Lời xin lỗi

Đó là buổi học thứ chín của An ở trường mới. Kết thúc giờ thể dục, cô bé An trở về phòng thay đồ và nhìn thấy một đám đông đang xúm xít trước hộc để đồ của cô.

An phải lau kỹ mắt kính ướt mồ hôi để nhìn cho rõ và kinh ngạc khi thấy những đứa trẻ đang đứng thành vòng tròn đều là các nữ sinh lớp 3A. Chúng đã thay đồng phục trở lại từ lúc An còn ở trong nhà vệ sinh. Một đứa trong bọn đang giơ cao đôi giày đỏ lên đầu và đứa khác thì vung vẩy cặp mắt kính. Chẳng cần phải nhìn mặt hai nạn nhân đang đứng ở vị trí tâm điểm của vòng tròn, An cũng biết ai là chủ nhân của đôi giày Gucci và chiếc kính cận còn dày hơn cả cô. Hai kẻ bị giật đồ đứng tựa lưng vào ngăn tủ của An, mà lúc này vừa biến thành một ngõ cụt vừa hóa ra điểm tựa giúp chúng khỏi khuỵu ngã vì sợ hãi. An lách người vào giữa vòng tròn và tiến đến hai vật cản đang bịt kít tủ đồ của mình.

-Tớ muốn lấy đồ - An thì thầm.

Cô bé dán lưng vào cánh tủ có thân hình mập mạp tròn xoay. Mười đầu ngón chân mũm mĩm hoảng hốt chụm trên mặt sàn gỗ và cô cố gắng đứng tránh người bên cạnh càng xa càng tốt, nhưng vô ích, vòng tròn dường như đang muốn khép chặt hơn để ép cô phải xích lại gần nạn nhân thứ hai, là một cậu bé khẳng khiu như que diêm, nước da trắng bóc giống trẻ sơ sinh và khuôn mặt đẹp tựa bức hình minh họa hoàng tử trong cuốn truyện tranh của An ở nhà. Lũ trẻ cũng đang gọi cậu ta là hoàng tử, nhưng bằng một cái tên là lạ. “Hoàng tử Barbie và công chúa Lợn sữa hôn nhau đi”.

- Tớ muốn lấy đồ – An nhắc lại, thậm chí còn khẽ hơn nữa.

Cô bé kia buộc phải nhích sang bên cạnh, sát vào cậu con trai cũng đang tái xám mặt mày. Cả hai không biết phải xử trí thế nào và bắt đầu ngân ngấn nước mắt. Cậu đẹp trai thì thậm chí đã rơi hẳn một giọt xuống gò má mịn màng.

- Hoặc là hoàng tử và công chúa hôn nhau, hoặc là bọn tao sẽ vứt mấy cái này xuống sân.

Hai đứa con gái minh họa cho lời dọa nạt bằng cách đu đưa đôi giày và chiếc kính mắt ra ngoài cửa sổ. Một đứa có mái tóc nâu óng uốn lọn xoăn như búp bê và đứa còn lại thì được tết cẩn thận rồi búi lên như đi dự tiệc. Cả hai đều đi giày thể thao Gucci.

- Hơn nửa lớp học đi giày Gucci – Mẹ cô đã nhận xét như vậy sau ngày tựu trường với bữa tiệc liên hoan có mặt tất cả phụ huynh và học sinh – Mình có nên mua cho nên Thiên An một đôi giày giống thế cho hòa nhập không, kẻo con tủi thân.

- Không, đôi giày Clarks mà bố mua tặng sinh nhật con vẫn rất đẹp và rất vừa vặn – Bố cô nắm chặt bàn tay con gái nhỏ - Người thành công là người có chủ kiến, là người định hướng đám đông, thay vì chạy theo truyền thông và dư luận. Con gái của bố xinh đẹp không phải vì đôi giày mà vì đôi mắt thông minh của con đấy.

Thiên An thậm chí còn không biết Gucci và Clarks khác nhau thế nào nhưng cô biết mắt sáng và mắt cận là một trời một vực. Cô ghét đôi mắt của mình, ghét cặp kính vướng víu phải đeo từ năm ngoái, đặc biệt là ghét những giờ ra chơi bị lũ bạn cuỗm mất kính khiến cho mắt cô mờ tịt không rõ mặt người.

- Trả giày cho tớ – Cô bé nài nỉ bằng âm vực yếu ớt tới nỗi chỉ có An đứng sát cạnh mới có thể nghe thấy.

- Trả kính cho tớ – Cậu con trai bắt đầu thút thít.

- Hôn nhau đi… Hoàng tử, công chúa hôn nhau đi… - Lũ trẻ bắt đầu đồng thanh hét lên.

An đã mở cánh tủ để lấy ra bộ đồng phục. Ở góc trong cùng là túi đồ dự phòng mà mẹ cô, người phụ nữ cẩn thận nhất thế giới đã bảo cô cất vào tủ ngay từ ngày đầu năm học. Bên trong là bộ quần áo và đôi sandal. “Để nhỡ lúc nào con bị ướt hoặc ngã bẩn hết quần áo”, mẹ cô giải thích. An rút đôi sandal ra khỏi túi bóng và đặt xuống trước mặt cô bé khốn khổ.

- Cậu đi vào đi, tớ cho cậu mượn.

Có một khoảnh khắc yên lặng và thanh bình trước cơn bão, chính xác hơn, sự im lặng này là biểu hiện kinh ngạc tột độ. Cô có vài giây hối hận khi bị cơn sợ hãi tấn công, lúc những đứa trẻ chợt sực tỉnh sau phút ngạc nhiên ban đầu. “Con biết không, những người dũng cảm luôn đứng lên trước đám đông và làm điều mà họ cho là đúng nhất”. Giọng nói ấm áp của bố chợt văng vẳng xoa dịu cơn choáng váng vì chính hành động bột phát vừa rồi. “Anh không dạy con học tốt mà lại đi dạy dũng cảm. Trẻ con biết gì mà dũng cảm. Mà có những điều, với người này là tử tế và dũng cảm, với kẻ khác lại thành ngốc nghếch và dở hơi” – “Dũng cảm quan trọng hơn điểm số. Xã hội này đang thừa điểm 10 rồi, chỉ có lòng dũng cảm là còn thiếu. Giờ việc gì chúng ta cũng hùa theo định hướng và đám đông mà không biết mình đang đúng hay sai. Dám làm điều đúng đắn cũng đã là dũng cảm với bản thân mình rồi”. Bố mẹ thường xuyên tranh luận về những điều mà cô không hiểu gì trong mỗi bữa cơm tối. Nhưng 10 năm sau thì cô đã thấm đầy đủ ý nghĩa của nó. Cô đã làm điều mà cô cho là đúng nhất.

- Ôi nô tì của hoàng tử Barbie và công chúa Lợn sữa…

Những đứa trẻ bắt đầu quay sang mục tiêu mới. Chúng khoái trá tiến lại gần Thiên An và bắt đầu giả tiếng miền Nam của cô. Đứa con gái tóc đen nhánh léo nhéo nhại giọng xong thì phá lên cười, như thể bắt nhịp cho những đứa khác cùng cười theo.

- Nó đen như cái bánh mì mà tối qua mẹ tớ nướng bị cháy ấy.

- Thế thì từ giờ chúng mình sẽ gọi nó là Bánh mì cháy.

- Nô tì Bánh mì cháy của hoàng tử Barbie và công chúa Lợn sữa.

Tai Thiên An ù lên. Cô ước gì mình có thể bay lên trần nhà hoặc chui tọt xuống mặt đất, cách nào cũng được. Cơn ác mộng đã bắt đầu lặp lại. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể nhạo báng nước da nâu sậm của cô.

- Nó cho công chúa mượn giày thì cũng sẽ cho hoàng tử mượn kính nữa đấy! Một đứa kêu lên, khiến tất cả chợt nhớ ra An và cậu bé kia là hai kẻ duy nhất trong lớp phải đeo kính.

Minh họa: Hiền Nhân.

Con bé đứng gần nhất cười khúc khích rồi giơ tay giật chiếc kính trên mặt An. Cô đã bị làm điều này hàng chục lần, ở lớp học cũ, tuy nhiên chúng chỉ đùa cợt chứ không ác ý như đám bạn mới này. Song chính hành vi tấn công quen thuộc ấy đã hình thành cho cô một phản xạ tự vệ có điều kiện. Nhanh như cắt, An gạt mạnh tay đứa bạn cùng lớp nhưng không ngờ đập trúng mắt con bé. Nó ôm mặt khóc thét lên. Lúc này cả các nam sinh nghe ồn ào cũng đã ùa sang hỏi có chuyện gì.

- Bạn gái mày bị con Bánh mì cháy này đánh vào mặt.

Con bé tóc tết kêu lên một cách xúi bẩy và cổ vũ. Tức thì thằng bé được gọi là “bạn trai” có thân hình nhỏ thó như trẻ vỡ lòng tiến thẳng đến trước mặt An rồi thụi mạnh vào lưng cô trong tiếng vỗ tay rào rào. Tiện thể, nó chộp mạnh chiếc kính trong lúc cô đang run người vì đau.

“Tại sao bố lại làm thế?”

“Vì đàn ông không được ngược đãi phụ nữ”.

Lần ấy, bố cô đã dừng xe lại ngay khi nhìn thấy đám đông. Ông dặn cô ngồi yên trên ghế rồi mở cửa ra ngoài, rảo bước về phía gã đàn ông đang thoải mái tung đòn vũ phu mà chẳng ai can ngăn. Ông nói vài câu gì đó với quai hàm nghiến chặt rồi siết mạnh cổ tay gã đốn mạt có thân hình lẻo khoẻo trong lúc cô gái nhân cơ hội ấy đã tự giải thoát. Thiên An nhìn thấy sức mạnh của bố mình qua những ngón tay gọng kìm và sự dịu dàng trong đôi mắt khi ông thơm nhẹ lên trán cô để trấn an lúc quay trở lại xe. “Các cô con gái đều là viên ngọc quý đối với tất cả những người cha, nên không ai được phép làm điều đó với họ. Nhất là con, vàng ngọc của bố, nếu ai mà đụng đến con thì con hãy nhìn này”. Ông xòe bàn tay dày, rộng và ấm áp. Nó vững chãi và an toàn như một mái nhà. “Con cũng luôn phải tự bảo vệ mình nhé. Hãy quý trọng thân thể và danh dự của mình như một viên ngọc”.

Thằng bé tung chiếc kính của cô vào đám bạn học. Những đứa khác tranh nhau bắt lấy rồi hò reo ầm ĩ. Chúng đang sử dụng chiếc kính của cô như một trái bóng chuyền. Bả vai cô lại đau nhói sau cú đấm. Chưa ai từng sử dụng bạo lực với cô cả. Bố mẹ cô thậm chí còn chưa bao giờ cao giọng với cô.

- Dừng lại, sao mày dám đánh phụ nữ – Cô hét lên bằng toàn bộ âm lượng và cảm thấy có thứ gì đang vỡ vụn từ cổ họng.

Âm thanh huyên náo ngưng bặt trước khi bắt đầu một tràng cười tập thể thậm chí còn ầm ĩ hơn trước. Thằng bé vừa đánh cô ngạc nhiên giống như lần đầu nghe thấy điều lạ lùng. Nó sấn lại định giơ chân đá tiếp, miệng la bai bải “Nó bảo nó là phụ nữ kìa. Phụ nữ là cái gì cơ chứ…”. Nhưng nó chưa kịp nói hết câu thì đã tối tăm mặt mũi vì hứng trọn những cú giáng trả liên hồi từ chiếc giày Clarks bằng da đen to nặng.

- Stop!...Stop!... I said stoppp... (Dừng lại ngay...)

Phòng thay đồ chợt im phắc như chiếc loa huyên náo vừa bị ấn nút tạm dừng. Cô Susan vừa bước vào, kinh hãi nhìn cảnh ẩu đả. Cô Susan là một giáo viên người Úc, phụ trách bộ môn Toán tiếng Anh. Cô gần bằng tuổi bà ngoại của lũ học trò, nhưng nét mặt nghiêm khắc với đôi môi mỏng dính luôn mím lại và ánh mắt nhìn xoáy vào người đối diện sau cặp kính dày khiến ngay cả đồng nghiệp cũng phải ngại ngùng. Lúc này, cô đang cố định hình cảnh tượng trước mặt: Một đứa con gái cao lớn, da nâu bóng, tóc xoăn tít, chân giày chân đất, tay cầm chiếc bốt cao cổ vừa lột khỏi chân và đánh túi bụi vào một nam sinh nhỏ bé học cùng lớp.

Cô Susan nhận ra đó là một nữ sinh mới chuyển đến và cậu bé kia là học trò cưng của cô, con trai ông chủ chuỗi siêu thị điện máy bán lẻ nổi tiếng, một trong những phụ huynh có đóng góp lớn nhất cho quỹ ngoại khóa của trường. Đây là một trường tư thục hàng đầu của thành phố, học phí cũng ở mức cao nhất, quy tụ những đứa trẻ không phải kim cương thì cũng ngọc ngà của các ông bố bà mẹ giàu có. Người ta sẽ chất vấn thế nào với hiệu trưởng nếu chứng kiến đứa con trai độc nhất của mình bị bạo hành bằng gót giày thế kia, mà lại bởi một đứa con gái?

Ôi Chúa ơi, sao nó táo tợn làm vậy. Trường này chưa hề xảy ra bạo lực. Đây là môi trường giáo dục tiên tiến nhất, nơi đào tạo ra những tinh hoa tương lai cho đất nước, thậm chí đóng góp cho cả thế giới. Chẳng mấy chốc mà những đứa trẻ con nhà gia thế này sẽ trở thành các lãnh đạo ưu tú, các doanh nhân thành đạt... thế mà con bé trâng tráo kia từ đâu đến dám ứng xử bằng đế giày. Việc này nếu không giải quyết dứt điểm sẽ trở thành khủng hoảng truyền thông, là tiền lệ xấu cho các học sinh khác muốn sử dụng nắm đấm thay vì ngồi xuống đàm phán ôn hòa và hợp tác. Cô Susan cảm thấy khó thở vì tức giận, cô phải báo cáo lên hiệu trưởng, nhưng trước hết…

- Thiên An, you are not a good girl! (Thiên An, con không phải là một học trò ngoan)

Cô nhìn xoáy vào đứa học sinh mới với ánh mắt cố kìm chế để khỏi mắng nhiếc bằng những lời lẽ nặng nề.

- But… they… (Nhưng... các bạn...)- An lắp bắp tự bào chữa nhưng lập tức bị cắt ngang.

- She beat him. She

beat him… (Nó đánh bạn ấy... )

Lũ trẻ đồng thanh buộc tội, trong khi hoàng tử và công chúa vẫn đang đứng chôn chân xuống đất với đôi mắt ầng ậc nước vì bối rối và sợ hãi. Rõ ràng là cô Susan không hề để ý gì đến chúng.

- But… (Nhưng...)

- Don’t talk anymore. You will be punished. Go to your room (Không cần nói thêm nữa, con sẽ bị phạt. Hãy đi về phòng đi)

Cô Susan khoanh tay trước ngực một cách đầy quyền lực và ra hiệu cho tất cả học sinh còn lại trở về lớp.

Mặc dù vừa chuyển đến, Thiên An cũng đã quen với cách thức và nội quy của trường mới. Cô hiểu “punished” và “your room” nghĩa là gì. Đó là một căn phòng nhỏ chỉ có bốn bức tường với bộ bàn ghế. Các học trò vi phạm kỷ luật sẽ phải vào đó ngồi tự kiểm điểm và viết bản cam kết. Và thời gian bị “giam giữ” lâu hay chóng còn tùy thuộc vào lỗi mà học sinh phạm phải. Thông thường chỉ 15 đến 20 phút. Nhưng lần này, cô Susan bảo Thiên An phải ngồi trong đó 45 phút để “sám hối”.

Nhiều học trò tận dụng cơ hội bị phạt này để tranh thủ làm giấc ngắn, khi mà chúng có thể đã chơi game đến 1 giờ sáng. Nhưng Thiên An không thể ngủ, mắt trừng trừng vào cánh cửa đóng kín. Đúng lúc ấy thì nó bật mở, người xuất hiện không phải cô Susan mà là “công chúa” với đôi giày Gucci đỏ chỉnh tề dưới chân. Cô bé rón rén bước vào, đặt lên bàn một chiếc bánh quy pho mát và hộp sữa ca cao.

- Tớ là Cẩm Bình, không phải Lợn sữa…

Cô bé định lí nhí thêm gì đó nhưng rồi lại vội vã chạy đi ngay.

Hôm đó, thậm chí Thiên An không được về nhà theo xe trường, mà phải ngồi ở phòng hiệu trưởng để chờ bố đến đón.

- Chúng tôi muốn gặp gia đình để thông báo về một sự việc nghiêm trọng đã xảy ra liên quan đến Thiên An.

Hiệu trưởng đi thẳng vào vấn đề ngay sau khi chào hỏi. Bà là một phụ nữ thời trang và lịch thiệp. Cũng nhờ vậy mà đồng phục của học sinh luôn được thiết kế thẩm mỹ nhất thành phố. Nhiều đứa trẻ năn nỉ bố mẹ cho chuyển vào đây học chỉ vì đồng phục đẹp. Và điều mà bà ghét nhất, ghét hơn tất cả các hiệu trưởng khác, là lối ứng xử không phải phép.

- Thiên An sẽ phải xin lỗi – Bà dứt khoát.

Đó là cuộc gặp mặt phụ huynh ngắn ngủi và nhanh chóng đi đến thỏa thuận trước khi hiệu trưởng vẫy tay chào hai cha con bằng thái độ hòa nhã. Thiên An giữ im lặng hồi lâu cho đến khi cha cô vòng xe sang con đường không phải lối về nhà. Ông dừng lại bên một hồ nước với rất nhiều liễu rủ ken dày như một mái tóc đang rũ rượi.

- Bố rất muốn nghe toàn bộ câu chuyện từ con.

Rồi đến lượt ông giữ yên lặng sau khi Thiên An thuật lại tất cả tình tiết kể từ lúc cô bước chân vào phòng thay đồ. Là một luật sư từng làm nghiên cứu sinh ở Mỹ và được các công ty luật hàng đầu của Hoa Kỳ mời hợp tác, ông đang cố gắng tìm từ ngữ thích hợp để giải thích cho cô con gái nhỏ xem đây là phòng vệ ở mức cho phép hay tự vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

- Con nên xin lỗi bạn theo yêu cầu của cô hiệu trưởng.

- Nhưng bố đã nói cho dù phụ nữ có làm gì đi chăng nữa thì đàn ông cũng không được phép dùng bạo lực. Mà con có làm gì bạn ấy đâu?

Thiên An chảy nước mắt. Đến lúc này cô mới bật khóc, thay vì làm điều đó ở phòng thay đồ hay “your room”. Người cha thở dài. Lần đầu tiên trong đời ông luật sư trở nên lúng túng. Ông ôm chặt cô con gái đang nức nở vì tủi thân. Ông thì thầm không thành tiếng “Nếu là bố thì bố cũng sẽ làm như vậy”, nhưng cuối cùng ông xoay mặt lại và nhìn sâu vào mắt Thiên An.

- Thế này con gái, có những việc ta sẽ phải tự vệ chính đáng nếu ở bước đường cùng. Nhưng ở đây chưa phải ngõ cụt, ta vẫn còn nhiều giải pháp, con vẫn có thể trao đổi với cô giáo và bố mẹ để cùng tìm cách…

- Cô Susan sẽ không bao giờ đứng về phía con. Con biết chắc chắn như vậy.

Cha cô lại im lặng mất vài giây. Luật pháp và thực tế luôn là hai phạm trù khác biệt. Hơn ai hết ông hiểu điều này.

- Vậy chúng ta sẽ xin lỗi bạn theo cách này: Mình xin lỗi vì đã dùng đế giày để đánh lại bạn. Dù thế nào thì con cũng chưa đến mức phải dùng đế giày đúng không nào. Chà chà cô gái đáo để của ba.

- Nhưng lúc ấy con chẳng có gì trong tay cả, con không thể tay không đánh lại bạn ấy.

- Uhm, nhưng dùng giày thì không nhã nhặn. Bà hiệu trưởng không thích thế đâu, cả mẹ con cũng không thích.

“Mình xin lỗi vì đã dùng đế giày để đánh lại bạn”… Thiên An đã nói nguyên xi như vậy, với cái bóng cao lớn của người cha đứng đằng sau. Ông cũng xin lỗi vì đã để cho chuyện không hay xảy ra, dù ông chẳng hề có mặt ở đó. Và những lời lẽ khéo léo đã khiến cho gia đình ông chủ chuỗi siêu thị điện máy hết sức hài lòng. Mãi sau này, Thiên An mới hiểu hết ý nghĩa của từng chữ trong lời xin lỗi được cha soạn sẵn, những ngôn từ của một luật sư được cả giới luật phương Tây kính nể. Và đó cũng là lần đầu tiên, cô học được cách để nói hai từ “Xin lỗi”.

Truyện ngắn của Di Li

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/399653/loi-xin-loi.html