Lợi và hại của màn hình cảm ứng trên ô tô

Theo trang Popular Science, các hãng xe cần cân bằng giữa màn hình cảm ứng công nghệ cao với nút điều khiển truyền thống.

Trải qua 20 năm, màn hình cảm ứng như máy tính bảng trên ô tô từ một thứ xa xỉ trở thành tiêu chuẩn phổ biến trong ngành. Ngày càng nhiều tính năng được tích hợp vào chúng. Tuy nhiên không ít nghiên cứu cảnh báo sự hiện đại quá mức có thể khiến tài xế dễ mất tập trung hơn.

Mới đây chương trình Đánh giá xe mới châu Âu (Euro NCAP) thông báo từ năm 2026, họ chỉ trao xếp hạng an toàn hàng đầu cho phương tiện dùng nút và cần gạt kiểu cũ kích hoạt đèn báo, cần gạt nước, còi cùng một số tính năng lái quan trọng khác. Yêu cầu buộc các hãng xe phải đánh giá lại loạt tính năng tích hợp vào màn hình cảm ứng. Mặc dù tiêu chuẩn tự nguyện này chỉ áp dụng ở châu Âu, nhưng tranh luận về việc lược bỏ nút điều khiển cũng đang diễn ra ở Mỹ.

Theo giám đốc phát triển chiến lược Euro NCAP Matthew Avery: “Tiêu chuẩn kiểm tra có hiệu lực từ năm 2026 sẽ khuyến khích các đơn vị sản xuất sử dụng phương thức điều khiển vật lý riêng biệt, trực quan cho tính năng cơ bản, giúp giảm thời gian rời mắt khỏi đường, qua đó thúc đẩy lái xe an toàn hơn”.

Lợi ích

Màn hình cảm ứng vô cùng phổ biến trên xe mới. Một khảo sát quy mô toàn cầu do tổ chức S&P Global Mobility thực hiện gần đây ghi nhận 97% ô tô ra mắt sau năm 2023 được trang bị ít nhất một màn hình cảm ứng trong cabin. Gần 25% ô tô và xe tải đang lưu thông tại Mỹ có màn hình kích thước tối thiểu 11 inch.

Trước đây hệ thống thông tin - giải trí này chủ yếu phục vụ hoạt động như nghe nhạc hay gọi điện thoại, nhưng ngày nay các hãng xe tích hợp cả tính năng quan trọng như nhấp nháy đèn hay báo hiệu rẽ vào chúng. Tuy màn hình cảm ứng ngày càng hiện đại, khảo sát năm 2022 của tổ chức Consumer Reports lại cho kết quả chỉ khoảng một nửa số tài xế được hỏi cảm thấy hài lòng với hệ thống thông tin - giải trí.

“Tác vụ thông thường mà trước đây tài xế thực hiện bằng nút điều khiển đơn giản giờ phải bấm chuyển qua hàng loạt giao diện, đòi hỏi nhiều bước hơn, nhiều thời gian lẫn sự chú ý hơn”, theo chuyên gia Kelly Funkhouser (Consumer Reports).

Các hãng xe ưa chuộng màn hình cảm ứng vì một số lý do. Thứ nhất chúng giúp giải phóng không gian cabin, tránh gây lộn xộn vì quá nhiều nút điều khiển. Thứ hai giao diện như máy tính bảng cho phép tài xế truy cập nhiều tính năng phức tạp hơn (ưu thế mà các hãng có thể sử dụng để quảng cáo bán hàng). Quan trọng hơn cả, màn hình cảm ứng giúp hạ chi phí sản xuất.

Cũng nhờ số hóa nhiều tính năng mà hãng xe có thể sửa lỗi hoặc tiến hành nâng cấp thông qua internet thay vì tài xế phải đưa phương tiện đến cửa hàng. Trong tương lai, các đơn vị quảng cáo chắc chắn không bỏ qua màn hình cảm ứng trên ô tô, đặc biệt khi tính năng hỗ trợ người lái và công nghệ tự lái phát triển.

Lo ngại sự an toàn

Hệ thống thông tin - giải trí ngày càng phức tạp làm dấy lên lo ngại về an toàn. Tổ chức AAA Foundation từng xác định tài xế dùng chúng để thực hiện tác vụ như định vị điểm đến hoặc gửi văn bản thường bị xao nhãng về thị giác lẫn tinh thần trong khoảng 40 giây. Theo nghiên cứu của Đại học Công nghệ Virginia, người rời mắt khỏi đường hơn 2 giây liên tục có nguy cơ suýt gây tai nạn cao gấp đôi.

Cơ quan Quản lý an toàn giao thông cao tốc quốc gia Mỹ cho biết lái xe mất tập trung (có thể do nhìn màn hình cảm ứng) chiếm 8% tổng số trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông ở nước này năm 2021.

Euro NCAP đặt ra tiêu chuẩn mới trong bối cảnh một số hãng xe chạy đua đầu tư phát triển màn hình cảm ứng lớn hơn, phức tạp hơn. Ford và Mercedes-Benz đã ra mắt phương tiện sở hữu màn hình 48 inch hay thậm chí 56 inch. Tuy nhiên Hyundai và Nissan tái khẳng định cam kết sử dụng hợp lý giữa nút điều khiển vật lý với màn hình cỡ nhỏ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/loi-va-hai-cua-man-hinh-cam-ung-tren-o-to-214802.html