Long An hôm nay

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh được tập trung triển khai, thực hiện. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng dần phục hồi và thu hút đầu tư khá tốt,... Đó là những kết quả phấn khởi mà tỉnh đã đạt qua nửa nhiệm kỳ 2020-2025.

Kinh tế phát triển vượt trội

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho biết, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 được triển khai, thực hiện trong bối cảnh thế giới, trong nước và tỉnh có những yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh cùng sự phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN), việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH đạt nhiều kết quả. Trong nửa nhiệm kỳ, kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được quan tâm đầu tư; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện; đời sống người dân ngày càng được nâng cao; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành được nâng lên.

Nguyên Phó Chủ tịch nước - Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn (bìa phải, hàng đầu) tham quan nhân dịp Nhà máy Thép GBSteel (huyện Thạnh Hóa) khánh thành trong tháng 8/2023. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Nguyên Phó Chủ tịch nước - Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn (bìa phải, hàng đầu) tham quan nhân dịp Nhà máy Thép GBSteel (huyện Thạnh Hóa) khánh thành trong tháng 8/2023. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Trong 2 năm 2021, 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt lần lượt 1,02%, 8,46% và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,43%. Quy mô kinh tế của tỉnh hiện đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng. Hoạt động sản xuất công nghiệp có sự phục hồi, phát triển và chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với trước. 7 tháng của năm 2023, IIP tăng 4,56% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,67%, cũng là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 90%) trong cơ cấu ngành Công nghiệp của tỉnh.

Theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, tỉnh có sự phục hồi kinh tế nhanh do lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi, phát triển kinh tế. 7 tháng của năm 2023, giải ngân đầu tư đạt gần 60% kế hoạch, giải ngân trên 5.600 tỉ đồng, chủ yếu là các công trình giao thông, công trình trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.

Sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, điều này kéo theo IIP bình quân giai đoạn năm 2021-2022 tăng thấp, đạt 3,95%/năm. Tuy nhiên, quy mô ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước triển khai dự án (DA) tại tỉnh; phát triển nhiều ngành nghề mới như điện, điện tử, cơ khí, sản xuất điện năng lượng mặt trời, công nghiệp chế biến nông sản.

Bên cạnh đó, các DN trong nước bắt đầu chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa các lĩnh vực sản xuất, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 16.000 DN hoạt động với tổng vốn đăng ký 364.126 tỉ đồng; 2.176 DA đầu tư trong nước với tổng vốn 253.038 tỉ đồng. Riêng đối với DA đầu tư nước ngoài (FDI), toàn tỉnh có 1.195 DA đăng ký với tổng vốn đăng ký 10,4 tỉ USD (đứng thứ 5 trên cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI), có 588 DA đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỉ USD.

Thời gian qua, tỉnh tiếp nhận nhiều DA có vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng như Công ty TNHH Lotte Eco Logis Long An, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Kho lạnh Transimex Long An. Điều này chứng tỏ hạ tầng khu, cụm công nghiệp (K,CCN) được quan tâm đầu tư và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư lớn, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Toàn tỉnh hiện có 18 KCN và 23 CCN hoạt động. Công tác tiếp nhận DA vào các K,CCN ngày càng đổi mới theo hướng ưu tiên tiếp nhận các DA có công nghệ ngày càng cao và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư được tập trung thực hiện, góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy K,CCN. Việc duy trì thường xuyên đối thoại DN, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện DA.

Quyết tâm giữ vững vị trí đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Nguyễn Văn Út, một trong những điểm nổi bật của tỉnh qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh là được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh là địa phương thứ 10 trên cả nước và đầu tiên của khu vực phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.

Chính quyền tỉnh thực hiện khởi công Đường tỉnh 830E

Chính quyền tỉnh thực hiện khởi công Đường tỉnh 830E

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; tầm nhìn đến năm 2050, là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của Vùng Đông Nam bộ.

Tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, DA ưu tiên đầu tư. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu hình thành 6 trục động lực theo quy hoạch trong thời gian sớm nhất, gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4, Trục động lực Quốc lộ 50B, Trục động lực song hành Quốc lộ 62, Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, Trục động lực Quốc lộ N1, Trục động lực Đức Hòa. Khi các trục đường này hình thành sẽ là "chìa khóa" cho quy hoạch tỉnh thêm thành công.

Ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, chính quyền tỉnh phải tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch theo phương châm “Lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ”.

Phát triển nguồn nhân lực cũng được tỉnh quan tâm thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài. Tỉnh cũng ưu tiên ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; đổi mới, sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng; đẩy mạnh chuyển đổ số, phát triển kinh tế số và xã hội số./.

Gia Hân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/long-an-hom-nay-a162019.html