hướng đi bền vững cho cây trồng này.

Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực

Theo Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An, trái thanh long Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các nước trong khu vực, thậm chí là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ khoảng 80% trái thanh long của nước ta. Tuy nhiên, Long An vẫn xem thanh long là cây trồng chủ lực, bởi trái thanh long của tỉnh được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã, giá cả có thể cạnh tranh được với các thị trường khác.

Ông Trương Quang An, Chủ tịch HĐQT-Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An cho biết, đến thời điểm này, diện tích thanh long của tỉnh vẫn được duy trì ở mức 8.900ha. Long An vẫn xác định, Trung Quốc là thị trường chủ lực, kế đến là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thanh long Long An vẫn được nhiều bạn hàng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã (Ảnh: NQ)

Thanh long Long An vẫn được nhiều bạn hàng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã (Ảnh: NQ)

Dù giá thanh long không còn như thời hoàng kim, nhưng nếu linh hoạt trong sản xuất trái vụ, kiểm soát hợp lý sản lượng, với giá 25-30.000 đồng/kg, người trồng thanh long vẫn có lời và tăng trưởng ổn định.

“Ví dụ như nhu cầu thị trường 100 tấn thì mình chỉ sản xuất 90 tấn để ổn định giá. Lúc trước tỉnh nào cũng trồng thì cung vượt cầu, nước ngoài họ cũng trồng được thì làm gì có giá cao nữa. Còn bây giờ chỉ còn cách điều tiết sản lượng giảm nguồn cung thấp hơn cầu chút thì trái thanh long mới có giá” - ông Trương Quang An chia sẻ.

Kiểm soát sản xuất

Hiệp hội Thanh Long tỉnh Long An khẳng định đủ năng lực cung ứng thanh long cho thị trường EU và những thị trường khó tính khác, quan trọng là doanh nghiệp xuất khẩu và đầu mối tiêu thụ có những chính sách đặt hàng và thu mua ổn định, giá cả hợp lý để nông hộ sản xuất tập trung theo quy mô lớn.

Huyện Châu Thành, vùng trồng lớn nhất Long An đến cuối năm 2023 đang được cấp phép lại 85 mã số vùng trồng, mã số kho và có chỉ dẫn địa lý. Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết: Mỗi mã số vùng trồng được làm mới với khoảng 10 ha. Với 6.800 ha hiện đang cho trái, chính quyền địa phương đã đưa vào theo dõi, quản lý diện tích để điều tiết sản lượng phù hợp. Quản lý vấn đề canh tác của nông hộ trồng thanh long là điều không dễ dàng, vì trước đây, đã từng xảy ra tình trạng “vỡ trận” khi người nông dân ồ ạt trồng thanh long, bất chấp khuyến cáo.

Theo ông Khải, ngành điện lực đang triển khai giám sát lượng điện cung ứng cho sản xuất thanh long. Qua đó phối hợp cùng chính quyền điều phối lượng điện năng cho vùng trồng xông đèn trái vụ.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thanh long Long An vẫn xác định Trung Quốc là thị trường chủ lực, kế đến là Hàn Quốc và Nhật Bản (Ảnh: NQ)

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thanh long Long An vẫn xác định Trung Quốc là thị trường chủ lực, kế đến là Hàn Quốc và Nhật Bản (Ảnh: NQ)

“Về quản lý chung, địa phương cũng đang phối hợp một số doanh nghiệp kiểm tra lượng xông đèn của bà con. Vào các buổi tối thì điện lực cung ứng điện cho thanh long từ khâu này, chúng tôi sẽ giám sát được mỗi tối, mỗi thời điểm bà con xông đèn khoảng bao nhiêu ha… Qua đó thì anh em chuyên môn sẽ nắm quản lý được và có dự kiến về sản lượng thanh long trong từng đợt cung ứng điện xông đèn này” - ông Nguyễn Văn Khải.

Để trái thanh long có đầu ra ổn định, ngành nông nghiệp và công thương tỉnh Long An cho rằng, người dân phải phát triển diện tích thanh long theo hướng tập trung, phù hợp với nhu cầu thị trường. Sở Công Thương cũng chủ động cập nhật kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu để doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng mua bán rõ ràng, giảm rủi ro trong khâu giao thương.

Ngoài thị trường Trung Quốc, trái thanh long của tỉnh còn được tiêu thụ ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Châu Âu và Hoa Kỳ. Trong đó thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh thông qua Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, một doanh nghiệp tại địa phương.

Long An khẳng định đủ năng lực cung ứng thanh long cho thị trường EU và những thị trường khác (Ảnh: NQ)

Long An khẳng định đủ năng lực cung ứng thanh long cho thị trường EU và những thị trường khác (Ảnh: NQ)

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho hay, sở đã ký kết ghi nhớ với Công ty TNHH Dịch vụ EB – đại diện Central Retail, Tập đoàn Lulu, Foodnamoo Việt Nam (Hàn Quốc) và Công ty OSB – đại diện Alibaba về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh Long An, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế.

“Hiện nay sở luôn phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội thanh long tỉnh để kết nối với các daonh nghiệp vừa ký kết thực hiện việc xuất khẩu thanh long ra nước ngoài hiệu quả hơn trong thời gian tới” - ông Huỳnh Văn Quang Hùng nói.

Giải bài toán cung cầu linh hoạt theo thị trường vẫn là mấu chốt trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Ngành hàng thanh long cũng không ngoại lệ khi đã có quá nhiều kinh nghiệm qua các đợt khủng hoảng. Việc củng cố sản lượng và chất lượng giải quyết hiệu quả vấn đề về giá, cần được được đông đảo nông hộ, HTX và doanh nghiệp chung sức, góp phần giúp cây thanh long tăng trưởng hiệu quả, bền vững thời gian tới.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/long-an-loay-hoay-tim-dau-ra-ben-vung-cho-trai-thanh-long-post1064520.vov